Theo tạp chí xếp hạng tỷ phú Hồ Nhuận, Bắc Kinh hiện có 100 tỷ phú, so với con số 95 tỷ phú của New York...
Dân số già hóa sẽ dẫn đến xu hướng tăng lương?
- Cập nhật : 26/07/2017
Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cuối cùng cũng có thể tìm ra cách để thúc đẩy lạm phát, nếu họ chịu khó chờ đợi.
Trên khắp thế giới, thế hệ được sinh ra ngay sau Chiến tranh thế giới thứ Hai (kết thúc vào năm 1945) đang chuẩn bị rời khỏi lực lượng lao động và về hưu. Điều này có khả năng mang lại thứ mà nhiều nhà kinh tế đang mong mỏi: đà tăng lương.
Maurice Obstfeld, cố vấn kinh tế kiêm giám đốc nghiên cứu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã nói rằng tiền lương là lực cản đối với các nỗ lực thúc đẩy lạm phát.
"Tôi nghĩ rằng trên toàn thế giới, một trong những yếu tố lớn kìm chân lạm phát là đà tăng trưởng chậm của tiền lương. Chúng ta vẫn không hiểu rõ điều này", ông Obstfeld nói với CNBC vào hôm thứ Hai.
Ông nói thêm: "Nếu tiền lương không tăng lên, việc tăng lạm phát là rất khó. Và đó là những gì chúng ta đang chứng kiến".
Nhật Bản có thể là một thí nghiệm cho thấy liệu tình trạng già hóa dân số có thể thúc đẩy tăng trưởng tiền lương hay không.
Theo tập đoàn tài chính Nomura của Nhật, tuy số người nội trợ và người cao tuổi tham gia lực lượng lao động đã tăng lên kể từ năm 2012, nhưng những người trên 70 tuổi thì lại không đi theo xu hướng này.
Ở Nhật Bản, thế hệ sinh ra sau Thế chiến II (thường là sinh trong giai đoạn 1947-1949) sẽ bắt đầu bước sang tuổi 70 trong năm nay. Nomura cũng nói thêm rằng cuộc khảo sát người cao tuổicủa chính phủ Nhật năm 2014 cũng cho thấy một tỷ lệ lớn nam giới đã lên kế hoạch làm việc cho đến khi họ 70 tuổi.
Nomura ước tính rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật có thể giảm 0,9 điểm phần trăm trong giai đoạn 2017-2019, và nếu tỷ lệ này giảm xuống mức 2,0% thì dự kiến tiền lương có thể tăng khoảng 2,5% hàng năm.
Trong tháng 5/2017 tại Nhật, tỷ lệ thất nghiệp đã điều chỉnh theo mùa là 3,1%, ghi nhận mức tăng đột biến so với tháng trước là 2,8%.
Nomura cho biết sự gia tăng này có thể không phản ánh đúng tình hình thực tế, vì cuộc khảo sát Tankan hồi tháng 6 cho thấy các doanh nghiệp tin rằng họ đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động "trầm trọng".
Theo Reuters đưa tin, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) là Hiroshi Nakaso cho biết rằng có một số công ty dịch vụ đã cắt giảm giờ làm việc để tránh phải thuê thêm nhân công. Tuy nhiên, Nakaso cho biết thêm việc cắt giảm số giờ làm việc chỉ là một biện pháp tạm thời, và cuộc khảo sát Tankan cho thấy một số công ty dịch vụ đang hướng tới tăng giá để bù đắp chi phí lao động cao hơn.
Việc tăng giá có thể sẽ là tin tức mà các nhà hoạch định chính sách Nhật đang mong chờ vì Nhật Bản đã phải không ngừng vật lộn để đạt được mục tiêu lạm phát 2%, bất chấp việc BOJ đã tung ra một chương trình nới lỏng định lượng lớn vào năm 2013.
Tại cuộc họp tuần trước, BOJ cho biết họ kỳ vọng lạm phát sẽ ở mức 1,1% trong năm tài khóa hiện tại, giảm so với dự báo trước đó là 1,4%.
Nhật Bản có thể là trường hợp đầu tiên về việc một lượng lớn dân số về hưu cùng lúc, gây ảnh hưởng lên lạm phát và tăng trưởng tiền lương, nhưng nhiều quốc gia khác cũng sẽ sớm có hiện tượng này.
Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, nhóm người có độ tuổi 60 trở lên đang chiếm 20% dân số, và dự kiến sẽ tăng lên thành 25% dân số vào năm 2030, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Trên toàn cầu, số người có độ tuổi từ 60 chiếm khoảng 1/8 tổng dân số, và dự kiến sẽ tăng lên thành 1/6 vào năm 2030.
Đến năm 2030, số người trên 60 tuổi trên toàn cầu được dự đoán là sẽ lớn hơn số trẻ em từ mới sinh đến 9 tuổi.
Tuy nhiên, trong khi điều này có thể khiến các chính phủ gặp khó khăn về việc chi trả phúc lợi cho người già, các chuyên gia cho biết điều này có thể giúp khắc phục tình trạng lạm phát thấp.
Các nhà kinh tế tại IMF cho biết có mối liên hệ giữa xu hướng lạm phát và cấu trúc độ tuổi của dân số.
Theo một báo cáo của IMF năm 2016, khi tỷ lệ người già và người trẻ trong dân số càng lớn, lạm phát càng cao. "Nói một cách khác, khi dân số trong độ tuổi lao động càng lớn, tỷ lệ lạm phát càng thấp".
Báo cáo nhận xét: "Người ta thường vay mượn khi còn trẻ (hoặc có cha mẹ làm điều đó thay mặt họ), tiết kiệm trong khi còn đi làm, và sống nhờ tài sản tích lũy khi họ già đi. Do đó, áp lực lạm phát tăng cao khi tỷ lệ dân số trẻ và già (tiêu thụ nhưng phần lớn không sản xuất) cao hơn so với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (sản xuất nhiều hơn tiêu thụ)".
Bá Ước
Theo Nhipcaudautu.vn