tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chức vô địch Euro 2016 khó cứu nổi kinh tế Pháp

  • Cập nhật : 11/07/2016

(Kinh te)

Sau những biến cố nước Pháp phải chịu đựng trong thời gian qua, một trận bóng đá hay một chức vô địch khó có thể cứu vớt tất cả. Ý nghĩa, nằm ở chuyện khác.

Năm 1998, khi đội tuyển Pháp vô địch thế giới, kinh tế Pháp năm đó tăng trưởng 3,6%, nhiều hơn 1,1% so với 1997. Hai năm sau, khi Les Bleus vô địch Euro 2000 tại Bỉ-Hà Lan, GDP Pháp cũng tăng thêm 0,5 điểm phần trăm, ở mức 3,9% so với 3,4% của năm 1999. Đóng góp của bóng đá là rất rõ ràng, chi tiết. Các nhà kinh tế đã phân tích rằng, nhờ thành công của Les Bleus những năm đó mà tiêu dùng của các hộ gia đình tăng cao (+2,1% năm 1998) và đầu tư cũng tăng, dẫn đến tăng GDP.

Nhưng đó là quá khứ của những ngày tươi đẹp. Vài điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế không phải là thứ mà người Pháp chờ đợi ĐT Pháp mang về sau trận đấu đêm nay ở Stade de France. Nói chính xác thì họ biết rằng điều đó khó có thể xảy ra. 18 năm trước, nước Pháp đang sống trong những ngày vui: một nền kinh tế tăng trưởng cao, đồng franc vẫn đang đem lại thịnh vượng và sung túc cho phần lớn người dân, chính trường ổn định, không chia rẽ. Và cuộc sống yên bình.

Bối cảnh đó khác lạ hoàn toàn với những gì mà nước Pháp đã và đang trải qua trong hơn 1 năm qua. Đây là giai đoạn đau thương và nhiều bất ổn đến kỳ lạ với nước Pháp: khủng bố đẫm máu, căng thẳng xã hội, chính trường be bét, kinh tế u ám và thậm chí cả thiên tai hoành hành, một điều hiếm khi đến với một nước Pháp vốn quá được thiên nhiên ưu đãi. Trước một bức tranh ảm đạm đó, một trận bóng đá hay một chức vô địch khó có thể cứu vớt tất cả. Ý nghĩa, nằm ở chuyện khác.

ky uc ve vu khung bo dam mau thang 11/2015 van con han sau trong tam tri nguoi dan paris.

Kỷ ức về vụ khủng bố đẫm máu tháng 11/2015 vẫn còn hằn sâu trong tâm trí người dân Paris.

Ngày 9/7, một ngày trước khai mạc Euro, gần 100.000 người đã đổ về khu Fan Zone ở Champs de Mars dưới chân tháp Eiffel để nghe hòa nhạc. Báo chí Pháp giật mình: đó là buổi lễ hội lớn đầu tiên mà người Pháp được tận hưởng trong nửa năm qua. Với những người Pháp vốn đặt tiêu chí biết-sống (savoir-vivre) như một lẽ sống hàng đầu, cơn đói khát văn hóa và không khí hội hè đó thực sự là điều khó tưởng tượng.

Cho đến tận hôm nay, đó vẫn là đêm có đông người tụ hội nhất ở Fan Zone Paris. Nói cách khác, Euro với người Pháp trước hết là dịp để hội hè sau một thời gian căng thẳng, sau đó mới đến tận hưởng niềm vui bóng đá mà ĐT Pháp có thể mang lại

Thật may là họ đang có được cả hai. Euro đang dần khép lại trong an toàn và ĐT Pháp thì vào chung kết. Đó là một kịch bản hoàn hảo mà không nhiều người dám mơ đến trước khi giải đấu bắt đầu. Ba ngày qua, nước Pháp đích thực đang sống theo nhịp lăn của trái bóng. Thời lượng chính của mọi kênh truyền hình hay radio đều dành cho bóng đá và mọi thứ liên quan đến ĐT Pháp hầu như đều được làm trực tiếp.

Trực tiếp từ cảnh chiếc xe bus đón ĐT Pháp ở sân bay Villacoublay khi trở về từ Marseille ra sao. Trực tiếp cả một ngôi làng ở Macon, quê hương của Antoine Griezmann, chuẩn bị cho trận chung kết thế nào. Và dĩ nhiên cả cảnh xếp hàng trong các siêu thị thể thao để mua áo đấu của Les Bleus.

Với một nước Pháp vốn không nổi tiếng về độ cuồng si với bóng đá như Italy hay Tây Ban Nha, không khí những ngày này không phải khi nào cũng có.

