Tại buổi Tọa đàm với các DN Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tính riêng về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hiện có hơn 18.500 dự án đang hoạt động đến từ 103 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư lên tới 260 tỷ USD.
Tình thế trái ngược đầu tư ngoại ở Hà Nội, TP.HCM
- Cập nhật : 21/09/2015
(Tin kinh te)
Hà Nội đã hạ chỉ tiêu thu hút đầu tư vào KCN xuống còn 120 triệu USD thay vì 200 triệu USD. TP.HCM hút đầu tư nước ngoài.
Hà Nội khó...
Theo số liệu mới nhất từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, tổng vốn đầu tư, bao gồm cả vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp (KCN) tại Hà Nội 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 70 triệu USD, bằng 42% cùng kỳ năm 2014 và đạt 30% kế hoạch cả năm 2015.
Trong đó, các dự án đăng ký đầu tư mới đều có quy mô nhỏ. Tính cả 12 dự án FDI đăng ký từ đầu năm đến nay mới đạt gần 9 triệu USD. Các dự án này chủ yếu của nhà đầu tư Hàn Quốc thuê lại nhà xưởng của doanh nghiệp Việt Nam ngừng hoạt động.
Ông Phạm Khắc Tuấn, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội thừa nhận, số vốn thu hút đầu tư đạt khá thấp. “Lý do chính là giá chuyển nhượng hạ tầng và giá thuê đất tại các KCN của Hà Nội cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với các địa phương lân cận”, ông Tuấn lý giải. Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết Luật đầu tư năm 2014 cũng gây ảnh hưởng không nhỏ.
Vì những khó khăn trên, Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội đã hạ chỉ tiêu thu hút đầu tư vào KCN năm 2015 xuống còn 120 triệu USD.
Trước đó, Sở KH&ĐT Hà Nội cũng cho biết, thu hút vốn đầu tư, đặc biệt nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), là một trong những ưu tiên nhằm tạo sức bật cho kinh tế Thủ đô trong thời gian tới.
Mục tiêu của Hà Nội là không chạy theo số lượng, chỉ lựa chọn những dự án có giá trị gia tăng lớn với hàm lượng công nghệ, chất xám cao.
Tuy nhiên, đây là công việc không dễ với Hà Nội. Cuộc khảo sát do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) thực hiện gần đây cho thấy, lý do các nhà đầu tư chọn Hà Nội để đầu tư chủ yếu vì cơ hội kinh doanh (65%). Các yếu tố còn lại đều không cao, cơ sở hạ tầng 29%, chất lượng nguồn lao động 19%, quy mô thị trường 39%. Đặc biệt, tính hấp dẫn từ chất lượng điều hành tốt chỉ chiếm 3%.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, cơ hội thu hút công nghệ cao của Hà Nội là khó vì họ thường quan tâm hơn đến chất lượng điều hành.
Vốn ngoại vào TP.HCM tăng mạnh
Cùng với việc thu hút vốn khó khăn, thời gian vừa qua, có thể thấy sự chuyển dịch mạnh của dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ cao ở các địa phương lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng với hàng loạt dự án tỷ đô của Samsung, LG, Posco… song chưa có dự án nào dừng chân tại Hà Nội.
Trong khi đó, Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM lại cho biết, từ đầu năm đến nay gần 300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào TP.HCM
300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào TP.HCM có tổng vốn đăng ký hơn 2 tỉ USD.
Ngoài ra, có 55 dự án đang hoạt động tăng vốn đầu tư thêm 411 triệu USD. Tính cả dự án cấp mới và tăng vốn, số vốn đã tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nổi bật là dự án Công ty TNHH liên doanh Thành Phố Đế Vương đầu tư thực hiện dự án khu phức hợp tháp quan sát (Empire City) trong khu lõi trung tâm của khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM).
Dự án có tổng mức đầu tư tương đương 1,2 tỉ USD.
Dự án Xây dựng và phát triển Khu Sài gòn Silicon City của Công ty cổ phần Công viên Sài gòn Silicon có tổng số vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD.
Trung tuần tháng 7 vừa qua, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã cấp phép cho Dự án trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) do Quỹ Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ) đầu tư. Dự án này có tổng mức đầu tư giai đoạn đầu là 70 triệu USD, dự kiến được xây dựng trên diện tích 15 ha.
Mới nhất là việc Tập đoàn Jabil (Hoa Kỳ) được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư tăng vốn thêm 500 triệu USD để mở rộng sản xuất của nhà máy tại SHTP.
Một dự án khủng nữa nhiều khả năng sẽ được cấp phép trong năm nay, đó là dự án đầu tư mở rộng của Khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung (SEHC). Trước đó, vào trung tuần tháng 5/2015, dự án có tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD này đã được khởi công xây dựng tại SHTP trên diện tích 70 ha.
Cùng với đó, năng suất lao động tại khu công nghệ cao của TP.HCM cũng tăng vọt. Theo thông tin từ ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (KCNC) TPHCM cho biết, mỗi lao động ở đây tạo giá trị xuất khẩu đạt gần 145.000 USD, gấp hơn 7 lần so với bình quân của các khu chế xuất-khu công nghiệp ở TPHCM.
An An (tổng hợp)
Theo Báo Đất Việt