Tổng thống Pháp bật mí về chiêu thức đánh lại Mỹ trong cuộc đối đầu thương mại, Trung Quốc thờ ơ với đe dọa của ông Trump.
Dân mạng Trung Quốc gào lên đòi ‘đấu với Mỹ tới cùng’
- Cập nhật : 12/04/2018
Khả năng bùng nổ chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế của thế giới hiện chỉ là những giải pháp dự báo tiến hành và những răn đe qua phát ngôn. Nhưng mạng xã hội ở Trung Quốc đang sôi sục kiểu tinh thần dân tộc.
"Nếu Mỹ muốn chơi, chúng ta có 1,4 tỉ người Trung Quốc để chơi tới cùng" - một người dùng tên Koukouliang viết trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
"Phải đấu lại! Trung Quốc có sức mạnh mà không dễ nước nào có thể đánh bại. Trung Quốc phải chiến thắng cuộc chiến thương mại này!", một người khác viết trên Weibo - mạng xã hội riêng tại Trung Quốc.
Theo trang ABC News của Úc, những ngày này trên mạng xã hội ở Trung Quốc ngập tràn những bình luận theo kiểu tinh thần dân tộc trong bối cảnh xuất hiện nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế của thế giới.
Thậm chí có người dùng trên Weibo dùng chữ "kẻ thù" để ám chỉ Mỹ và kêu gọi "chúng ta chỉ có thể chiến đấu tới chết" để chống lại các biện pháp áp thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Tinh thần đó được hun đúc bởi vài bài báo của các cơ quan truyền thông chính thống ở Trung Quốc.
Một bài xã luận trên tờ Toàn cầu Thời báo ra ngày 9-4 thậm chí cho rằng Trung Quốc sẽ chiến đấu chống Mỹ với tinh thần giống như trong Chiến tranh Triều Tiên hơn 60 năm trước.
Bài báo còn kêu gọi người Trung Quốc phải chuẩn bị chiến đấu trong cuộc chiến thương mại này "bằng tất cả các nguồn lực" - cụm từ như trong thời chiến tranh vũ trang nhiều thập kỷ trước.
"Bắc Kinh có thể tạo ra một cuộc chiến đầy đau đớn cho Washington trong cuộc đối đầu trước mọi cuộc chiến tranh thương mại và khiến cho Mỹ cũng phải chịu những thiệt hại tương tự như Trung Quốc", tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết đầy kích động.
Cách thức "quyết chiến" của Trung Quốc cũng được thể hiện qua các phát ngôn chính thức. Hôm 6-4, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến thương mại với "bất kỳ giá nào" và áp dụng mọi biện pháp toàn diện nếu Mỹ tiếp tục các biện pháp bảo hộ thương mại đơn phương.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ quan điểm của Bắc Kinh trong quan hệ thương mại với Mỹ rất rõ ràng: Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại, song cũng không sợ một cuộc chiến như vậy.
Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nếu phía Mỹ tiếp tục phớt lờ những phản đối từ Trung Quốc và cộng đồng quốc tế để tiếp tục các biện pháp đơn phương và bảo hộ thương mại thì Bắc Kinh cũng không e ngại mà theo đuổi tới cùng bằng bất kỳ giá nào.
Trong khi đó, tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có bài viết cho rằng Mỹ là nước được lợi nhất từ hội nhập kinh tế toàn cầu và việc Mỹ dựa vào những biện pháp "gây hấn" để làm giảm thâm hụt thương mại là phản tác dụng.
Người tiêu dùng Trung Quốc chọn lựa hàng hóa tại khu hàng nhập khẩu từ Mỹ tại siêu thị ở TP Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 3-4 - Ảnh: REUTERS
Còn theo hãng tin Reuters, ngay từ ngày 5-4, trên các mạng xã hội Trung Quốc bắt đầu có những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Mỹ.
Chẳng là ở thời điểm đó, tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ Thương mại nước này xem xét tăng gấp đôi mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc so với mức 50 tỉ USD mà Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã công bố hôm 3-4, với cáo buộc Trung Quốc có "các hoạt động thương mại không công bằng, "cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ".
Nếu chống lại hàng Trung Quốc, Mỹ sẽ không tìm được nguồn thay thế. Nhưng nếu chúng ta tẩy chay hàng Mỹ, các sản phẩm nội địa có thể dễ dàng lấp được khoảng trống"
Một bài xã luận của Hoàn cầu Thời báo viết như vậy
Theo Reuters, trên các mạng xã hội ở Trung Quốc đã rộ lên những lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm Mỹ. Biện pháp này đã từng được tiến hành một cách hiệu quả đối với Hàn Quốc, một khi người tiêu dùng bị kích thích bởi chủ nghĩa dân tộc.
Chẳng hạn trên mạng Weibo khi đó có người viết lời kêu gọi: "Công dân Trung Quốc phải đoàn kết lại và tẩy chay hàng Mỹ. Cuộc chiến tranh hiện đại được nhân dân tiến hành".
Một số người khác viết kiểu hưởng ứng sẽ không mua cả hàng Mỹ lẫn sản phẩm của Hàn Quốc.
Năm 2017, tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đã trở thành nạn nhân của kiểu tẩy chay hàng hóa của người Trung Quốc do chấp nhận đổi cho chính quyền một khu đất ở ngoại ô Seoul để bố trí hệ thống lá chắn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Động thái đó đã khiến người Trung Quốc nổi giận bởi cho rằng việc lắp đặt hệ thống THAAD với dàn radar hiện đại sẽ dòm ngó sâu vào lãnh thổ Trung Quốc.
Nhiều siêu thị của Lotte tại Trung Quốc đã bị buộc đóng cửa vì các sai phạm khá nhỏ sau các cuộc thanh tra đột xuất! Thậm chí đã xuất hiện nhiều cuộc biểu tình bột phát của người Trung Quốc chống lại hàng hóa Hàn Quốc và vô số lời kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay.
Ước tính chiến dịch tẩy chay của người Trung Quốc, gồm cả việc kêu gọi không du lịch và mua sắm ở Hàn Quốc, đã khiến tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc bị giảm 0,4% trong năm 2017.
Hoàng Duy Long
Theo Tuoitre.vn