Thế giới như chúng ta biết hiện nay sẽ không còn như cũ và sự cân bằng quyền lực quy mô toàn cầu sẽ thay đổi trong thập niên kế tiếp.
Cấm vận gắt gao, cuộc sống người dân Triều Tiên hiện ra sao?
- Cập nhật : 15/05/2017
Bất chấp những cảnh báo về các đòn tấn công phủ đầu của Mỹ và sự cấm vận khắc nghiệt đối với nền kinh tế, đặc biệt là cấm vận dầu mỏ, cuộc sống của người dân Triều Tiên vẫn đang diễn ra khá bình thường. Phóng sự của phóng viên Bưu điện Hoa Nam buổi sáng Liu Zen cho thấy nhiều điều thú vị.
Đường xấu, xăng hiếm nhưng giao thông công cộng vẫn bình thường
“Cảm ơn tất cả các bạn đã đến thăm đất nước chúng tôi trong thời kỳ căng thẳng với nhiều khó khăn thế này” - hướng dẫn viên Kim Kyong ho, nói với các du khách. “Nếu cấm vận nguồn dầu thì xe buýt của chúng tôi sẽ phải ngừng chạy thôi”.
Đúng như lời Kim nói, tôi quan sát thấy một số chiếc xe tại thành phố vốn có rất ít xe cộ này đậu phía ngoài đường. Người ta nói rằng, một số trạm xăng đã phải hạn chế bán ra vì lo ngại Trung Quốc sẽ siết chặt xuất khẩu dầu sang Triều Tiên.
Nhưng có vẻ sự hạn chế bán xăng dầu không ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật ở Bình Nhưỡng, vì các phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động bình thường. Đa số người dân thủ đô vẫn đạp xe đi làm. Có điều việc sử dụng xe đạp điện có tăng, và một số taxi màu xanh hay màu vàng chạy trên đường thuộc loại xe kết hợp xăng và điện hiệu BYD của Trung Quốc.
Xe chở chúng tôi nhảy chồm chồm trên đường vì những ổ voi, ổ gà do mặt đường không được bảo dưỡng - cũng là hậu quả của lệnh trừng phạt. Đại đa số đường xá của Bình Nhưỡng được xây dựng từ những năm 1990, trước khi nền kinh tế gặp khủng hoảng và đất nước ban hành chính sách “songun” - "tất cả dành cho quân đội”, khi các chương trình quân sự như phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa được ưu tiên so với xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hướng dẫn viên xin lỗi vì đường xấu và giải thích là cần rất nhiều asphalt - cũng là một sản phẩm từ dầu mỏ mà Triều Tiên vẫn phải phụ thuộc - để sửa chữa đường xá vốn được xây dựng theo công nghệ cũ. Quả là thế, bởi chúng tôi thấy ven đường những công nhân giao thông đang dùng củi đốt nóng thứ gì đó màu đen - chắc là nhựa đường - vì khói bốc lên mù mịt.
Ngành du lịch vẫn mở cửa, thoáng hơn trước
Bây giờ là cuối tháng Tư, mặc dù tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng, ngành du lịch bằng tàu hỏa đến Triều Tiên vẫn mở cửa, tạo nguồn ngoại tệ quý báu cho đất nước đang bị cô lập. Các toa tàu giường nằm xuất phát từ thành phố Dandong từ biên giới Trung Quốc đầy khách du lịch háo hức muốn có một chuyến đi khám phá. Hầu hết khách là người Trung Quốc nhưng cũng có vài người từ châu Âu, tất cả đều phải trả một khoản tiền khá lớn để thực hiện được chuyến đi.
Cũng tương tự như chuyến thăm Bình Nhưỡng của tôi vào tháng 10/2012, sáu tháng sau khi ông Kim Jong un được chuyển giao quyền lực, những người nước ngoài phải trải qua sự kiểm tra nghiêm ngặt, từ số tiền họ mang theo trong ví đến các bức ảnh trong camera.
Đồ đạc của tôi bị kiểm tra rất kỹ, thậm chí chiếc điện thoại di động của tôi suýt bị tịch thu. Một nhân viên đã cho phép tôi giữ lại chiếc điện thoại sau khi tôi tặng anh ta một chiếc bút đẹp. Mặc dù lần này tôi được mang điện thoại vào trong thành phố, nhưng nó lại không có tín hiệu gì.
Vẫn như trước đây, khách bị phân thành các nhóm được theo dõi kỹ, di chuyển theo những tuyến đường đã được sắp đặt trước trên những chiếc xe buýt cũng đã được dành riêng và những khách sạn nằm tách biệt để không ai có những hành động tự phát hoặc tiếp xúc không cần thiết với những người dân địa phương.
Nhưng có vài lần, khi tàu hỏa và xe chở chúng tôi gặp những chiếc xe buýt chở học sinh hoặc các các ô tô tải chở các binh sĩ mới nhập ngũ hay công nhân xây dựng đi ngang qua, họ nhin chúng tôi qua cửa kính đóng chặt và vẫy tay chào với những nụ cười tươi, xem chừng có vẻ rất hạnh phúc.
