Hãy cùng nhìn xem ảnh hưởng của Trung Quốc với các nhà xuất khẩu tại Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông & Đài Loan.
Người Trung Quốc đang chi hàng tỷ USD để mua thứ gì ở Mỹ?
- Cập nhật : 01/04/2016
(Tin kinh te)
Trong năm nay, các công ty Trung Quốc đã tuyên bố sẽ bỏ ra 40,5 tỷ USD để đầu tư vào Mỹ, tăng gần gấp đôi năm ngoái.
Được sự khuyến khích của chính phủ Trung Quốc, cộng thêm tình hình kinh tế trogn nước tăng trưởng chậm lại, nhiều doanh nghiệp nước này đã đồng loạt đầu tư hàng tỷ USD sang Mỹ trong vòng vài năm trở lại đây.
Chỉ riêng trong năm nay, các công ty Trung Quốc đã tuyên bố sẽ bỏ ra 40,5 tỷ USD để đầu tư vào Mỹ, tăng gần gấp đôi năm ngoái.
Đây là 8 ví dụ về các khoản đầu tư của người Trung Quốc tại Mỹ:
1. Khách sạn cao cấp
Hãng bảo hiểm đầy bí mật của Trung Quốc là Anbang Insurance Group đang bỏ ra khoảng 6,5 tỷ USD để thâu tóm tập đoàn khách sạn Strategic Hotels & Resorts (SHR) từ tay Blackstone Group, chỉ vỏn vẹn 3 tháng sau khi Blackstone mua lại SHR. Hiện tại, SHR đang có trong tay nhiều khách sạn Four Seasons tại Austin (Texas) và thung lũng Silicon (California), cũng như các khách sạn Intercontinental tại Miami và Chicago.
2. Khách sạn siêu cao cấp
Khách sạn W Hotel Hollywood của tập đoàn Starwood - Ảnh: Patrick T. Fallon/Bloomberg
Ngoài SHR, Anbang cũng đang quyết liệt tìm cách thâu tóm Starwood Hotels & Resorts Worldwide (SHRW), sau khi đã 2 lần qua mặt đối thủ Marriott International về cái giá sẵn sàng bỏ ra. Theo đó, mức giá mới nhất mà Anbang đưa ra là 14 tỷ USD. Hiện tại, SHRW đang nắm trong một lượng bất động sản trị giá 4 tỷ USD, bao gồm khách sạn nổi tiếng St. Regis tại New York.
3. Dây chuyền sản xuất đồ gia dụng
Tập đoàn đồ gia dụng Haier Group của Trung Quốc đang tìm cách mua lại bộ phận sản xuất đồ gia dụng của General Electric (GE) với giá 5,4 tỷ USD, cao hơn 2 tỷ USD so với giá mà đối thủ Electrolux của Thụy Điển đưa ra. Hiện tại, dù GE đã chấp nhận giá này, nhưng Haier vẫn còn phải chờ đợi sự chấp thuận của các cơ quan chống độc quyền tại Mỹ, Mexico và Canada.
4. Cần cẩu
Công ty chuyên sản xuất thiết bị công nghiệp của Trung Quốc là Zoomlion đang tìm cách thâu tóm lại hãng sản xuất cần cẩu Terex của Mỹ. Sau khi Terex đã đồng ý sáp nhập với đối thủ đến từ Phần Lan và Konecranes Oyj, thì Zoomlion bất ngờ xuất hiện với một lời mời chào hồi tháng 1 vừa qua. Mới đây, Zoomlion vừa tăng giá hỏi mua lên 31 USD cho 1 cổ phiếu.
5. Nhà sản xuất loạt phim "Kỵ sĩ bóng đêm" (Dark Knight)
Không dừng lại ở các ngành kinh doanh truyền thống, người Trung Quốc còn đang tìm cách thâu tóm ngành công nghiệp giải trí của Mỹ. Hồi tháng 1 vừa qua, tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là Wang Jianlin đã đồng ý mua lại Legendary Entertainment với cái giá có thể lên tới 3,5 tỷ USD. Legendary chính là hãng sản xuất nên các bộ phim nổi tiếng như Godzilla, loạt phim Dark Night kể về người dơi, và mới đây là phim Jurassic World. Nếu mọi chuyện ổn thỏa, ông Wang sẽ trở thành người Trung Hoa đầu tiên nắm quyền điều khiển một hãng phim Hollywood.
6. Công ty phân phối phần mềm
Một công ty phân phối phần mềm và phần cứng khá lớn là Ingram Micro đã được tập đoàn HNA Group của Trung Quốc thâu tóm với giá 6 tỷ USD hồi tháng 2 vừa qua. Ngoài Ingram, HNA còn thâu tóm hãng quản lý hành lý sân bay Swissport International hồi năm ngoái, cũng như suýt mua được sân bay London City Airport tại Anh hồi tháng 2 vừa qua.
7. Ứng dụng hẹn hò dành cho người đồng tính
3 ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất của người đồng tính: Scruff, Hornet, và Grindr - Ảnh: Daniel Acker/Bloomberg
Tập đoàn công nghệ Beijing Kunlun Tech (BKT), vốn là nhà phân phối của loạt trò chơi Angry Birds tại Trung Quốc, đã mua được cổ phần kiểm soát của mạng xã hội Grindr. Hiện tại, Grindr đang là ứng dụng hẹn hò dành cho người đồng tính phổ thông nhất thế giới. Chủ tịch của BKT là Zhou Yahui đã bỏ ra 93 triệu USD tiền mặt để mua lại 60% cổ phần của Grindr, và hiện đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác tại Mỹ.
8. Sàn giao dịch chứng khoán
Hồi tháng 2, tập đoàn đầu tư Chongqing Casin Enterprise Group của Trung Quốc đã đồng ý mua lại sàn chứng khoán Chicago (CSE). Mặc dù CSE chỉ chiếm 0,5% tổng lượng giao dịch chứng khoán tại Mỹ, nhưng thương vụ này vẫn sẽ cần phải được chính phủ Mỹ thông qua. Nếu mọi chuyện diễn ra ổn thỏa, đây sẽ là lần đầu tiên người Trung Quốc nắm quyền kiểm soát một sàn giao dịch chứng khoán của nước Mỹ.
Tuấn Minh
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)