Ngày 29-8, tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Cục Hải quan TP.HCM và Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư đã chia sẻ và giải đáp nhiều vướng mắc về thủ tục cho các doanh nghiệp.
Tỷ giá vẫn thiếu sự chủ động
- Cập nhật : 31/08/2015
(Tin kinh te)
Trong vòng một tuần, từ ngày 12 đến 19-8-2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hai lần nâng biên độ giao dịch tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ (VND/USD) từ 1% lên 2%, rồi 3%. Đồng thời, NHNN còn phá giá VND/USD 1%
Lý do được NHNN đưa ra cho lần nâng biên độ hôm 12-8 là nhằm ứng phó với việc Trung Quốc bất ngờ giảm tỷ giá nhân dân tệ (NDT), còn lần sau là nhằm ứng phó với những bất lợi của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có khả năng sẽ sớm nâng lãi suất đô la Mỹ.
Với hai lần điều chỉnh biên độ và phá giá liên tiếp trong vòng một tuần, tiền đồng đã bị phá giá 3% theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng công bố của NHNN và 4,5% theo tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường so với đầu năm 2015, có nghĩa là cam kết không giảm giá VND/USD quá 2% trong năm của NHNN đã bị phá bỏ.
Điều này đặt ra câu hỏi về cách thức, khả năng dự báo và kiểm soát tỷ giá của NHNN?
Những tuyên bố của NHNN khi điều chỉnh tỷ giá và biên độ dao động thoạt nhìn rất hợp lý nhưng thực tế cho thấy sự thụ động trong chính sách tỷ giá trước diễn biến của kinh tế thế giới.
Điều này thể hiện ở chỗ, việc đồng NDT giảm giá ngày 11-8-2015 là kết quả của sự thay đổi chính sách tỷ giá từ cố định sang thả nổi có kiểm soát, hơn là việc phá giá có chủ đích bằng cách thay đổi mức tỷ giá tham chiếu liên ngân hàng. Liền tức thì, ngay hôm sau, NHNN đã ứng phó bằng cách nâng biên độ dao động từ 1% lên 2%.
Những tuyên bố của NHNN khi điều chỉnh tỷ giá và biên độ dao động thoạt nhìn rất hợp lý nhưng thực tế cho thấy sự thụ động trong chính sách tỷ giá trước diễn biến của kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, việc hai ngày sau đó NDT tiếp tục bị mất giá gần 3% do tác động của “chính sách tỷ giá thả nổi có kiểm soát” đã làm cho những ứng phó của NHNN trở nên không đủ. Rốt cuộc, NHNN đã buộc phải điều chỉnh tỷ giá và biên độ giao dịch lần thứ hai với lý do đón đầu thị trường, ứng phó với việc FED chuẩn bị tăng lãi suất. Thực ra, dự báo FED tăng lãi suất đã có rất lâu, trước khi NDT bị mất giá.
Thực tế trên cho thấy việc kiểm soát tỷ giá thiếu cái nhìn sâu rộng các diễn biến kinh tế trên thế giới, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, để có chính sách tỷ giá chủ động và phù hợp hơn.
Đối với kinh tế vĩ mô trong nước
Năm 2014, NHNN đã cam kết không hạ giá VND/USD quá 2% và cũng đã thực hiện được cam kết này trong bối cảnh Việt Nam đạt được những thành công đáng kể trong việc kiểm soát lạm phát; cán cân thương mại, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư lớn; dự trữ ngoại tệ gia tăng đáng kể; tình trạng đô la hóa, vàng hóa giảm mạnh,…
Với đà thành công của năm 2014, NHNN tiếp tục “đặt chỉ tiêu” không để tiền đồng mất giá quá 2% so với đô la Mỹ trong năm 2015. Tuy nhiên, năm 2015 là câu chuyện khác so với năm 2014 khi mà nền kinh tế trong nước mặc dù tiếp tục có sự phục hồi nhưng đi kèm với đó thâm hụt cán cân thương mại tăng trở lại, đặc biệt là thâm hụt trầm trọng với người láng giềng Trung Quốc - cũng là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu.
Thâm hụt thương mại đã làm giảm thặng dư cán cân thanh toán tổng thể so với các năm trước. Điều này đồng nghĩa là nguồn cung ngoại tệ không dồi dào như trước trong khi áp lực gia tăng dự trữ bắt buộc của NHNN ngày càng lớn do sự tăng trưởng của nhập khẩu. Kết quả là cán cân cung cầu ngoại tệ đã không còn cân bằng mà ngày càng gây áp lực phá giá lên tiền đồng.
Tình hình kinh tế thế giới
Diễn biến kinh tế thế giới năm 2015 cũng rất bất lợi đối với việc ổn định tỷ giá của Việt Nam, đặc biệt là các diễn biến tại các nền kinh tế ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Ở châu Âu, mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện chính sách lãi suất thực âm trong năm 2014 nhưng đúng như dự đoán của các chuyên gia, nền kinh tế các nước thành viên đồng tiền chung châu Âu tiếp tục trì trệ đã buộc ECB thực hiện chính sách nới lỏng định lượng quy mô lớn ngay trong đầu năm 2015. Điều này cộng với tác động của cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp đã làm cho đồng euro tiếp tục mất giá trầm trọng so với đô la Mỹ. Sự mất giá này làm cho tiền đồng vốn neo chặt vào đô la Mỹ tăng giá mạnh so với euro và kết quả là hàng hóa Việt Nam vào khu vực EU trở nên đắt đỏ hơn.
Ở Mỹ, nền kinh tế Mỹ có đà tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường việc làm tiếp tục được cải thiện và tỷ lệ thất nghiệp đến tháng 7-2015 chỉ còn 5,3% như mong muốn của FED. Với những kết quả này, FED dự tính sẽ sớm nâng lãi suất đồng đô la Mỹ trong năm nay, thậm chí là vào tháng 9-2015, nhằm đưa lạm phát lên mức mục tiêu 2% cũng như ngăn chặn sự hình thành bong bóng tài sản do việc duy trì lãi suất siêu thấp của đô la Mỹ trong nhiều năm qua. Điều này đã làm cho đồng đô la Mỹ tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới.
Trong khi đó, tiền đồng đáng lẽ phải được điều chỉnh giảm giá ngay khi nền kinh tế Mỹ có những dấu hiệu chuyển biến tích cực thì lại tiếp tục bị kìm giữ bởi cam kết 2%.
Ở Trung Quốc, những dấu hiệu về suy giảm tăng trưởng đã xuất hiện những năm gần đây nhưng trong năm 2015 vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi thị trường chứng khoán và xuất khẩu cùng giảm mạnh. Kinh tế Trung Quốc yếu hơn cộng với việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thay đổi chính sách tỷ giá từ cố định sang thả nổi có kiểm soát đã làm cho đồng NDT bị mất giá 3% so với đầu năm 2015. Sự mất giá của NDT chính là giọt nước làm tràn ly cho việc phá giá hơn nữa của VND.
Như vậy, có thể thấy rằng những biến động lớn của các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tác động xấu đến giá trị của tiền đồng trong năm 2015, tuy nhiên những biến động này đã không được dự báo một cách đầy đủ và chính xác để tạo sự chủ động trong chính sách tỷ giá. Kết quả là cam kết tỷ giá của NHNN đã không được giữ vững, gây nên những biến động bất ngờ trên thị trường ngoại tệ, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, làm giảm niềm tin của thị trường đối với chính sách của NHNN.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)