Tầm vóc thế hệ

Trước trận gặp Đức ở bán kết, mọi gương mặt nổi bật của thế hệ Platini đều lên sóng, từ Alain Giresse, Patrick Batiston đến Dominique Rocheteau, chỉ không có chính Michel Platini. Họ nhắc đi nhắc lại về trận đấu tức tưởi tại Sevilla năm 1982, về tỷ số 3-1 trong hiệp phụ, về cảm giác lạnh sống lưng khi nhìn thấy Rummenigge băng tay vào sân và đương nhiên không thể thiếu cú song phi man rợ của Harald Schumacher vào Batiston. Nhưng trên tất cả, họ nói về cái ngưỡng tâm lý và dấu ấn lịch sử mà ĐT Pháp có thể vươn tới nếu đánh bại Đức.

Les Bleus đã làm được điều đó. “Một kỳ tích”, tờ Le Monde bình luận ngắn gọn. Một tờ báo khác của Anh, tờ Times thì nhận định hài hước nhưng sâu sắc “lần cuối cùng Pháp đánh bại Đức (1958), Charles De Gaulle vẫn là Tổng thống Pháp. Không phải tên của một sân bay như bây giờ”.

Nhìn từ gần đến xa, trên bất cứ phương diện nào, các cầu thủ của ĐT Pháp hiện nay đều có thể tự hào rằng họ đã làm nên một trận thắng mang tầm vóc cả một thế hệ. Thậm chí, sẽ cần thêm thời gian để nhiều người trong số họ hình dung được điều mình vừa đạt được có ý nghĩa lớn đến mức nào, trong cả các phạm vi ngoài bóng đá.

Nhưng rốt cục thì vẫn còn một trận đấu và một chiếc Cúp đang chờ trước mắt. Không ai muốn đi đến tận trận chung kết để rồi lại thua cuộc trên chính sân nhà, giống như chính đối thủ Bồ Đào Nha của 12 năm trước. Tầm vóc của một thế hệ, xét đến cùng, vẫn phải được đo bằng danh hiệu. Người Pháp nhắc đến thế hệ của Platini, của Zidane vì đó là những thế hệ chiến thắng, đã vô địch Euro, World Cup.

lieu tuyen phap cua ngay hom nay co the dem ve chuc vo dich chau au sau 16 nam cho doi?

Liệu tuyển Pháp của ngày hôm nay có thể đem về chức vô địch châu Âu sau 16 năm chờ đợi?

Họ không nói về thế hệ Papin, Cantona hay thế hệ Kopa vì những cầu thủ đó dù xuất chúng, thậm chí giành cả Quả Bóng vàng, nhưng lại chẳng thắng được gì cho nước Pháp. Những cầu thủ Pháp bây giờ muốn được lưu danh sử sách thì chỉ có cách chiến thắng, nhất là với những người mới bắt đầu cầm trịch một thế hệ mới đầy hứa hẹn của bóng đá Pháp như Griezmann, Pogba hay Umtiti.

Vấn đề lớn nhất với ĐT Pháp khi bước vào trận đấu đêm nay có lẽ không nằm ở Cristiano Ronaldo hay bất cứ ai bên phía Bồ Đào Nha. Nó nằm trước hết ở tâm lý tiếp cận trận đấu, đặc biệt khi sự hưng phấn cao độ sau chiến thắng trước người Đức vẫn còn.

Giờ đến lượt thế hệ 98 xuất hiện để đưa ra lời khuyên. Emmanuel Petit nói: quan trọng nhất là để sự hồi phục thể lực đạt kết quả tốt nhất, đừng đọc báo, xem tivi nhiều, cố gắng ngủ nhiều và tốt nhất có thể. Lời khuyên này có lẽ dành cho Patrice Evra, người đến 4h sáng đêm 7/7 vẫn thức để Live Facebook vì quá phấn khích sau khi thắng Đức.

Bixente Lizarazu khuyên tương tự: ngày diễn ra chung kết là một ngày đặc biệt, nhưng hãy cố sống một cách bình thường, đừng để sinh hoạt của mình thay đổi, cũng đừng nghĩ gì nhiều về trận đấu, chỉ nên bàn về chiến thuật 30 phút vào buổi chiều trước khi lên xe ra sân.

Thật ra thì Les Bleus đang có trong tay người hiểu rõ tất cả những điều đó hơn ai hết: Didier Deschamps, đội trưởng của thế hệ 98. Nhưng chính Deschamps cũng thừa nhận “nói chúng tôi không phấn khích thì không đúng, nhưng đó chỉ là lượng adrenaline đang tăng cao thôi, mọi thứ sẽ ổn”.

Có lẽ mọi người Pháp cũng đều nghĩ thế. Rồi mọi thứ sẽ ổn.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục