Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa thông báo tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với một số ngoại tệ áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 11/11/2015 đến 20/11/2015.
Ba điểm chính trong thông điệp tỷ giá
- Cập nhật : 24/08/2015
(Tin kinh te)
Với ba điểm này, xác suất tiếp tục điều chỉnh tỷ giá từ nay đến những tháng đầu năm 2016 là cực thấp...
Ngày 19/8, lần thứ hai chỉ trong vòng một tuần Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những điều chỉnh về tỷ giá. Thông điệp đưa ra lần này có một số điểm đáng chú ý.
Quá nửa ngày giao dịch 19/8, quy mô trên thị trường liên ngân hàng được cập nhật tới Thống đốc Nguyễn Văn Bình là khoảng 1,2 tỷ USD. Riêng con số này cũng đã vượt trội so với quy mô từ 500 - 600 triệu USD những ngày sau sự kiện nới biên độ tỷ giá từ 12/8 vừa qua.
Trong lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 7/5/2015, quy mô giao dịch sau đó ghi nhận ở khoảng 700 triệu USD, đã được xem là sự cởi mở hơn của thị trường.
Lần này, không dừng lại ở 1,2 tỷ USD, con số chốt ngày cho thấy sự đột biến tới gần 2 tỷ USD. Thị trường đã có sự đồng thuận lớn về thanh khoản. Nói cách khác, đã có sự hài lòng sau các điều chỉnh của chính sách để có nhiều quyết định bán ra, tạo quy mô giao dịch lớn như vậy.
Đó là phản ứng nhanh trên thị trường, một phần do thông điệp Ngân hàng Nhà nước đưa ra đã giúp các thành viên xác định kỳ vọng của mình.
Thứ nhất, điểm đáng chú ý nhất trong thông cáo nhà điều hành đưa ra là: với việc tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và với biên độ +/-3%, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016.
Nếu ngày 12/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã không đưa ra một khẳng định chắc chắn kiểu cam kết quen thuộc về hướng điều hành tỷ giá trong tương lai (chủ yếu là phản ứng nhanh mang tính thăm dò, vì diễn biến phá giá đồng Nhân dân tệ còn phức tạp), thì lần này lại được xác định một cách cụ thể về quãng thời gian nói trên.
“Không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016”, có thể hiểu trong khoảng thời gian đó nhà điều hành sẽ không tiếp tục điều chỉnh nữa, mà lần điều chỉnh kép ngày 19/8 là đã “đủ lớn”.
Vì sao Ngân hàng Nhà nước xác định khoảng thời gian trên, bao gồm cả những tháng đầu năm 2016? Vì theo diễn biến những năm gần đây, đó là quãng thời điểm kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá thường xuất hiện và nổi bật trên thị trường. Nay, với thông điệp trên, Ngân hàng Nhà nước đã gián tiếp hạn chế kỳ vọng đó.
Thứ hai, trong thông điệp điều chỉnh kép ngày 19/8, nguyên do đưa ra gần như không xuất phát từ áp lực phá giá đồng Nhân dân tệ.
Ngay cả những lý giải sau đó của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trên báo chí cũng không đề cập đến, mà chỉ nhắc lại sự liên quan trong phản ứng chính sách ngày 12/8 vừa qua.
Thay vào đó, cả trong thông cáo ngày 19/8 và trong lý giải của Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, lý do trực tiếp là “tâm lý thị trường còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm điều chỉnh tăng lãi suất USD”.
Với lý giải đó, lần điều chỉnh kép này Ngân hàng Nhà nước chủ động đi trước, nhằm xóa bỏ kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng từ chờ đợi “cú hích” lãi suất của FED. Trong thông cáo cũng nêu rõ là nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi từ khả năng này.
Nói cách khác, Ngân hàng Nhà nước chủ động đi trước để xóa bỏ hoặc có thể hạn chế kỳ vọng thị trường đối với khả năng FED sẽ nâng lãi suất sắp tới, thay vì phải chống đỡ thụ động sau khi có tác động.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Khẳng định trên củng cố cho định hướng giữ ổn định tỷ giá trong biên độ cho phép, sau khi đã điều chỉnh ngày 19/8, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016.
Với những thông điệp trên, kỳ vọng tỷ giá tiếp tục tăng hay Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh từ nay đến những tháng đầu năm 2016 đã được giới hạn.
Với các ngân hàng thương mại, việc găm giữ chờ đợi tỷ giá tăng tiếp một mặt phải tính toán đến giới hạn trên, mặt khác hẳn sẽ nhìn sang lợi ích từ lãi suất VND trên liên ngân hàng đang hấp dẫn.
Với các doanh nghiệp, hẳn họ cũng đang tính toán việc găm giữ ngoại tệ với “lãi suất bèo”, trong khi từ nay đến những tháng đầu năm 2016 Ngân hàng Nhà nước đã giới hạn kỳ vọng tăng tỷ giá một cách rõ ràng như trên.
Trong khi đó, không nhiều doanh nghiệp có điều kiện để “chôn” một lượng vốn lớn ở ngoại tệ trong khoảng thời gian Ngân hàng Nhà nước xác định giữ ổn định tỷ giá trong biên độ đã có, nhất là mùa cao điểm sản xuất kinh doanh, mùa cao điểm thanh toán cuối năm đã gần kề.
Với thị trường nói chung, sau khi cam kết giữ ổn định không quá 2% phải thay đổi trước những tác động lớn, khách quan và khó lường tính, chính sách điều hành tỷ giá đã có một “khung” định hướng mới là giữ ổn định trong biên độ cho phép từ nay cho đến những tháng đầu năm 2016.