Trải qua gần 550 năm lịch sử, sự tồn tại của ngân hàng lâu đời nhất thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng khi cổ phiếu Monte dei Paschi đã tụt dốc 99% kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, xuống mức thấp kỷ lục là 25 cents vào ngày 8/7/2016.
Viện trợ từ Trung Quốc có thể là con dao hai lưỡi với Campuchia
- Cập nhật : 17/07/2016
Những khoản đầu tư, viện trợ hậu hĩnh vô điều kiện từ Trung Quốc có thể là nguy cơ khiến Campuchia bị lệ thuộc trong các quyết sách đối ngoại và đối nội.
Trong giai đoạn 1994-2013, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Campuchia phát triển chóng mặt. Đầu tư của Bắc Kinh tại Pnom Penh trong thập kỷ này đã lên đến 10 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, khai thác khoáng sản, các dự án cơ sở hạ tầng, đập thủy điện và sản xuất hàng may mặc. Kể từ năm 1992, Trung Quốc cũng đã cung cấp khoảng 3 tỷ USD vốn vay ưu đãi và viện trợ cho Campuchia.
Tuy nhiên, những khoản viện trợ "khủng" trên có thể khiến Pnom Penh đôi lúc không thể tự chủ trong việc đưa ra những quyết sách đối ngoại quan trọng có ảnh hưởng lớn đến uy tín của nước này, theo East Asia Forum.
Theo nhà phân tích Veasna Var, thuộc đại học New South Wales, Canberra, việc thực hiện chính sách viện trợ vô điều kiện cùng lời hứa không can thiệp nội bộ của Trung Quốc nhận được sự ủng hộ cao từ chính phủ Campuchia. Các khoản viện trợ hậu hĩnh không hề có điều khoản ràng buộc này càng được Phnom Penh đánh giá cao hơn nữa khi Mỹ và các nước phương Tây thường yêu cầu Campuchia thực hiện điều kiện kèm theo các gói việc trợ và báo cáo kết quả triển khai.
Chính phủ Campuchia tuyên bố viện trợ và đầu tư của Trung Quốc có vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế-xã hội của nước này, tạo điều kiện phát triển kinh tế, đồng thời cho phép Campuchia "bảo vệ chủ quyền và duy trì một chính sách đối ngoại độc lập trên trường quốc tế".
Tuy nhiên, ông Var cho rằng cách thức đầu tư và viện trợ như hiện nay của Trung Quốc tiềm ẩn không ít rủi ro đối với chính sách phát triển và quan hệ đối ngoại của Campuchia. Sự phụ thuộc ngày càng lớn của Pnom Penh vào Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng lớn đến việc định hình chính sách đối ngoại cũng như hệ thống chính trị của nước này.
Bằng chứng rõ nhất cho sự phụ thuộc này là năm 2012, khi chính phủ Campuchia, nước không liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, phản đối yêu cầu của Philippines đưa vấn đề tranh chấp ở bãi cạn Scarborough vào bản tuyên bố chung của ASEAN. Không vượt qua được bất đồng, ASEAN lần đầu tiên không thể ra được tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra ở Phnom Penh.Mới đây nhất, phát biểu nhân kỷ niệm 65 năm thành lập đảng Nhân dân Campuchia (CPC) ở thủ đô Phnom Penh vào cuối tháng 6, Thủ tướng Hun Sen nêu lại quan điểm không ủng hộ việc Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, đồng thời phản đối bất cứ tuyên bố nào của ASEAN ủng hộ phán quyết.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của Bắc Kinh, Pnom Penh luôn tỏ ra miễn cưỡng khi chỉ trích hoặc kháng nghị vấn đề môi trường phát sinh từ các chính sách của Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua việc Trung Quốc không gặp phải sự phản đối quyết liệt từ Campuchia khi xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, dù con đập này đe dọa phá hủy môi trường sinh thái ở khu vực, nơi hàng triệu người dân Campuchia phụ thuộc vào dòng sông để sinh sống.
"Việc từ chối chấp nhận những lời chỉ trích mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế là một chiến lược mạo hiểm, có thể khiến Campuchia trở nên quá phụ thuộc vào các ưu tiên của nước viện trợ lớn nhất của mình là Trung Quốc", Var khẳng định.
Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Ấn Độ, cho rằng một bài học cho sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn viện trợ từ Trung Quốc, là trường hợp của Pakistan.
Do nhận nhiều viện trợ từ Trung Quốc nên Pakistan buộc phải đánh đổi nhiều thứ. Islamabad đã đồng ý cho Bắc Kinh độc quyền vận hành cảng Gwadar của nước này trong 40 năm, đồng thời đồng ý để Trung Quốc đưa binh sĩ đồn trú tại khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát để bảo vệ các lợi ích chiến lược.
Đây được đánh giá là những đánh đổi "đắt giá", thậm chí liên quan đến vấn đề chủ quyền.
"Pakistan đang ngày càng bị ràng buộc về nhiều mặt với Trung Quốc và họ rất khó có cơ hội tiến hành những thay đổi như Myanmar hay Sri Lanka. Trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào chính trị và kinh tế Pakistan, có thể xuất hiện cảm giác bất mãn ở lãnh đạo nước này nhưng lúc đó đã quá muộn để thay đổi", giáo sư Chellaney khẳng định.
"Campuchia phải tiếp tục nhìn thấy giá trị trong việc tham gia các tổ chức khu vực. Lợi ích lâu dài của Campuchia nằm trong việc tham gia các sáng kiến khu vực như ASEAN, và cố gắng hài hòa các mối quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực càng nhiều càng tốt", chuyên gia Var nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàng
Theo Vnexpress