Điều này quả là ấn tượng. Năm 2012, không có người nào trên đất nước này làm những điều như vậy trước mặt người nước ngoài. Khi ấy trông họ ai nấy đăm đăm, vẻ mặt khổ hạnh và xa lạ…
Lần này, các hành khách đi trên tàu điện ngầm Bình Nhưỡng, "tuyến tàu điện ngầm nằm sâu nhất thế giới” cũng vẫn vẻ mặt còn khó đăm đăm như thế, nhưng một số người trong bọn họ đã ngồi dán mắt vào những chiếc smart phone màn hình khổ lớn, chẳng khác gì các hành khách đi tàu điện ngầm ở các thành phố lớn khác trên thế giới.
Hành khách đi tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng sử dụng smart phone như ở các thành phố lớn khác trên thế giới
Tất cả những điều ấy trông có vẻ thoáng qua, và mong manh bởi đây là thời điểm lệnh trừng phạt đang xiết chặt, nhưng đó cũng là một dấu hiệu - kể ra cũng khá ngạc nhiên - cho thấy những thay đổi của Bình Nhưỡng dưới thời Kim Jong un.
Ông Kim Jong un đã ổn định được tình hình trong nước
Nhà lãnh đạo 34 tuổi từng được đi học ở Thụy Sỹ còn chưa chấp nhận “mở cửa, cải cách” kiểu Trung Quốc, nhưng ít nhất ông ta cũng làm thay đổi phong cách thời trang của đường phố Bình Nhưỡng vì đã để cho cô vợ trẻ Ri Sol ju trở thành một hình mẫu ăn mặc. Có thể thấy nhiều phụ nữ U40 cũng mặc những bộ jacket, váy dài chỉ đến đầu gối, tất mỏng và giày cao gót như của bà Ri.
Kim Jong un đã nâng cấp khẩu hiệu thiêng liêng của ông nội và cha đẻ của mình, từ “cholima” - thiên lý mã tức là ngựa chạy nghìn dặm/ngày thành “hàng chục ngàn dặm”. Trong các năm 2014 và 2016, ông đã hai lần cho hoãn Đại hội Arirang vốn là thương hiệu của cha ông. Thay vào đó, ông huy động nhân lực cả nước, cả binh sĩ, cả sinh viên để xây dựng hai khu phố tại trung tâm Bình Nhưỡng.
Vào đêm trước ngày 15/4, Ngày “Mặt Trời”, kỷ niệm ngày sinh nhật Kim Nhật Thành, ông nội của ông, Kim Jong un cho mời 200 nhà báo quốc tế đến Bình Nhưỡng đưa tin về cái mà ông gọi là “một sự kiện lớn và quan trọng”.
Trong khi cả thế giới lo lắng theo dõi, liệu Triều Tiên có tiến hành vụ thử hạt nhân tiếp theo nữa hay không thì “nhà lãnh đạo tối cao” lại đứng trước ống kính truyền hình cắt băng khánh thành phố “Bình Minh”, tiếp theo việc hoàn thành Phố “Những nhà khoa học tương lai” vào năm 2015…
Trong bản báo cáo do Viện Brooking ở Washington phát hành ngày 30/4 vừa rồi, Người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Phó Oánh viết rằng, nền kinh tế Triều Tiên đã lần lần từng bước thoát khỏi nạn đói khủng khiếp từ những năm 1990. “Thực tế là nền kinh tế của họ đã dần thoát khỏi thời kỳ khó khăn nhất. Ông Kim Jong un ...đã ổn định được tình hình trong nước”.
Kết luận của bà Phó có thể được minh chứng qua việc cấp điện cho thành phố. Năm năm trước, Bình Nhưỡng phải cắt điện nhiều khu phố vì thiếu nguồn cung điện trong mùa hè. Thành phố chìm trong bóng tối và yên ắng sau khi mặt trời lặn, dù cho vẫn có những người hâm mộ bóng đá tập trung tại sân ga Bình Nhưỡng để xem phát lại các trận bóng đá Giải Vô địch châu Âu năm 2012 trên hai màn hình TV cỡ lớn được lắp ở đó.
Tháng tư năm nay, Bình Nhưỡng được thắp sáng rực rỡ, bất kể có phải là ngày lễ hay không. Âm thanh của các xe tải nặng có thể nghe thấy từ phía bên kia sông, còn đèn đường thì luôn sáng đến tận nửa đêm.
Ở các vùng nông thôn, cảnh tượng người nông dân đạp những chiếc xe đi làm đồng đã trở thành bình thường. Trên đồng, người ta sử dụng cả máy cày lẫn súc vật để làm đất…
Có một chút khó hiểu khi thấy những người nông dân dùng những viên đá xếp quanh những cây nhỏ ven đường, hoặc mở rộng tiếp vòng đá đó để bao quanh những cây lớn. Tôi chỉ có thể đoán rằng đó là sự phản ánh của tình trạng phá rừng và thất nghiệp ở nước này.
Vị lãnh tụ Kim Jong il là người khởi xướng phong trào chặt rừng trên toàn quốc, hậu quả có thể thấy nhãn tiền: hầu hết núi đồi trở thành núi trọc từ đó xảy ra việc xói mòn đất và thiếu nước dẫn đến thiên tai, hết hạn hán đến lũ lụt. Bây giờ là lúc phải khôi phục lại rừng. Người nông dân bắt đầu trồng và chăm sóc cây như tôi đã thấy dọc đường.
Hà KHoa
Theo Viettimes.vn