Chứng khoán châu Á ngày 12-2 lao dốc trước các lo ngại về tình trạng của các ngân hàng châu Âu đe dọa làm xấu thêm viễn cảnh kinh tế, vốn đã u ám bởi giá dầu và sự suy thoái của Trung Quốc, và cảnh báo mới đây của chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ.
Trung Quốc đang tích trữ bao nhiêu dầu của thế giới?
- Cập nhật : 22/09/2015
(Tin kinh te)
Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới và tiếp tục chi ra hàng chục tỷ USD mua dầu dự trữ trong khi nhu cầu trong nước suy giảm.
Giới chuyên gia nhận định, ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, kéo giá dầu thô xuống mức thấp nhất 6 năm, thì Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, vẫn tích trữ một lượng dầu an toàn.
Vào tháng trước, sau khi Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng Nhân dân tệ, giá dầu Brent đã giảm xuống còn 42 USD/thùng. Đây là thời điểm Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường tích trữ dầu.
Trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã mua khoảng nửa triệu thùng dầu thô vượt quá nhu cầu của họ, lượng mua nhiều nhất kể từ năm 2012, theo dữ liệu của Bloomberg.
Trung Quốc hiện đang thực hiện chiến lược mới trong việc tích trữ dầu. Vì vậy, chính nhu cầu từ Trung Quốc đã làm giảm tình trạng dư nguồn cung trên thị trường, theo Trung tâm về chính sách năng lượng toàn cầu tại Đại học Columbia.
Người ta tính rằng, trong vòng 10 năm (từ 2003 đến 2012), nhu cầu dầu thô của Trung Quốc đã tăng 500 nghìn thùng mỗi năm, đưa nước này trở thành một trong những nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Thật ra từ năm 2009, Trung Quốc đã có xu hướng tăng mua vào dầu thô khi giá giảm xuống mức được cho là rẻ. Mục tiêu của Bắc Kinh là đến năm 2020, toàn quốc sẽ có hơn 10 cơ sở dự trữ dầu lửa chiến lược, đủ đảm bảo 90 ngày sử dụng như tiêu chuẩn an toàn mà IEA đưa ra. Giai đoạn 1 của kế hoạch đã hoàn thành với mức dự trữ 91 triệu thùng, tương đương nhu cầu 9 ngày sử dụng. Giai đoạn 2 dự tính phải dự trữ thêm 170 triệu thùng.
Giới chuyên gia phân tích đều hướng sự chú ý về việc Trung Quốc tiếp tục chi ra hàng chục tỷ USD mua dầu dự trữ trong khi nhu cầu thực sự trong nước suy giảm.
"Trung Quốc đã ném phao cứu sống cho thị trường toàn cầu trước tình hình giá dầu thô giảm xuống còn 20 USD/thùng", Jeff Currie, người đứng đầu nghiên cứu tại Goldman Sachs Group Inc ở New York, cho biết.
Harry Tchilinguirian tại BNP Paribas SA tại London cho biết: "Trên thực tế, Trung Quốc đang dự trữ dầu thô với mục đích chiến lược nhằm bù đắp lại nhu cầu sản xuất dầu đang suy yếu ở trong nước,"
Khi hàng tồn kho vẫn còn chồng chất, nhu cầu nhập khẩu dầu từ Trung Quốc có thể tiêu thụ 1 triệu thùng một ngày, chiếm khoảng 15% mức trung bình hàng tháng, Colin Fenton, thuộc Trung tâm về chính sách năng lượng toàn cầu tại Đại học Columbia ở New York cho biết.
Giám đốc SIA Energy tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ông Seng Yick Tee, nhận định: “Trung Quốc sẽ tiếp tục mua thêm dầu thô để lắp đầy các kho tích trữ mới. Đối với Trung Quốc, điều này có lợi về cả chiến lược và thương mại”.
Việc Trung Quốc nhập khẩu dầu thô còn có thể được lý giải do nhu cầu cho nền kinh tế này không hẳn đã sử dụng hết toàn bộ số dầu nhập, tuy nhiên khi thời điểm giá dầu thế giới xuống thấp, Bắc Kinh đang có hành động vung tiền tích trữ đầu cơ mặt hàng này.
Chính sự suy giảm của kinh tế thế giới, cũng như bất ổn giữa Nga - Mỹ xung quanh vấn đề Ukraine đã gây ra nhiều biến động cho giá dầu. Bắc Kinh đứng ngoài cuộc khủng hoảng này, nhưng được đánh giá là thế lực hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi.
Cũng như Mỹ, Trung Quốc muốn gia tăng sử dụng nguồn tài nguyên từ bên ngoài thay vì khai thác trong nước. Cuộc đua giữa những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong tương lai sẽ vô cùng khắc nghiệt và không nước nào muốn bị bất ngờ trước những yếu tố khách quan có thể cản trở mục tiêu của mình như nguồn cung cũng như giá dầu mỏ.
Theo Hoàn Nguyễn
Báo Đất Việt