tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

World Bank "cấm cửa" một doanh nghiệp Việt Nam

  • Cập nhật : 23/12/2015

(Tai chinh)

World Bank không cho phép một doanh nghiệp và các chi nhánh của công ty này tham gia đấu thầu tối thiểu 10 năm vì sai phạm tại 2 dự án ở Việt Nam.

Ngân hàng thế giới (World Bank) vừa phát đi thông cáo báo chí về việc xử phạt đối với Công ty Đầu tư Phát triển Môi trường SFC Việt Nam do những sai phạm khi triển khai các dự án do World Bank cấp vốn.

Theo đó, World Bank không cho phép SFC và các chi nhánh của công ty này tham gia đấu thầu tối thiểu 10 năm vì sai phạm tại 2 dự án ở Việt Nam. Cá nhân Tổng Giám đốc Nguyễn Phương Quý và bất kỳ công ty nào do ông này trực tiếp điều hành sẽ bị cấm tối thiểu là 11 năm.

Phía World Bank cho biết, Hội đồng xử phạt độc lập của World Bank đã đưa ra quyết định trên dựa vào các bằng chứng về hành vi lừa đảo và thông đồng thuộc 2 dự án bao gồm: Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị tại Việt Nam và Dự án đầu tư hạ tầng ưu tiên ở thành phố Đà Nẵng.

Theo điều tra của World Bank, công ty này đã liên tục có các hành vi sai trái, trong đó cá nhân Tổng giám đốc là người trực tiếp tham gia. Cụ thể, SFC và cá nhân người điều hành đã cung cấp tài liệu giả mạo liên quan tới kinh nghiệm cho một nhà thầu quốc tế để chuẩn bị tài liệu đấu thầu tài chính cho 1 gói thầu. Bên cạnh đó, SFC còn thực hiện hành vi thông thầu với một nhà thầu khác cho hợp đồng một công trình.

Việc ngăn cấm SFC Việt Nam tham gia thầu sẽ có giá trị áp dụng với các ngân hàng phát triển đa phương khác theo Hiệp định công nhận lẫn nhau về các quyết định cấm được ký kết ngày 09/4/2010.

Trước đó, vào hồi tháng 4/2015, công ty của Mỹ là Louis Berger Group cũng đã bị World Bank cấm cửa vì có hành vi tham nhũng trong 2 dự án, trong đó có dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở thành phố Đà Nẵng.

Cuối năm 2013, nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng từng công bố lệnh cấm đối với Công ty Cổ phần Phát triển Cơ sở Hạ tầng Thăng Long và các công ty con trong thời gian 2,5 năm sau khi công ty này thừa nhận hành vi lừa đảo. Cụ thể, các công ty con này đã nộp nhiều văn bản không đúng sự thật trong quá trình tham gia đấu thầu của Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Dự án Giảm nghèo khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn hai và Dự án Phát triển Bền vững Thành phố Đà Nẵng.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục