tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vì sao lãi suất tín dụng ưu đãi chưa giảm

  • Cập nhật : 18/09/2015

(Tin kinh te)

“Trong điều kiện Ngân sách Nhà nước còn khó khăn, việc cân đối để đảm bảo nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi tại VBSP là nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội” – Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Nhìn lãi suất NHTM, ngó sang VBSP thấy… sốt ruột!?

Theo thông tin từ NHNN, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 -7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Mặt bằng lãi suất chung là như vậy nhưng nhiều nơi các NHTM vẫn giăng biển cho vay lãi suất 0%; hay vay tiền được… vàng; và rất nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như: Khi vay vốn ngắn hạn tại SHB, khách hàng sẽ được hưởng ngay những lợi ích vượt trội với lãi suất từ 6,8%/năm cố định trong 3 tháng đầu tiên hoặc từ 7,3%/năm cố định trong 6 tháng đầu tiên.

SHB cũng dành gói 1.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ ngày giải ngân khi tham gia chương trình “5 phát lộc – Vay phát tài” để vay mua nhà, mua ô tô, vay tiêu dùng, vay bổ sung vốn lưu động kinh doanh.

VIB đang triển khai gói cho vay ưu đãi 5,99%/năm trong 6 tháng đầu cho các khách hàng vay vốn với thời hạn trên 12 tháng để mua bất động sản tại các khu đô thị Gamuda Gardens (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội), Green Stars (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội). Hay như với kỳ hạn vay lớn hơn 6 tháng và nhỏ hơn 12 tháng; ABBANK dành lãi suất ưu đãi 7,49%/năm cho 3 tháng đầu…

nh den tan xa giao dich la mot trong nhung uu dai doi voi nguoi vay von chinh sach

NH đến tận xã giao dịch là một trong những ưu đãi đối với người vay vốn chính sách

Chưa biết điều kiện vay vốn của NHTM thế nào nhưng chỉ nhìn vào mức lãi suất giảm thì không ít hộ vay vốn, nhất là những khách hàng vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách thấy sốt ruột khi mà lãi suất họ đang vay cao hơn mức này.

Bởi nhìn vào mức lãi suất cho vay của một số chương trình tín dụng của VBSP như cho vay hộ nghèo thì lãi suất là 6,6%/năm; cho vay hộ cận nghèo 7,92%/năm. Hay chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đang triển khai có mức lãi suất 8,25%/năm thì đang ngang bằng, thậm chí cao hơn lãi suất của một số gói tín dụng được NHTM cung cấp ra thị trường.

Nhiều ưu đãi không tính được bằng tiền

Bà Nguyễn Thị Minh Hải – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 6, phường Tam Thuận, TP. Đà Nẵng cho rằng, so với lãi suất cho vay của một số chương trình tín dụng các NHTM đang triển khai thì lãi suất mà VBSP áp dụng đối với cho vay hộ nghèo mức 6,6%/năm là khá cao.

Ban Dân nguyện đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Ninh Thuận, Bình Định cũng kiến nghị: Hiện nay, các NHTM đều giảm lãi suất cho vay nhưng lãi suất của VBSP không giảm dẫn đến khó khăn cho các hộ dân nghèo và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vay vốn sản xuất, kinh doanh. Và mong muốn của các hộ dân vay vốn là Chính phủ, VBSP xem xét giảm lãi suất tạo điều kiện cho người nghèo khi vay vốn.

Trước những băn khoăn này, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT VBSP Nguyễn Văn Bình cho biết: Cơ chế ưu đãi về lãi suất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, trên cơ sở khả năng cấp bù của Ngân sách Nhà nước và căn cứ diễn biến lãi suất cho vay trên thị trường, VBSP đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 1/6/2015 về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại VBSP.

Lãi suất cho vay hộ nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; cho vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm đã giảm từ 7,2%/năm (0,6%/tháng) xuống 6,6%/năm (0,55% tháng). Lãi suất Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn từ 9,6%/năm (0,8%/tháng) cũng đã giảm xuống 9,0%/năm (0,75%/tháng).

“Tuy nhiên, trong điều kiện Ngân sách Nhà nước còn khó khăn, việc cân đối để đảm bảo nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi tại VBSP là nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội” – Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh. Còn ông Nguyễn Đức Hải – Phó tổng giám đốc VBSP thì cho rằng, ưu đãi của tín dụng chính sách thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó điểm khá quan trọng là ưu đãi về quy trình thủ tục.

“Hiện nay các điểm giao dịch của VBSP được tổ chức trực tiếp tại xã phường, thị trấn trên cả nước và người dân không phải lên trung tâm huyện mới giao dịch được với NH. Khi vay vốn VBSP, người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Các quy trình thủ tục cũng miễn phí, người vay không mất bất cứ chi phí gì cho hoạt động để có thể vay vốn được của VBSP” - ông Nguyễn Đức Hải lý giải.

Hơn nữa, nếu phân tích kỹ các chương trình tín dụng ưu đãi mà các NHTM đang triển khai thì thấy chỉ có cho vay ngắn hạn 6 tháng đến 1 năm thì mới có mức lãi suất 6 - 7%/năm. Trong khi với VBSP mức lãi suất đó thường là cho vay trung hạn 3-5 năm, lãi suất rất ổn định, không thay đổi theo thị trường. Nhưng ở các NHTM, mức lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong những thời hạn nhất định. Và hầu hết các NHTM đều sẽ định kỳ điều chỉnh lãi suất cho vay theo thị trường, có thể là 6 hoặc 12 tháng/lần.

Lãnh đạo VBSP cũng cho rằng, trong điều kiện Ngân sách Nhà nước còn khó khăn thì sự chia sẻ giữa Nhà nước và nhân dân là cần thiết. Những đối tượng hộ mới thoát nghèo nếu ngay lúc đầu, nếu không có chính sách này thì họ phải vay NHTM. Nếu vay NHTM thì không chỉ điều kiện về lãi suất, mà khách hàng còn phải tuân theo quy trình thủ tục khác như phương án sản xuất kinh doanh, thế chấp sổ đỏ… Những điều này không dễ với hộ vừa mới thoát nghèo.

Theo Phó giám đốc chi nhánh VBSP tại một tỉnh miền Trung, lãi suất cho vay của VBSP hiện nay là phù hợp, bởi Nhà nước phải cấp bù lỗ lãi suất cho các hộ vay. Hơn nữa, lãi suất cho vay đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách cũng không nên thấp quá. Vì lãi suất thấp quá sẽ dẫn tới sự ỷ lại, không tạo ra động lực sản xuất kinh doanh để trả nợ, khiến sử dụng nguồn vốn thiếu hiệu quả.

Bài và ảnh Đức Nghiêm
Theo Thời báo Ngân hàng

Trở về

Bài cùng chuyên mục