Đối với các doanh nhân muốn trốn thuế hoặc các chính trị gia tham nhũng cần che giấu tài sản, lựa chọn dễ nhất là rửa tiền, lập công ty bình phong hay gửi tiền ở thiên đường thuế.
Chân dung "cha đẻ" của Hồ sơ Panama gây chấn động thế giới
- Cập nhật : 06/04/2016
(Tin kinh te)
Trong hàng chục năm qua, Jurgen Mossack và Ramon Fonseca là những nhân vật mà bất cứ đầu tư quốc tế nào muốn đến Panama cất giấu tài sản đều phải gặp. Nhưng ngay cả trước khi vụ rò rỉ tài liệu nổ ra vào hôm 3/4, hai người đàn ông này hiểu rằng việc kinh doanh siêu lợi nhuận của họ đã đến hồi thoái trào.
Trong cuộc phỏng vấn kéo dài bốn tiếng với Bloomberg, Mossack và Fonseca đã tỏ ý như muốn "quy ẩn giang hồ". Họ cho rằng thời vàng son của việc thành lập các công ty vỏ bọc đã kết thúc. Công ty của họ đang cân nhắc giảm quy mô. Mossack cũng bày tỏ sự bất bình trước việc Mossack Fonseca đang phải đứng mũi chịu sào cho một âm mưu chính trị đứng đằng sau vụ rò rỉ tài liệu gần đây. Chỉ vài ngày trước đó, Fonseca đã tự động rời bỏ vị trí cố vấn đặc biệt của tổng thống PanamaJuan Carlos Varela với lý do là muốn tập trung vào việc kinh doanh.
Các chi tiết về hoạt động của Mossack Fonseca đã được hé lộ trong số tài liệu bị rò rỉ được tung ra bởi Hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Nhiều người nổi tiếng và chính trị gia thế giới đã tuồn hàng tỷ USD qua các ngân hàng và công ty vỏ bọc được thành lập bởi Mossack Fonseca. Trong số những người sử dụng dịch vụ của công ty có những cái tên đắt giá như tổng thống Argentina Mauricio Macri, tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hay Thủ tướng Iceland - người vừa từ chức trước áp lực dư luận.
“Da Vinci”
Trong hai nhà sáng lập của công ty, Mossack, 68 tuổi, với gốc gác Đức, tỏ ra lão luyện trong việc kinh doanh hơn. Trụ sở của Mossack Fonseca là một tòa nhà nhỏ, có mặt tiền được ốp kính và nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà chọc trời xung quanh. Bên cạnh đó là F&F Tower, một tòa nhà hình xoắn ốc, biểu tượng của thành phố có biệt danh là “Dubai của Châu Mỹ” này.
Nếu như Mossack là người thực dụng thì Fonseca, 63 tuổi, tự nhận mình là một người mơ mộng. Ông tự cho mình là người giống với danh họa “da Vinci” nhờ sự am hiểu chính trị, luật pháp, kinh doanh và nghệ thuật. Ông đã viết 6 cuốn tiểu thuyết trong những năm qua, và khi còn trẻ ông đã từng muốn trở thành một mục sư.
Chính trong khoảng thời gian làm việc tại Liên hiệp quốc ở Geneva, nơi tập hợp của nhiều luật sư quốc tế, Fonseca đã bị thu hút bởi thế giới bí ẩn của các công ty vỏ bọc. “Vào một ngày đẹp trời tôi cảm thấy mình có thể làm công việc này”, ông nói. “Tôi đã bỏ việc Liên hiệp quốc và khởi nghiệp với một thư ký”. Không lâu sau đó, ông gia nhập công ty của Mossack.
Bán công ty cũng giống như bán xe hơi
Thành lập các công ty vỏ bọc ở nước ngoài là hoạt động phổ biến của các tập đoàn, quỹ đầu tư và tỷ phú. Những nước có thuế suất thấp hoặc miễn thuế là những nơi lý tưởng để đặt trụ sở doanh nghiệp hoặc cất giữ tiền, cổ phiếu, và các tài sản khác. Thành lập một công ty như thế chỉ tốn có vài nghìn USD. Sau khi trả khoản phí này cho các công ty luật như Mossack Fonseca, các công ty vỏ bọc sẽ nhanh chóng được thành lập. Các công ty vỏ bọc chỉ phải đóng một số khoản phí mỗi năm để duy trì hoạt động.
Mặc dù các công ty vỏ bọc thường là hợp pháp, chúng cũng có thể được dùng để rửa tiền. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các chính phủ phương Tây đã tìm cách vạch trần các nước chuyên cung cấp công ty vỏ bọc, vì cho rằng chúng có thể được dùng để trốn thuế và giấu các khoản tiền bất hợp pháp.
Để biện hộ cho tính hợp pháp của công việc ông đang làm, Mossack thường so sánh công việc của mình với ngành công nghiệp ô tô. “Khi anh tạo ra hàng trăm nghìn công ty vỏ bọc, không thể tránh khỏi việc giao dịch với khách hàng xấu. Đó là bản chất của ngành kinh doanh này và không phải lỗi của các công ty luật như chúng tôi”, ông nói. Ông ví việc bán công ty giống như bán xe hơi khi những người lái ẩu gây ra tai nạn có thể làm tổn hại đến danh tiếng của nhà sản xuất.
Khởi nguồn từ kênh đào Panama
Việc Panama trở thành trung tâm của các công ty vỏ bọc có gốc gác cách đây gần một thế kỷ, khi nước này vừa xây xong kênh đào Panama, nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Vào thời điểm đó, quốc gia Trung Mỹ này là lựa chọn hàng đầu cho những công ty vận tải muốn né các luật lệ về lao động và tài chính nghiêm ngặt ở quê nhà. Đó là vì chính phủ Panama đưa ra chính sách thành lập doanh nghiệp dựa trên luật của Delaware, một bang của Mỹ có chủ trương bảo mật thông tin doanh nghiệp. Panama không thu thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở ở nước này.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã gọi Panama là “thành trì trốn thuế cuối cùng” của thế giới. Trong khi đó chính phủ Panama lại khẳng định nước này không tiếp tay cho các hoạt động tài chính bất hợp pháp.
Theo Mossack và Fonseca, dù chính phủ Panama có tuân thủ các tiêu chuẩn của OECD hay không, ngành kinh doanh công ty vỏ bọc đang phải chịu sức ép lớn. Panama đã ban hành một luật mới trong năm 2011, quy định rằng các công ty luật của nước này phải cung cấp thông tin khách hàng khi được yêu cầu đối với các trường hợp thành lập doanh nghiệp mới. Quần đảo British Virgin, một thiên đường trốn thuế khác cũng đã ban hành những quy định tương tự.
Đã qua rồi thời vàng son khi Mossack và Fonseca làm mưa làm gió trong ngành kinh doanh công ty vỏ bọc. Vụ rò rỉ tài liệu vừa qua đã giáng một đòn mạnh vào tình hình kinh doanh vốn đang gặp khó khăn của công ty.
“Cái kim trong bọc cũng có ngày phải lòi ra”, Mossack nói. “Giờ thì chúng tôi sẽ phải khắc phục hậu quả của vụ này”.
Long Nam
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg/CafeF