Ngân hàng, bất động sản và viễn thông là ba ngành thấy rõ nhất sức ảnh hưởng của Đại lục tại Hồng Kông.
Kinh tế bất ổn, nhà giàu Trung Quốc vội tuồn tiền ra nước ngoài
- Cập nhật : 24/02/2016
(Tin kinh te)
Khi nền kinh tế Trung Quốc sẩy chân, nhiều gia đình giàu có ở nước này phải gấp rút tìm cách đưa một lượng lớn tiền ra nước ngoài vì lo ngại đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá.
Nhân dân tệ mất giá đe dọa làm "teo nhỏ" những khoản tiết kiệm mà người dân Trung Quốc gửi tại ngân hàng. Ảnh minh họa: EPA
Để lách các biện pháp kiểm soát việc đưa tiền ra nước ngoài, những người giàu ở Trung Quốc có thể nhờ cậy đến bạn bè và bà con, mỗi người chuyển 50.000 USD, mức chuyển ngoại tệ ra nước ngoài tối đa hàng năm được luật cho phép đối với mỗi công dân Trung Quốc. Bằng cách này, một nhóm 100 người có thể dễ dàng chuyển tới 5 triệu USD, theo New York Times.
Chiêu thức chia nhỏ giao dịch tài chính để lách luật chỉ là một trong hàng loạt phương pháp mà giới nhà giàu Trung Quốc đang sử dụng để đưa dòng vốn tháo chạy khỏi đất nước. Hành động này góp phần khiến triển vọng kinh tế Trung Quốc càng trở nên ảm đạm, đồng thời làm chao đảo thị trường toàn cầu. Trong năm qua, các công ty và cá nhân ở Trung Quốc ước tính chuyển gần 1.000 tỷ USD ra nước ngoài.
Nhà chức trách Trung Quốc năm ngoái còn bắt quả tang một phụ nữ tìm cách rời đất nước với số tiền 250.000 USD nhét trong áo ngực, kẹp ở bắp đùi và giấu dưới giày.
Chuyên gia đánh giá, nếu không thể kiểm soát hiện tượng trên, tương lai nền kinh tế Trung Quốc sẽ rất mờ mịt. Việc dòng tiền chảy khỏi đất nước ngày một nhiều là yếu tố gây bất ổn, đe dọa làm xói mòn niềm tin của người dân cũng như các nhà đầu tư, đồng thời ảnh hưởng xấu tới hệ thống ngân hàng đang chật vật ứng phó với hậu quả của hoạt động cho vay tiền vô tội vạ tồn tại nhiều năm qua.Việc dòng vốn rời khỏi đất nước mặt khác cũng gây áp lực lớn cho đồng nhân dân tệ. Chính phủ đang tìm cách ngăn chặn cú rơi tự do của đồng nội tệ bằng cách can thiệp vào thị trường, bán ra lượng ngoại tệ dự trữ lớn nhằm củng cố đồng tiền của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu dự trữ ngoại tệ bị hao hụt quá sâu, điều này có thể châm ngòi cho một làn sóng tháo chạy vốn mạnh hơn, từ đó gây hỗn loạn thị trường.
Đe dọa ổn định kinh tế
Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn dòng vốn chảy ra nước ngoài bằng cách siết chặt kiểm soát các mối liên kết giữa nước này với hệ thống tài chính toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc mới đây ban hành một quy định nhằm hạn chế người dân dùng thẻ ngân hàng để mua các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ở nước ngoài.
Dù vậy, những động thái kiểu như thế cũng mang đến một số hệ quả nhất định. Chúng phần nào khiến người dân cảm thấy bất an vì lo ngại rằng chính quyền đang muốn thoái lui khỏi các nỗ lực cải cách mà nước này cần để duy trì mức tăng trưởng cao trong những thập niên tới.
"Đồng nhân dân tệ đã trở thành mối đe dọa ngắn hạn đối với sự ổn định tài chính của Trung Quốc", Charlene Chu, chuyên gia kinh tế từ công ty nghiên cứu tín dụng và cổ phiếu Autonomous Research, trụ sở ở London, nhận định.
Trung Quốc nhiều năm qua thu hút được lượng tiền đầu tư khổng lồ của thế giới khi nền kinh tế tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số. Một hệ thống tài chính đóng kín giúp tiền bị giữ lại trong nước. Nhưng ngay khi tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, dòng tiền lập tức chảy nhanh khỏi Trung Quốc, một phần xuất phát từ việc chính phủ nới lỏng kiểm soát, gỡ bỏ một số hạn chế đối với tiền tệ để mở cửa nền kinh tế.
"Các công ty và cá nhân đều không muốn giữ đồng nhân dân tệ", chuyên gia tài chính Shaun Rein, người sáng lập Nhóm nghiên cứu Thị trường Trung Quốc, nhận xét. "Trong một thời gian dài, giữ đồng nhân dân tệ được xem là một sự bảo đảm, nhưng giờ đây điều này không còn đúng nữa".
Giới quan sát cho rằng vấn đề trên là một bài toàn hóc búa mà chính phủ Trung Quốc phải giải quyết.
