Nhiều khác biệt lớn vẫn tồn tại sau cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc, gây lo ngại bùng nổ chiến tranh thương mại có thể khiến nhiều nền kinh tế châu Á bị thiệt hại.
Động thái mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
- Cập nhật : 23/04/2018
Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, Mỹ tái gia nhập TPP và những biện pháp đối phó của Trung Quốc đối với Mỹ đang làm cho cục diện nóng thêm.
Những biện pháp trả đũa thương mại về chính sách thuế chỉ mới dừng lại ở một cuộc "khẩu chiến" đơn thuần. Đáng lưu ý là căng thẳng thương mại cũng đang hạ nhiệt dần sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ tiếp tục mở cửa thị trường và giảm thuế tại Diễn đàn Kinh tế Châu Á Bắc Ngao.
Đây là động thái được xem là có phần nhượng bộ trước chính sách ngày càng cứng rắn của Hoa Kỳ, trong khi Tổng thống Trump cũng cho biết khả năng sẽ tiến tới thỏa thuận đàm phán thương mại với Trung Quốc nhiều hơn.
Trung Quốc đang phá giá đồng nhân dân tệ
Trong khi đó, cả Mỹ lẫn Trung Quốc dường như đang chuẩn bị sử dụng các chiêu trò khác trong cuộc xung đột thương mại này. Hôm 9/4, hãng tin Bloomberg dẫn lời các nguồn tin cho biết Trung Quốc đang đánh giá tác động tiềm ẩn của việc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) theo lộ trình, trong bối cảnh lãnh đạo nước này lựa chọn cách để đối phó với căng thẳng thương mại với Mỹ. Dù trước đó Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quả quyết rằng chính sách tiền tệ của nước này về cơ bản sẽ không thay đổi.
Dù ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử trước đây luôn chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ và giữ đồng CNY ở mức thấp giả tạo khiến các nước khác bị thâm hụt thương mại, tuy nhiên kể từ khi ông Trump lên nắm quyền từ tháng 1/2017 thì đồng tiền này đã tăng 9% so với USD.Về cơ bản, phá giá tiền tệ là cách vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh cho hàng Trung Quốc xuất khẩu vào các nước, đặc biệt là Mỹ nếu chính sách tăng thuế được thực thi, từ đó phần nào hạn chế thiệt hại cho quốc gia vốn vẫn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu.
Thậm chí hồi tháng trước, đồng CNY đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 8/2015 và đã giữ ổn định trong vài tuần gần đây, bất chấp tình trạng căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.
Mỹ tái gia nhập TPP
Ngược lại ở phía Mỹ, Tổng thống Trump hôm 12/4 đã yêu cầu Cố vấn Kinh tế trưởng Larry Kudlow và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cân nhắc về việc tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong bối cảnh xung đột thương mại với Trung Quốc leo thang khi hai nước liên tiếp sử dụng hàng rào thuế quan để trả đũa lẫn nhau, có vẻ Mỹ tin rằng chiêu bài TPP là cách tốt nhất để chống lại việc lạm dụng thương mại của Trung Quốc.
Nếu như việc Mỹ tái giá nhập TPP được đánh giá cao hơn thì khả năng phá giá tiền tệ của Trung Quốc có thể bị hạn chế vì những rủi ro khác có thể đi kèm.
Khi phá giá tiền tệ, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ gặp khó khăn để trả nợ nước ngoài, đồng thời phá hoại nỗ lực gần đây của Chính phủ Trung Quốc trong việc tiến tới hệ thống tỷ giá được dẫn dắt bởi thị trường nhiều hơn. Được biết, đồng CNY đã được chính thức thêm vào rổ tiền tệ dự trữ của IMF hồi tháng 10/2016 một phần nhờ vào nới lỏng kiểm soát.
Nếu phá giá tiền tệ, Trung Quốc cũng có thể đối mặt với làn sóng rút vốn ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài, điều đã diễn ra mạnh mẽ trong hai năm gần đây và chỉ mới được kìm hãm trở lại nhờ một loạt chính sách can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước.
Mặc dù trong báo cáo tiền tệ bán niên của Bộ Tài chính Mỹ được công bố vào hôm 13/4, nước này một lần nữa "kiềm chế” gắn mác thao túng tiền tệ lên Trung Quốc, tuy nhiên vẫn chỉ trích nền kinh tế Trung Quốc là "phi thị trường".
Báo cáo cũng cho biết việc Trung Quốc tuân thủ các cam kết của G20 về việc không phá giá đồng CNY để tạo lợi thế cạnh tranh là "vô cùng quan trọng". Vì vậy, nếu sắp tới Trung Quốc phá giá đồng CNY thì Mỹ sẽ lại có cớ phê phán Trung Quốc thao túng tiền tệ và tiếp tục gia tăng áp lực với nước này.
Để đối phó với Mỹ, Trung Quốc còn có ba biện pháp khác nữa là trả đũa Mỹ bằng chính biện pháp tăng thuế mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc, thứ hai là khởi kiện Mỹ ra trước tòa án trọng tài của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thứ ba là bán trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Trung Quốc hiện đang nắm giữ.
Về biện pháp thứ nhất thì ngày 5/4, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã đệ đơn kiện lên WTO về việc Mỹ áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu vào quốc gia này. Trung Quốc gần đây cũng đe dọa đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỷ. Trong khi đó, Trung Quốc gần đây cũng đã giảm dần nắm giữ trái phiếu Mỹ.
Hiện Trung Quốc là nước nắm giữ khối lượng trái phiếu lớn nhất của Mỹ, ước tính khoảng 1.200 tỷ USD. Nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ thì Mỹ sẽ gặp khó khăn lớn về tài chính và giá của trái phiếu này sẽ giảm, tuy nhiên Trung Quốc cũng không thể tránh khỏi bị tổn hại về giá trị ở phần trái phiếu còn lại đang dự trữ.
MInh Đức
Theo Nhipcaudautu.vn