Lương 20-40 triệu đồng một tháng, phụ cấp 2-3 triệu đồng nhưng thu nhập của quản lý cấp trung ngân hàng tại Việt Nam có thể cao gấp đôi nhờ thưởng hiệu suất công việc.
Ngân hàng chạy đua ứng dụng trên điện thoại
- Cập nhật : 25/08/2015
(Tin kinh te)
Chấp nhận thẻ qua điện thoại thông minh, cho phép đăng tải và tìm kiếm các sản phẩm khuyến mãi ngay trên smartphone, chuyển nhận - tiền sau vài cú click chuột... là những ứng dụng được các ngân hàng đẩy mạnh thời gian qua để thu hút khách.
Đầu tháng 5 vừa qua, Sacombank đã phối hợp với một đối tác đưa ra ứng dụng eShop chạy trên thiết bị di động. Theo đó, eShop cho phép đơn vị chấp nhận thẻ thiết lập và đăng tải các chương trình khuyến mãi, mức ưu đãi, giảm giá, đồng thời quản lý, cập nhật việc bán hàng, thông tin khách hàng... ngay trên điện thoại di động.
Còn với chủ thẻ, ứng dụng này sẽ hỗ trợ việc tìm kiếm các chương trình khuyến mãi, ưu đãi dịch vụ du lịch, ăn uống, thời trang, mua sắm, làm đẹp… từ các đơn vị chấp nhận thẻ liên kết với ngân hàng và thanh toán trực tuyến (chấp nhận cả thẻ nội địa lẫn quốc tế của Sacombank) thông qua thiết bị di động.
Một ứng dụng khác là mPOS - dịch vụ chấp nhận thẻ qua điện thoại thông minh cũng được các ngân hàng như Sacombank, TPBank, VietinBank... gần đây triển khai rầm rộ.
Theo đó, chỉ với một thiết bị đọc thẻ di động nhỏ gọn gắn vào smartphone (sử dụng hệ điều hành Android hoặc iOS) qua cổng tai nghe sẽ có chức năng như một máy cà thẻ (POS) chấp nhận thanh toán bằng thẻ cho khách hàng ở bất cứ đâu.
Làm việc ở một công ty nước ngoài, công việc bận rộn khiến chị Thu Nga không có nhiều thời gian ra ngoài mua sắm, cộng với cũng ngại thanh toán tiền qua mạng nên chỉ có thể sắp xếp chuyện này vào những ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, chị cho biết, thói quen ấy đã hoàn toàn thay đổi khi giờ đây chỉ cần có trong tay chiếc thẻ ngân hàng sẽ được người bán đến tận nơi cà thẻ.
Hơn nữa, với thiết bị mPOS này, người bán hàng sẽ có lợi thế chi phí thấp (tiết kiệm 50% so với POS thông thường) lại gọn nhẹ, dễ sử dụng, dễ kết nối. Ứng dụng này chấp nhận các loại thẻ nội địa lẫn quốc tế, tiện lợi để các nhà hàng tính tiền tại bàn, thức ăn nhanh, taxi, bán hàng giao tận nơi...
Hay như Ngân hàng Quân Đội, tận dụng việc các giao dịch thanh toán hiện nay đều có thể thông qua các Apps (ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động), nhà băng này đã liên kết với Viettel cho ra dịch vụ BankPlus - nhận, chuyển tiền tận nhà hoặc thông qua mạng lưới của Viettel trên toàn quốc. BankPlus hiện có trên 2,2 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ, đạt 1,6 triệu giao dịch với 1.200 tỷ đồng một tháng.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng đua tung ra các loại tiện ích ứng dụng trên mobile có chức năng tích lũy điện tử, chuyển tiền và thanh toán trên di động... để gia tăng dịch vụ cộng thêm cho khách.
Đại diện Sacombank cho biết, dịch vụ mPOS dù mới ứng dụng chưa lâu nhưng tỷ lệ sử dụng liên tục gia tăng qua các tháng. Trong khi đó, với eShop, sau khi đưa vào sử dụng, ngân hàng đã tiếp cận được thêm một số khách hàng lớn như các công ty bảo hiểm, dịch vụ du lịch, bán hàng trực tuyến,…
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu, ông Nguyễn Thanh Toại nhấn mạnh, thị trường Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội khi số lượng điện thoại nhập khẩu ngày càng tăng vọt, trong đó đa phần là dòng smartphone. Đi cùng sự tăng trưởng này là sự phát triển của các dịch vụ liên quan đến mobile được dự báo càng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Hiện nay, việc kết nối liên thông với hệ thống ATM/POS của các ngân hàng trên phạm vi toàn quốc đã đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của nền kinh tế. "Bên cạnh đó, số lượng phát hành thẻ tăng nhanh, tất yếu đòi hỏi các nhà băng phải cho ra đời hệ thống thanh toán thẻ, thiết bị đọc thẻ hiện đại như mPOS nhằm đáp ứng nhu cầu", một chuyên gia kinh tế tại TP HCM nói.
Đại diện của Sacombank nhìn nhận thêm, dịch vụ ngân hàng điện tử nói chung và các dịch vụ liên quan đến mobile nói riêng đang mang lại lợi ích rất lớn không chỉ cho phía khách hàng, mà cho chính các ngân hàng đang triển khai.
Bởi theo ông, những công nghệ này giúp giảm thiểu việc đầu tư nhân lực dàn trải, tiết kiệm chi phí cơ sở vật chất, hạ tầng, chi phí in ấn, lưu chuyển hồ sơ… so với các phương thức giao dịch truyền thống. Còn khách hàng tiết kiệm được thời gian, công sức khi có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng hơn rất nhiều so với trước đây.
Phó tổng giám đốc OCB Trương Đình Long cũng nhận xét, hầu hết các ngân hàng hiện nay đều có ứng dụng Internet Banking và Mobile Banking - đặc biệt là ứng dụng Mobile App dành cho smartphone.
Tại OCB, ông cho biết dịch vụ ngân hàng điện tử đang là mối quan tâm hàng đầu của Ban lãnh đạo. Tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ này cũng không ngừng gia tăng. Số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ đã vượt qua con số 100.000 khách hàng. Giá trị giao dịch chuyển tiền của khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử trong 5 tháng đầu năm 2015 đạt 250 tỷ đồng mỗi tháng, trong đó riêng giá trị giao dịch thanh toán đạt 25 tỷ.
Tuy nhiên, ông thừa nhận, hiện nay rủi ro giao dịch cũng là vấn đề cần quan tâm. Ngoài ra, để thu hút khách hàng, các nhà băng phải không ngừng đầu tư và cập nhật liên tục dịch vụ mới để thu hút khách hàng và việc đầu tư đòi hỏi lượng vốn khá lớn để có thể chọn được một công nghệ hiện đại phù hợp.
Về độ bảo mật, với dịch vụ thanh toán qua mobile, đại diện Sacombank cho biết ngân hàng áp dụng công nghệ bảo mật cao theo tiêu chuẩn quốc tế và chấp nhận tất cả loại thẻ mang thương hiệu MasterCard và Visa. Sau khi thanh toán thành công, chủ thẻ sẽ ký xác nhận hóa đơn bằng cách chạm hoặc viết trên màn hình smartphone, đồng thời nhập địa chỉ email để nhận hóa đơn.
Thế nhưng, theo ông, hiện nay các ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai các ứng dụng này vì phần lớn khách hàng vẫn muốn nhận hóa đơn giấy thay vì hóa đơn điện tử gởi qua email.