Dù chịu nhiều quy định kiểm soát ngoại tệ, người Trung Quốc hàng năm vẫn đưa được hàng chục tỷ USD ra nước ngoài để gom bất động sản.
Kế hoạch 100 ngày để lộ rạn nứt trong quan hệ ông Trump, ông Tập
- Cập nhật : 18/07/2017
Lo ngại về trận chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu nhen nhóm trở lại sau một thời kỳ yên bình.
Tại lần gặp đầu tiên ngày 7/4, tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí về "kế hoạch 100 ngày" nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại giữa 2 nước. Bên cạnh đó, ông Trump có vẻ gạt đi những tuyên bố hung hăng của mình đối với Bắc Kinh hồi chiến dịch tranh cử năm 2016.
Ngày càng phụ thuộc
Một dự án phát triển bất động sản khổng lồ với mức đầu tư gần 1 tỷ USD đang được tiến hành tại bang New Jersey của Mỹ. Dự án đang được thực hiện bởi một nhà phát triển bất động sản thuộc sở hữu của gia đình con rể ông Trump là Jared Kushner.
Em gái của Kushner xuất hiện tại một cuộc họp của các doanh nhân Trung Quốc ở Bắc Kinh vào đầu tháng 5. Sau khi mô tả chương trình cấp thị thực cho người nước ngoài có đầu tư thương mại lớn ở Mỹ, bà kêu gọi 150 triệu USD từ những người tham dự sự kiện.
Người Trung Quốc chiếm 90% số người nhận visa "đầu tư" và việc thực hiện nhiều dự án phát triển lớn ở Mỹ sẽ trở nên khó khăn, thậm chí là không thể, nếu mất đi nguồn vốn từ Trung Quốc đổ vào.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đe doạ áp đặt mức thuế 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Kể từ sau cuộc bầu cử Mỹ, Bắc Kinh đã dựa vào Kushner để tránh xung đột thương mại với Washington vì biết rằng chàng rể có được niềm tin của tổng thống.
Năm 2016, đầu tư trực tiếp vào Mỹ từ Trung Quốc tăng gấp 3 lần so với năm 2015 lên mức 50 tỷ USD, theo một công ty nghiên cứu của Mỹ. Với khối lượng thương mại Mỹ - Trung cũng tăng mạnh kể từ khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, 2 nền kinh tế ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Thái độ mềm mỏng hơn của ông Trump đối với Trung Quốc kể từ cuộc họp tháng 4 cũng góp phần làm tăng giá cổ phiếu của Mỹ.
Tuy nhiên, giọng điệu hòa giải dường như đã nhạt dần khi 2 nhà lãnh đạo gặp mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức ngày 8/7. "Thương mại là một vấn đề rất lớn đối với Mỹ", ông Trump nói.
Phần lớn là do bế tắc giữa Washington và Bắc Kinh về việc làm thế nào để kiềm chế chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, còn có những lý do khác cho việc gió đổi chiều này.
Quyết định của Trung Quốc để tiếp tục nhập khẩu thịt bò từ Mỹ theo kế hoạch 100 ngày được báo chí rất quan tâm. Nhưng thực ra, lệnh cấm vận này được dỡ bỏ từ hồi cuối năm 2016 và đem ra "khoe" tại hội nghị thượng đỉnh Trump - Tập hồi tháng 4. Ngoài ra, với các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm của Trung Quốc, chỉ có 10% đến 15% thịt bò Mỹ mới được xuất khẩu sang thị trường nước này.
Mặc dù Trung Quốc cũng cho phép các công ty thẻ tín dụng của Mỹ cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thị trường ở cường quốc châu Á này bị chi phối bởi các công ty trong nước và có rất ít chỗ cho người chơi bên ngoài, theo một quan chức tài chính.
Và có lẽ điều quan trọng nhất là vấn đề dư thừa thép của Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết.
Trừng phạt lẫn nhau
Chính quyền của ông Trump đã phải rất vất vả để tập hợp một đội đàm phán mạnh mẽ sau khi trì hoãn việc bổ nhiệm các vị trí nhất định. Trong khi đó, thứ trưởng bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu lại là một nhân vật kỳ cựu đảm nhiệm các cuộc đối thoại kinh tế với Mỹ từ năm 2009.
Trên thực tế, kế hoạch 100 ngày là do chính Bắc Kinh đề xuất, các nguồn ngoại giao tham gia vào chương trình này tiết lộ. Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp Mỹ đang ngày càng thất vọng với việc Trung Quốc là bên dẫn dắt ngoại giao kinh tế song phương.
Kế hoạch 100 ngày được 2 nhà lãnh đạo đưa ra trong lần gặp mặt đầu tiên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump hồi tháng 4
Tổng thống Mỹ đã chuẩn bị một sắc lệnh để "dán nhán" Trung Quốc thao túng tiền tệ và sẵn sàng công bố khi cần thiết, Judy Shelton, nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ từng tư vấn cho ông Trump về vấn đề tiền tệ và chính sách tài chính trong giai đoạn chuyển giao, cho biết.
Lo ngại về xung đột thương mại giữa 2 bên cũng đang tăng lên trong bối cảnh Washington đang xem xét hạn chế mới về nhập khẩu thép từ Trung Quốc.
Doanh số bán ô tô mới tại Mỹ năm 2017 có khả năng sẽ giảm lần đầu tiên trong 8 năm và một nền kinh tế "dễ vỡ" sẽ chỉ càng làm dấy lên làn sóng kêu gọi chủ nghĩa bảo hộ từ người dân nước này.
Một số chuyên gia ước tính GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống mức khoảng 3% mỗi năm nếu chính quyền ông Trump áp mức thuế 45%. Trong khi đó, Bắc Kinh lại là chủ nợ nắm giữ lượng lớn các trái phiếu kho bạc Mỹ.
“Mối quan hệ Mỹ - Trung giờ đây đang bước vào một đỉnh cao mới, đặc biệt trong thương mại", bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross từng khẳng định. Nhưng dường như chính kế hoạch hành động 100 ngày lại đang để lộ ra nhiều rạn nứt trong quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trang Hồ/ Theo Nikkei/NDH.VN