Dù kinh tế khó khăn, đất nước "Mặt trời mọc” là thị trường tiêu thụ các loại hàng hóa xa xỉ đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau "đại gia" Mỹ.
Phó thủ tướng Nhật: 'TPP không có Mỹ' sẽ được thảo luận tại Hà Nội
- Cập nhật : 20/04/2017
11 thành viên còn lại của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ nhóm họp về một TPP không có Mỹ vào tháng 5 tới tại Hà Nội, trong khuôn khổ APEC.
Theo Nikkei, tại cuộc họp diễn ra ở New York hôm qua (19/4), ông Taro Aso - Phó thủ tướng Nhật cho hay các nước thành viên còn lại của TPP sẽ có cuộc đàm phán để "thoả thuận TPP có hiệu lực mà không có Mỹ tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017". Cuộc đàm phán này được tiến hành cùng với cuộc họp Bộ trưởng Thương mại APEC diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5 tới.
Lãnh đạo Nhật Bản cho biết sẽ cố gắng thúc đẩy các nước thành viên đi tới một thoả thuận tại cuộc họp này. Ông Aso cũng nhấn mạnh các cuộc đàm phán đa phương như TPP sẽ giúp Nhật nhận được nhiều lợi ích từ các nước khác, trong khi các thoả thuận song phương mà Mỹ đang theo đuổi sẽ "không mang lại nhiều lợi ích cho các nước". Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản - Yoshihide Suga cũng khẳng định tại cuộc họp báo trong nước rằng Chính phủ "không loại trừ bất kỳ khả năng nào", song sẽ tiếp tục giải thích các lợi ích TPP cho Mỹ, với hy vọng nước này sẽ thay đổi lập trường.
Phó thủ tướng Nhật - Taro Aso cho biết 11 thành viên còn lại của TPP sẽ thảo luận "TPP không có Mỹ" tại Hà Nội vào tháng 5 tới. Ảnh: Nikkei
Trước đó, hồi tháng 3/2017, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam - Trần Tuấn Anh cũng cho biết các nước trong nội khối Đông Nam Á đã thống nhất sẽ thảo luận, đánh giá tình hình kỹ hơn về TPP tại hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Hà Nội vào tháng 5 tới. “Chúng tôi sẽ thảo luận kỹ hơn và cùng nhau đưa ra một số giải pháp cho hội nhập giữa các nước TPP trong tình hình mới”, Bộ trưởng Công Thương tiết lộ.
Hồi cuối tháng 1/2017, ngay sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump đã ký lệnh rút Mỹ khỏi TPP, vốn đã kết thúc đàm phán dưới thời Tổng thống Obama. TPP trước đó được xem là hiệp định thương mại tự do lịch sử với sự tham gia của 12 nước: Mỹ, Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.
Động thái rút khỏi TPP của Mỹ đồng nghĩa với việc 11 nước còn lại phải đàm phán lại hoặc "khai tử" hiệp định, bởi theo thoả thuận trước đó, TPP chỉ có hiệu lực được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối (tức là không thể thiếu Mỹ hoặc Nhật).
Anh Minh
Theo VNexpress