Nền kinh tế Venezuela đang lao dốc và một cuộc khủng hoảng chính trị đang để lại vô số hậu quả.
Trung Quốc ở Trung Đông: Muốn làm ăn cũng không yên
- Cập nhật : 08/05/2018
Những bất ổn ở Trung Đông đã khiến những lợi ích kinh tế của Trung Quốc bị đe dọa và có thể vướng vào vòng rắc rối chính trị tại đây.
Trung Đông quá quan trọng với Trung Quốc
Những thay đổi trong việc nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc cho thấy nước có thể gây ảnh hưởng ở Trung Đông theo những cách khác mà không liên quan đến áp lực kinh tế hay quân sự.
Sự thay đổi liên quan đến việc các quốc gia vùng Vịnh ngày một phụ thuộc vào xuất khẩu dầu và khí đốt sang Trung Quốc (nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới) vào thời điểm nước này đa dạng hóa nhập khẩu với thiệt hại dành cho các nhà sản xuất vùng Vịnh.
Những thay đổi đầu tiên xuất hiện vào năm 2015 khi nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Ả Rập Saudi chỉ tăng 2% trong khi mua dầu từ Nga tăng gần 30%. Nga, chứ không phải Ả Rập Saudi, mới là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc trong thời gian này.
Sự thay đổi này gần đây lại có nhiều yếu tố hỗ trợ như sự bùng nổ của dầu đá phiến Mỹ, điều khiến nền kinh tế số 1 thế giới giảm nhập khẩu dầu từ vùng Vịnh, và các chính sách thương mại khó khăn của Tổng thống Donald J. Trump.
Marco Dunand, giám đốc điều hành và đồng sáng lập của công ty thương mại hàng hóa Mercuria nói: "Đối với chính quyền Trump, áp lực mà Mỹ tạo lên Trung Quốc để cân bằng cán cân thương mại là rất lớn... Việc Trung Quốc tăng mua dầu từ Mỹ rõ ràng là một bước đi như thế".
Trong khi đó, Trung Quốc lại cũng trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong thế giới Ả Rập năm 2016 với số vốn đầu tư trị giá 29,5 tỷ USD, phần lớn là vào cơ sở hạ tầng, bao gồm xây dựng các khu công nghiệp, đường ống, cảng và đường xá.
Ngoài tác động của sự thay đổi trong nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc, nước này, dù ủng hộ chính sách của Nga ở Trung Đông, ngày càng lo ngại rằng cách tiếp cận của Moscow có nguy cơ gây leo thang xung đột và đe dọa lợi ích ngày một tăng lên của Trung Quốc tại khu vực này.
Với Bắc Kinh, Trung Đông đã trở thành khu vực đầy bất ổn của thế giới, trong đó sự liên kết khu vực đã tan vỡ, các quốc gia chia rẽ, các tổ chức nhà nước tại đây dường như ngày càng bất lực trong việc kiểm soát tình hình. Và bạo lực chính trị ở đây lại có đe dọa an ninh và ổn định ở phía tây bắc Trung Quốc.
Mối lo ngại của Trung Quốc sẽ có thể tăng thêm nếu và khi chiến sự tại Syria lắng xuống và đất nước này bắt đầu tập trung vào việc tái thiết. Trung Quốc lo ngại rằng các chiến binh nước ngoài người Duy Ngô Nhĩ ở Syria và Iraq sẽ thể gây bất ổn tại các khu vực gần Tân Cương hơn ở Pakistan và Afghanistan.
Hơn nữa, việc cuộc chiến ở Syria kết thúc mở ra cơ hội kinh tế nhưng cũng có khả năng làm tăng sự cạnh tranh giữa Nga và Trung Quốc vì điều đó sẽ làm nổi bật sức mạnh của Trung Quốc (về kinh tế) và làm nổi bật những điểm yếu của Nga.
Lợi ích của Trung Quốc đối với việc tái thiết Syria không chỉ là tiền bạc. Kamal Alam, một nhà phân tích quân sự Syria nói: "Syria có thể là một trung tâm hậu cần quan trọng cho Trung Quốc. Lịch sử của nó là chìa khóa để mang lại sự ổn định tại Levant (bao gồm Liban, Syria, Jordan, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine), có nghĩa là nó phải được đưa vào kế hoạch của Trung Quốc trong khu vực. Từ góc độ an ninh, nếu Syria không an toàn, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các nước láng giềng cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Không muốn dính đến chính trị
Tất cả điều này đặt ra câu hỏi về cách mà Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích của mình tại đây. Giới học giả Trung Quốc cho rằng việc nước này không thể hòa giải các cuộc xung đột ở Trung Đông (xung đột giữa Israel-Palestine, Syria và giữa liên minh các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Saudi chống lại Qatar), cho thấy nước này không thể là một sự thay thế đáng tin cậy cho Mỹ và Nga.
Đổ thêm dầu vào lửa là sự hỗ trợ của Trung Quốc cho các chính sách của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các nơi khác thực tế tạo ra một luồng quan điểm rằng Bắc Kinh là một đồng minh của Moscow.
Trung Đông đã buộc Trung Quốc phải từ bỏ các nguyên tắc tồn tại lâu dài về chính sách đối ngoại và quốc phòng trong nhiều thập kỷ là không can thiệp vào công việc nội bộ của người khác và từ chối thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài.
Ngoài việc thành lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc ở Djibouti, các lực lượng đặc biệt của Trung Quốc đã tư vấn cho chính quyền Syria của Bashar al-Assad trong các hoạt động chống lại những người thánh chiến, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ, một nguồn bất ổn tại khu vực phía Tây Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đã đặt dấu chấm hết cho Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm sáu quốc gia: Ả Rập Saudi, Qatar, Qatar, Kuwait, Oman và Bahrain. Nhóm này đã không thể đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc.
Tương tự, việc chính quyền Trump có thể xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân đạt được vào năm 2015 với Iran có thể sẽ khiến Trung Quốc mâu thuẫn với các nước ủng hộ mình ở Trung Đông vì các nước như Ả rập Saudi, UAE và Israel có thể buộc Trung Quốc phải ủng hộ họ bằng cách thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Iran.
Những rạn nứt ở Trung Đông có thể khiến Trung Quốc ngày càng khó khăn để duy trì sự trung lập và đặt trong tâm vào các mối quan hệ kinh tế và thương mại mà không bị hút vào nhiều xung đột của khu vực. Hiện tại, hiện tại các nước như Ả Rập Saudi và UAE cũng đã rất kiềm chế và không cố gắng buộc các nước thứ ba (như Trung Quốc) tẩy chay Qatar để ủng hộ họ.
Câu hỏi đặt ra là liệu các quốc gia vùng Vịnh có duy trì sự thận trọng của họ hay không. Vào mùa hè năm ngoái, ông Omar Ghobash, đại sứ của UAE tại Nga, đề nghị rằng liên minh chống Qatar có thể "áp đặt các điều kiện cho các đối tác thương mại của chúng tôi và nói rằng nếu bạn muốn làm việc với chúng tôi thì phải ủng hộ chúng tôi". Liên minh này cho đến nay không hành động theo đề nghị của ông Ghobash, một phần vì cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc, đã kêu gọi đàm phán để chấm dứt cuộc khủng hoảng và từ chối ủng hộ liên minh Ả Rập Saudi-UAE.
Những thay đổi trong nhập khẩu năng lượng cùng với nhu cầu bảo vệ lợi ích của Trung Quốc có thể đặt nước này ở vị trí để tận dụng quyền lực của mình theo những cách khác.
Nguồn Tổng hợp
Theo nhipcaudautu.vn