“Khi quốc gia bạn giàu có hơn, thị trường sẽ dịch chuyển lên một nấc mới trong chuỗi sản xuất và hầu như các nền kinh tế sẽ loại bỏ dần những ngành sản xuất kỹ thuật thấp. Tuy nhiên, số liệu cho thấy điều này không xảy ra với Trung Quốc như các nước khác”- Chuyên gia Karlis Smits của World Bank nói.
Kinh tế Pháp bất yên trước thềm Euro
- Cập nhật : 09/06/2016
Bên cạnh đó, tình trạng lũ lụt xảy ra tại thủ đô Paris và các vùng lân cận cũng gây thiệt hại ước tính lên đến hàng tỷ euro cho nền kinh tế “đất nước hình lục lăng” trong bối cảnh vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu 2016 (Euro 2016) sẽ khai cuộc vào ngày 10/6 tới.
Đình công vì cải cách lao động
Gần ba tháng qua, các cuộc biểu tình phản đối dự luật cải cách luật lao động liên tục xảy ra, làm tê liệt gần như toàn bộ các hoạt động vận tải và kéo theo nhiều hậu quả về kinh tế. Đỉnh điểm của các cuộc biểu tình là diễn biến kéo dài suốt đêm, có tên “Nuit debout” đã tác động nặng nề tới kinh tế Pháp. Dù Chính phủ Pháp đã có những biện pháp cứng rắn nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn.
Nguyên nhân của các cuộc biểu tình gây sóng gió trên toàn nước Pháp các tháng qua là dự luật cải tổ luật lao động mang tên của Bộ trưởng Bộ Lao động Myriam El Khomri, được đưa ra ngày 18/2. Dự luật cho phép doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc sa thải công nhân, nhất là những doanh nghiệp đa quốc gia; cho phép làm việc trên 35 giờ/tuần nếu có sự đồng ý giữa chủ và người làm thuê.
Pháp là nước có tỷ lệ thất nghiệp khoảng 10%, cao hơn nước láng giềng là Đức và các nước Bắc Âu khác. Với biện pháp cải tổ này, Chính phủ Pháp hy vọng tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc thuê nhân công và giảm thất nghiệp.
Gần đây, các cuộc biểu tình tại những doanh nghiệp cung cấp xăng dầu, đình công trong các nhà máy nhiệt điện nguyên tử... đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân Pháp. Nhiều trạm xăng không còn nhiên liệu để cung cấp cho người tiêu dùng. Chính phủ Pháp phải dùng đến năng lượng dự trữ. Nhiều công ty nhỏ phải tạm đóng cửa vì không có nhiên liệu, các phương tiện công cộng bị giới hạn đến tê liệt.
Nền kinh tế Pháp đang khó khăn lại càng có khả năng suy thoái hơn, khi đất nước này đang bị tụt lại sau trong tăng trưởng kinh tế so với một số nước khác trong Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) chứ không riêng gì Đức. Pháp hiện cũng là nước luôn có tình trạng thâm hụt ngân sách trong Eurozone, có tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài. Pháp có năm nghiệp đoàn khác nhau, với 1,7 triệu thành viên và đại diện cho khoảng 7% công nhân nhưng họ có ảnh hưởng rất lớn trong các quyết định của chính quyền.
Việc biểu tình để đòi hỏi quyền lợi cho giới công nhân ở Pháp được luật pháp công nhận và bảo vệ. Các cuộc biểu tình lần này đa số do Nghiệp đoàn CGT đứng ra tổ chức. CGT là một nghiệp đoàn lâu đời có nguồn gốc cộng sản, hiện đứng thứ hai nước Pháp (sau Nghiệp đoàn CFDT) và thường có chủ trương biểu tình, đôi khi cả bạo động, để đòi quyền lợi cho công nhân và ít khi thương thuyết như các nghiệp đoàn khác.
Trên thực tế ở Bắc Âu, những nghiệp đoàn có uy tín, có tinh thần trách nhiệm thường sẵn sàng thương lượng với giới chủ về quyền lợi của công nhân. Đình công chỉ là giải pháp cuối cùng khi nào không thể thương lượng được nữa.
Trong khi đó, Nghiệp đoàn CGT tại Pháp không có truyền thống thương lượng và thường bắt đầu bằng các cuộc đình công làm tê liệt hoạt động và đe dọa kinh tế quốc gia. Báo giới cho rằng đây là một mô hình nghiệp đoàn sớm muộn gì cũng phải sửa đổi, nếu Pháp không muốn mất chỗ đứng trên thế giới.
Mặc dù vậy, Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn nhất quyết từ chối nhượng bộ những yêu cầu của các nghiệp đoàn rằng phải hủy bỏ dự luật cải cách lao động mới (họ chỉ trích dự luật này cho phép giới chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên, làm tổn hại tới các quyền cơ bản của người lao động).
Trả lời phỏng vấn của tờ Sud Ouest, ông Hollande cho biết dự luật cải cách lao động sẽ không được rút lại, bởi dự luật nhằm bảo đảm tình trạng hoạt động tốt nhất đối với các doanh nghiệp và cung cấp những quyền lợi mới cho người lao động.
Thiệt hại trên 1 tỷ euro do lũ lụt
Báo cáo của Hội đồng Du lịch Paris mới đây cũng cho thấy ngành du lịch Paris vốn đã điêu đứng sau các vụ tấn công khủng bố vào năm ngoái, nay lại phải đối mặt với một thách thức mới là làn sóng đình công và biểu tình đang diễn ra.
Bởi theo báo cáo này, lượng đặt phòng khách sạn của du khách Nhật Bản trong quý I/2016 đã giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng du khách Nga giảm 35%. Năm ngoái, số du khách Trung Quốc tới Pháp đạt kỷ lục 1,2 triệu lượt người, nhưng năm nay giảm 13,9%.
Đầu năm nay, những tác động tiêu cực của các vụ tấn công hồi năm ngoái vẫn chưa hết. Pháp là quốc gia đón lượng du khách nhiều nhất thế giới, nhưng họ cảm thấy lo sợ trước vụ tấn công ở thủ đô Paris hồi tháng 11 năm ngoái đã khiến 130 người chết và một vụ khác vào tháng 1/2016 nhằm vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo và siêu thị của người Do Thái.
Trong khi không khí ở Paris đã trở lại bình thường trong những tháng gần đây, biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động một lần nữa gieo rắc sự nghi ngại cho du khách.
Trong một diễn biến khác, đại diện Vùng thủ đô Paris và giới chuyên gia bảo hiểm mới đây công bố số liệu ước tính cho thấy thiệt hại do lũ lụt tại thủ đô Paris và khu vực lân cận ước tính vượt 1 tỷ euro. Nếu tính trên toàn quốc, thiệt hại thậm chí có thể lên tới 2 tỷ euro.
Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin, hậu quả kinh tế tính cho đến nay là rất nặng nề, khi có ít nhất bốn người thiệt mạng và 24 người bị thương trong đợt lũ này.
Ngành du lịch tại Paris cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng do các bảo tàng, trong đó có bảo tàng nổi tiếng Louvre, phải đóng cửa, giao thông ách tắc. Trận lũ lụt này tại Paris và vùng phụ cận đạt mức cao kỷ lục tính từ năm 1982, khi mực nước sông Seine lên mức 6,5 m.
Kim Dung tổng hợp
(Thời báo Ngân hàng)