Trung Quốc 8 tháng đầu năm ngoái đột ngột giảm giá đồng nhân dân tệ xuống 4%. Đây được xem như một phần của nỗ lực hướng tới một phương pháp quản lý mang tính thị trường hơn, đồng thời hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong nước. Song, động thái gây bất ngờ này lại là nguyên nhân dẫn tới những đợt lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán.
Chính phủ Trung Quốc sau đó điều chỉnh để đồng nhân dân tệ giảm với tốc độ chậm hơn. Kết quả là trong vòng 5 tuần tính đến đầu tháng 1/2016, đồng nhân dân tệ giảm thêm 2,8%. Tuy nhiên, động thái kín đáo này vẫn dẫn đến làn sóng bán tháo cổ phiếu bởi tâm lý lo lắng của giới đầu tư toàn cầu.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang cố gắng chống đỡ áp lực giảm giá của đồng nội tệ bằng cách mua vào nhân dân tệ, bán ra USD từ kho dự trữ ngoại hối. Chỉ trong tháng 12/2015 và tháng 1/2016, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc lần lượt giảm 108 tỷ USD và 99 tỷ USD, còn 3.230 tỷ USD. Cách đây một năm rưỡi, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc còn ở mức 4.000 tỷ USD.
Đồng nhân dân tệ gặp khó
Theo NYTimes, đồng nhân dân tệ Trung Quốc hiện vẫn phải đối mặt với nhiều cản lực. Chính phủ nước này gần đây nhiều lần cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế, khiến việc gửi tiết kiệm ở ngân hàng trở nên kém hấp dẫn. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng dần "teo nhỏ" một phần vì Trung Quốc hiện có quá nhiều nhà máy dư thừa, ví dụ như nhà máy sản xuất thép hay ôtô. Giới đầu tư vì thế phải tìm nguồn lợi nhuận tốt hơn ở những nơi khác.
Ronald Wan, nhà quản lý quỹ đầu tư ở Hong Kong đang nắm giữ ghế hội đồng quản trị của nhiều công ty nhà nước Trung Quốc, đánh giá tâm lý bi quan đã trở nên phổ biến trong xã hội.
"Trong các công ty mà tôi có mối quan hệ, tất cả đều ấp ủ ý định chuyển tiền ra khỏi đất nước", Wan nói.
Nhiều ngân hàng và các nhà kinh tế dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ trải qua một đợt giảm giá mạnh nữa vào mùa xuân này. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích những đánh giá kiểu như vậy. TờPeople's Daily cuối tháng trước còn đăng bài lên án tỷ phú George Soros vì có ý nghi ngờ chính sách của Trung Quốc. Ông Soros là nhà đầu tư nổi tiếng với những phi vụ bán khống tiền tệ thành công nhờ dự đoán đúng xu hướng giảm giá.
Theo quan sát viên Keith Bradsher, chính sách kinh tế trong tương lai của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào việc nước này có ngăn chặn hay ít nhất là hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài được hay không.
Theo quy định, một cá nhân được phép chuyển tối đa 50.000 USD mỗi năm ra khỏi biên giới Trung Quốc. Doanh nghiệp và các nhà đầu tư lớn thì có thể chuyển lượng vốn lớn hơn thông qua việc thâu tóm những công ty quốc tế. Ngoài ra, những phương thức chuyển vốn không chính thống cũng rất phong phú. Điển hình như một số công ty có thể xuất hóa đơn thương mại với giá trị sai lệch để giữ được nhiều lợi nhuận bên ngoài Trung Quốc hơn.
Nhằm hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách vô hiệu hóa một số phương thức chuyển tiền. Cách đây hai năm, Trung Quốc cho phép các công ty bảo hiểm trong nước đầu tư 15% giá trị tài sản ở nước ngoài. Nhưng theo các chuyên gia tài chính Hong Kong, chính phủ Trung Quốc gần đây đã yêu cầu các công ty bảo hiểm ngừng kế hoạch đầu tư ở nước ngoài.
Nhà chức trách cũng yêu cầu người dân hạn chế rút nhân dân tệ tại chi nhánh của các ngân hàng Trung Quốc ở nước ngoài. Ở Thâm Quyến, ngân hàng còn yêu cầu khách hàng phải đăng ký trước một tuần nếu muốn đổi nhân dân tệ sang USD đối với các khoản tiền có giá trị trên 10.000 USD.
Zou Tai, nhân viên làm việc tại một bệnh viện ở Trung Quốc, tháng trước đáp máy bay sang Hong Kong để mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá 50.000 USD. Nhiều người Trung Quốc hiện nay cũng áp dụng chiêu thức tương tự để chuyển tiền ra khỏi đất nước bởi hợp đồng bảo hiểm có thể được mua bằng nhân dân tệ và chi trả bằng USD.
"Sức mua của nhân dân tệ liên tục giảm", Zou nói. "Tôi cảm thấy các lãnh đạo Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá giá tiếp đồng nội tệ".
Zou cho hay ông phải hành động thật nhanh chóng vì chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp hạn chế hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài.
Hồng Vân
Theo Vnexpress