Giá USD tiếp tục đà tăng từ đầu tuần khi các ngân hàng thương mại Nhà nước tăng giá cả chiều mua vào và bán ra thêm 15 đồng/USD.
Xử lý nợ xấu qua VAMC bắt đầu… hấp dẫn?
- Cập nhật : 02/09/2015
(tai chinh)
Ngày 28/8/2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Thông tư 14, có hiệu lực từ ngày 15/10/2015, dự kiến sẽ có tác động lớn tới hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu qua VAMC, do có những sửa đổi, bổ sung quan trọng.
Tựu trung của những sửa đổi, bổ sung là tăng thêm lựa chọn cho các tổ chức tín dụng bán lại nợ xấu, để họ cân nhắc các phương án xử lý nợ xấu và tái tạo, sử dụng nguồn vốn và lợi ích liên quan, thay vì “chỉ có một con đường” như thời gian qua.
Cụ thể, thông tư trên chính thức quy định việc VAMC mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường bằng phát hành trái phiếu trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ xấu, bên cạnh trái phiếu đặc biệt với cơ chế đã có.
Với hình thức mới đó, trái phiếu phát hành qua việc mua theo giá trị thị trường thực sự là một tài sản gắn với các lợi ích cụ thể để các tổ chức tín dụng cân nhắc bán lại nợ xấu cho VAMC (dĩ nhiên phải được tổ chức này chấp thuận mua, xác định giá mua…).
Trước hết, trái phiếu VAMC phát hành, dùng để thanh toán cho tổ chức tín dụng bán lại nợ xấu, được chuyển nhượng giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng và giữa các tổ chức tín dụng với nhau (còn trái phiếu đặc biệt không được chuyển nhượng).
Thứ nữa, sau khi bán lại nợ xấu và tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu thì không phải trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đó.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng được xác định hệ số rủi ro của trái phiếu là 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trong khi với trái phiếu đặc biệt là 20%.
Các tổ chức tín dụng được sử dụng trái phiếu để tham gia nghiệp vụ thị trường mở, bên cạnh giá trị là tài sản để tham gia tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước như trái phiếu đặc biệt.
Cũng như trái phiếu đặc biệt, trái phiếu mà VAMC thanh toán khi mua nợ xấu theo giá trị thị trường có lãi suất 0%. Thời hạn của trái phiếu do VAMC và tổ chức tín dụng bán nợ xấu thỏa thuận và tối thiểu là 1 năm.
Trường hợp số tiền thu hồi từ nợ xấu đã bán chưa đủ để thanh toán trái phiếu khi trái phiếu đến hạn thanh toán, VAMC quyết định gia hạn thời hạn của trái phiếu, tối đa không quá 3 năm trừ trường hợp có sự đồng ý của tổ chức sở hữu trái phiếu.
Ngoài những điểm trên, Thông tư 14 còn cụ thể hóa một số quy định mới đáng chú ý khác, theo hướng “khoan sức” cho các tổ chức tín dụng gặp khó khăn.
Cụ thể là ở trái phiếu đặc biệt. Thời hạn của trái phiếu đặc biệt vẫn quy định tối đa là 5 năm. Tuy nhiên, trường hợp phát hành để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính thì thời hạn của trái phiếu đặc biệt có thể được kéo dài tới 10 năm. Điều này đồng nghĩa với việc giãn áp lực trích lập dự phòng rủi ro.
Cũng theo quy định tại Thông tư 14, tổ chức tín dụng bán nợ xấu quyết định việc tạm trích dần số tiền trích lập dự phòng rủi ro hàng năm đối với từng trái phiếu đặc biệt vào các kỳ trích lập dự phòng rủi ro trong năm, đảm bảo trong 5 ngày làm việc liền kề trước ngày tương ứng với ngày đáo hạn của trái phiếu đặc biệt, tổ chức tín dụng bán nợ phải trích lập đầy đủ số tiền dự phòng cụ thể tối thiểu đối với từng trái phiếu đặc biệt.
Với quy định trên, mức độ “chân thực” của con số lợi nhuận tại các kỳ báo cáo của các tổ chức tín dụng có thể khác nhau, tuy theo lựa chọn trích dần hay trích gộp dự phòng rủi ro của họ.
Và có thêm một cơ chế nữa, nếu các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính mà không đủ năng lực trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro hàng năm đối với trái phiếu đặc biệt, thì họ báo cáo Ngân hàng Nhà nước để có thể được xem xét, xử lý cụ thể đảm bảo tổ chức tín dụng bán nợ có đủ nguồn dự phòng để xử lý toàn bộ khoản nợ xấu sau khi thanh toán trái phiếu đặc biệt với VAMC.
Với VAMC, cơ chế được mua nợ xấu theo giá trị thị trường cũng đi cùng với yêu cầu phải thực hiện trích lập dự phòng đối với từng khoản nợ xấu được mua theo giá thị trường. Việc trích lập này được khấu trừ giá trị tài sản bảo đảm của khoản nợ, tỷ lệ trích lập dự phòng sẽ do VAMC tự quyết nhưng không thấp hơn 5%.
Thông tư 14 bắt đầu có hiệu lực từ 15/10/2015, nhưng dự kiến ngay trong năm nay VAMC sẽ bắt đầu thí điểm phương án mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường với mục tiêu ít nhất khoảng 500 - 700 tỷ đồng, để tạo đà cho năm 2016.
Được biết, hiện VAMC đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chuyển vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng để có điều kiện thực hiện việc mua nợ theo phương án này.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)