Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông…
Tỉ giá biến động mạnh vì sao?
- Cập nhật : 28/03/2018
Tỉ giá VND/USD đã bật tăng mạnh từ tuần trước nối tiếp sang tuần này, hiện đã lên trên mức 22.800, gần bằng mức đỉnh đạt được một năm trước và là mức cao nhất trong lịch sử.
Diễn biến tỉ giá này là một điều khá ngạc nhiên với nhiều người, xét trong bối cảnh dự trữ ngoại hối đã tăng liên tục, đã đạt gần 60 tỷ USD (theo các thông tin gần đây) – mức cao nhất trong lịch sử dự trữ ngoại hối ở Việt Nam. Trong khi đó, cán cân thương mại vẫn đang ở mức thặng dư mấy tháng đầu năm, với mức xuất siêu hàng tỷ USD. Xét về mặt tâm lý, hai yếu tố này là đủ để nâng đỡ và giúp cho sự ổn định của tỉ giá, bởi nhà đầu tư thường có thái độ "trông giỏ bỏ thóc", và họ sẽ tự tin hơn khi thấy nguồn cung USD ở Việt Nam sẽ không gặp trở ngại gì lớn.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ thì sẽ thấy tỉ giá tăng đáng kể trong thời gian gần đây là một xu hướng tất yếu, bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố cơ bản quyết định chiều hướng tỉ giá.
Thứ nhất, về dự trữ ngoại hối, có thể đúng là nó đã tăng nhanh và đạt được mức cao lịch sử. Nhưng, như đã đề cập đến nhiều lần, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức cao lịch sử mới chỉ là tính trên mức độ tuyệt đối. Còn trên mức độ tương đối, dự trữ ngoại hối của Việt Nam mới chỉ ở mức "sạch nước cản", chỉ tương đương khoảng đúng 3 tháng nhập khẩu của Việt Nam, là mức tối thiểu được quốc tế khuyến nghị để đảm bảo an toàn vĩ mô.
Quan trọng hơn, xét cho cùng, dự trữ ngoại hối cũng chỉ phản ánh (và là kết quả của) chênh lệch cung cầu USD – là yếu tố quyết định diễn biến tỉ giá VND/USD. Nên sự ổn định của tỉ giá trong hai năm qua cho đến những tháng đầu năm nay có được không phải là do dự trữ ngoại hối tăng liên tục, mà thực chất là trực tiếp bởi nguồn cung USD dồi dào so với cầu USD tại Việt Nam.
Khi cung USD tăng nhanh hơn cầu USD, tỉ giá sẽ có xu hướng giảm đi (VND mạnh lên so với USD). Do điều này là không có lợi cho xuất khẩu nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải mua vào USD để giảm áp lực tăng giá VND. Việc này đã góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối. Nói cách khác, dự trữ ngoại hối không phải là chỉ báo hay yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định tỉ giá – điều hay được đề cập đến khi phân tích và dự đoán xu hướng tỉ giá ở Việt Nam.
Thứ hai, xét về nguồn cung USD. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính chung trong quý 1/2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 5,8 tỷ USD, giảm tới 24,8% so với cùng kỳ 2017. Trong khi đó, tuy không có số liệu chính thức về vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong quý này, nhưng căn cứ vào hành động bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán trong hai tuần qua thì cũng có thể suy đoán rằng dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Như vậy, giả sử các yếu tố khác không thay đổi, sự tụt giảm nguồn cung USD từ nhà đầu tư nước ngoài (cả gián tiếp lẫn trực tiếp) đã và sẽ tiếp tục tạo áp lực làm suy yếu VND, tức làm tăng tỉ giá VND/USD.
Nếu lập luận rằng cung USD cũng được hậu thuẫn bởi cán cân thương mại thặng dư trong quý 1 này, thì đây là điều chưa chắc chắn. Nên nhớ rằng các hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa thường phải được thanh toán trước khi diễn ra hoạt động thông quan tại cơ quan hải quan, nơi đưa ra thống kê thương mại hàng tháng. Do đó, cho dù thương mại trong quý có đạt được thặng dư nhưng rất có thể dòng tiền đã chảy vào nền kinh tế từ trước đó cả một thời gian chứ không đợi đến khi hàng hóa nhập vào hoặc xuất đi một cách vật lý qua biên giới. Nói cách khác, dù có thặng dư thương mại trong tháng này, quý này, nhưng điều này không có nghĩa là Việt Nam đã thu được từng đó ngoại tệ trong cùng tháng, cùng quý.
Thứ ba, xét về cầu USD. Thống kê cho thấy trong vòng 5 tuần vừa qua, NHNN đã hút ròng lượng tiền khổng lồ, lên đến 147.800 tỷ đồng (riêng tuần qua là 20.200 tỷ đồng, so với 58.100 tỷ đồng tuần trước đó). Điều này chứng tỏ đã có sự dư thừa lớn về thanh khoản tiền đồng trong thời gian dài, gây áp lực lên không chỉ lạm phát mà có thể là còn tỉ giá, vì nhà đầu tư có nhiều hơn một lượng tiền đồng sẵn sàng đổi lấy cùng một lượng USD có sẵn trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc Fed tăng lãi suất tại Mỹ gần đây (và sắp tới trong năm nay) cũng làm tăng cầu USD ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam, để đầu tư vào Mỹ và/hoặc các tài sản tài chính niêm yết bằng USD.
Tóm lại, xét tổng quát về cung cầu USD trong thời gian qua tại Việt Nam, có thể nhìn thấy rõ áp lực làm tỉ giá tăng hơn là ổn định.
Tỉ giá VND/USD trong 5 năm qua (Nguồn: xe.com)
Theo Infonet