Trong nhiều năm qua, ngân hàng ACB vẫn loay hoay xử lý các khoản tiền gửi liên ngân hàng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Việc trích lập dự phòng đã "ăn lẹm" vào kết quả lợi nhuận là một minh chứng cho thấy cái giá mà ACB phải trả cho sai lầm - ham lãi suất cao.
VDSC: "Điều chỉnh tỷ giá, không sớm thì muộn"
- Cập nhật : 24/08/2015
(Tin kinh te)
Với quan điểm nhất quán của NHNN cùng với con số dự trữ ngoại hối hiện có, CTCK VDSC cho rằng kỳ vọng về việc phá giá có chăng chỉ giữ nguyên chứ không thuyên giảm.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo chiến lược tháng 8/2015, trong đó có đề cập về chi phí cơ hội để ổn định củatỷ giá USD/VND.
Trong những ngày cuối tháng 7/2015, thị trường tiền tệ tiếp tục có sự biến động khi tỷ giá trên thị trường tự do tiến sát mốc 22.000 đồng/USD, vượt trần quy định của NHNN trong khi tỷ giá giao dịch tại các NHTM cũng giao dịch sát mức trần.
Quy luật thông thường đối với biến động tỷ giá thường rơi vào đầu năm, đầu quý 2, khoảng thời gian từ giữa đến cuối quý 3 và diễn biến năm nay cũng tương tự. Trong lần biến động này, NHNN tiếp tục đưa ra thông điệp khẳng định cam kết giữ biên độ phá giá tiền đồng 2% trong năm 2015 và công bố dự trữ ngoại hối đạt 37 tỷ USD ( tương đương 2,6 tháng nhập khẩu bình quân hiện tại) đủ khả năng để đảm bảo cam kết.
Trong nửa đầu năm, những mặt hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu là mặt hàng trong ngành khai khoáng, nông nghiệp, thủy sản…Việc suy giảm xuất khẩu của các mặt hàng này có liên hệ mật thiết với sự sụt giảm giá hàng hóa tuy nhiên, không thể phủ nhận việc giữ ổn định tỷ giá cũng tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các ngành trên.
Theo nghiên cứu công bố vào tháng 5/2015 của VEPR, năm ngành bị tác động tiêu cực từ việc định giá đồng VND cao gồm nông nghiệp, khai khoáng, chế biến nông nghiệp, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động và công nghiệp nặng. Trong khi đó, hai ngành hưởng lợi là công nghiệp chế tạo thâm dụng vốn và dịch vụ.
Tình hình hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các ngành trong hơn nửa đầu năm 2015 đã cho thấy kết quả nghiên cứu trên khá phù hợp. Sản xuất công nghiệp đang là đầu tàu và là động lực tăng trưởng kinh tế chính trong nửa đầu năm, ngoài ra tiêu dùng cũng khởi sắc so với giai đoạn trước.
Trong khi đó, khu vực nông nghiệp, thủy sản lại chứng kiến sự sụt giảm về giá trị sản xuất và gặp khó khăn tại một số thị trường xuất khẩu. Ngành khai khoáng giữ được mức tăng trưởng về sản lượng sản xuất nhưng ghi nhận mức tăng trưởng âm về giá trị xuất khẩu. Trong bản Báo cáo chiến lược tháng 8/2015, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, cộng hưởng lại, tăng trưởng kinh tế vẫn đang đúng kỳ vọng, việc phá giá tiền đồng chưa phải áp lực cấp bách, nhưng chắc chắn vẫn là áp lực.
VDSC cũng cho rằng, áp lực trên sẽ gia tăng từ nay đến cuối năm liên quan đến một chuỗi các yếu tố đan xen gồm khả năng FED nâng lãi suất trong tháng 09/2015; áp lực nhập siêu trong những tháng cuối năm; biến động đồng tiền của các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam (EU, ASEAN, Nhật Bản…), suy giảm tăng trưởng kinh tế của nước láng giềng Trung Quốc.
“Với quan điểm nhất quán của NHNN cùng với con số dự trữ ngoại hối hiện có, chúng tôi cho rằng kỳ vọng về việc phá giá có chăng chỉ giữ nguyên chứ không thuyên giảm. Việc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam có thể hình dung đơn giản là “không sớm thì muộn”, VDSC nhận định.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)