Trong khi mọi con mắt phương Tây đang đổ dồn vào Hy Lạp, một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng tiềm tàng đang phát triển ở nửa bên kia của thế giới.
Sự bùng nổ kinh tế dưới thời Tổng thống Trump có thể không đến
- Cập nhật : 19/04/2017
Sau cuộc bầu cử Mỹ, nhiều người tự tin về tương lai của một thị trường bùng nổ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, trên thực tế khả năng này có thể sẽ không đến.
Theo Business Insider, những số liệu kinh tế gần đây thấp hơn dự đoán và sự nghi ngờ về việc chính sách tài khóa mở rộng của Tổng thống Trump có khả năng không được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay đã làm nguội đi sự nhiệt tình của thị trường về hi vọng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế.
Hôm 14.4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy sự suy giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2.2016. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo rằng doanh số bán lẻ giảm 0,2% trong tháng 3.2017, đánh dấu lần giảm thứ hai về doanh thu. Thậm chí việc loại bỏ doanh số bán hàng tự động, vốn được xem là lý do lớn dẫn đến sự suy giảm, cũng chỉ khiến doanh số bán lẻ cốt lõi tăng 0,1%, thấp hơn so với mức 0,3% dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Được biết, tình trạng này xảy ra ngay cả khi chỉ số niềm tin tiêu dùng đã tăng gần mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn đầu năm 2017 cũng không mấy sáng sủa. Bộ số liệu GDP Now của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo rằng tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ sẽ chỉ tăng 0,5% trong quý 1/2017, mức thấp nhất trong vòng hai năm qua.
Trong báo cáo hằng tuần của mình, David Kelly, chuyên gia chiến lược toàn cầu tại JPMOrgan Fund, cũng nhắc lại những lo ngại về sự tăng trưởng chậm trong những tháng đầu năm. Ông viết: “Các mô hình của chúng tôi chỉ ra rằng tăng trưởng GDP thực trong quý đầu năm nay ít hơn 1% so với trung bình mỗi năm. Mức tăng trưởng trong quý 2 cũng đi với tốc độ khiêm tốn ở mức 2%. Trong trường hợp không kích thích tài chính, nguy cơ nền kinh tế sẽ mất nhiệt dường như đã quá rõ ràng”.
Trên cơ sở dữ liệu gần đây, những biến động về tình hình chính trị cũng góp phần làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế. Nhiều nguồn tin cho biết ảnh hưởng của Steve Bannon, người đã đưa ra đề nghị chính sách thương mại về đầu tư cơ sở, chính sách bảo hộ trị giá 1.000 tỉ USD của Tổng thống Trump, hai đề xuất tăng trưởng và thúc đẩy tăng trưởng, đang giảm xuống. Nói một cách khác, chính sách cải cách kinh tế lớn nhất dưới thời ông Trump dường như đang ít có khả năng xảy ra hơn.
So với mức cổ phiếu và lợi tức trái phiếu tăng mạnh kể từ sau cuộc bầu cử cuối năm ngoái, số liệu “lúng túng” gần đây đã bắt đầu làm mờ cái gọi là “nền thương mại Trump” và khiến các nhà đầu tư cảm thấy lo ngại.
Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ loại kỳ hạn 10 năm đang ở mức thấp nhất kể từ sau cuộc bầu cử tháng 11.2016. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng đã giảm sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào đầu tháng 3 vừa qua. Triển vọng lãi suất trên thế giới của Bloomberg hôm 17.4 cho thấy kỳ vọng mức tăng lãi suất tiếp theo của Fed là 47%, giảm so với 66,5% vào tuần trước.
Phương Anh
theo Thanh Niên