Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank
Đầu tư thông qua M&A sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới
- Cập nhật : 31/08/2015
(Tin kinh te)
Trong bối cảnh, vẫn còn tới 21 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã cam kết, nhưng chưa được giải ngân, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã phải ra văn bản “thúc” tiến độ giải ngân các dự án.
Hoạt động M&A không ngừng gia tăng
Nhận định về hoạt động M&A tại Việt Nam, các chuyên gia đánh giá, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư trong nước, hoạt động M&A tại Việt Nam đã không ngừng gia tăng. Theo báo cáo mới nhất được công bố trong Diễn đàn M&A Việt Nam 2015, hoạt động mua bán – sáp nhập tại Việt Nam trong năm 2014 đã tăng trưởng trở lại với mức nhảy vọt 15% so với năm 2013. Giá trị M&A của thị trường đạt 4,2 tỷ USD.
Trong những tháng đầu năm 2015 hoạt động M&A tiếp tục diễn ra sôi động với nhiều thương vụ lớn.
Đáng chú ý các thương vụ này đều diễn ra dưới sự chủ động và mang tính chiến lược cao của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Có thể kể đến như: Về mua lại, có Vingroup và OceanGroup (Ocean mart), Vingroup và Vinatex Mart; Mondelèz International và Công ty Cổ phần Kinh Đô; Power Buy (Tập đoàn Central Group) và Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim; Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) và Citimart, Fivimart. Về thương vụ hợp nhất có sự kiện của BIDV và MHB. Về hoạt động chuyển giao tập trung trong lĩnh vực bất động sản có thương vụ của Gaw Capital Partners và Indochina Land; Gamuda Land Vietnam (Malaysia) và Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal)…
Các yếu tố hỗ trợ
Các chuyên gia cho rằng, hoạt động M&A tại Việt Nam tăng mạnh bởi nhiều yếu tố thúc đẩy. Cụ thể, mới đây Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng nhằm đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế, như: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014 sửa đổi, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi)... Việc thực thi các đạo luật và chính sách quan trọng này đang tạo ra một môi trường pháp lý hoàn thiện hơn, góp phần cải thiện môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung và thị trường M&A nói riêng.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế kinh tế, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn của Việt Nam cũng đang mở ra những cơ hội mới cho hoạt động M&A. Sau 8 năm gia nhập WTO, Việt Nam đang tích cực tham gia xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, triển khai thực hiện các cam kết trong nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan. Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Mặc dù phiên đàm phán vừa kết thúc tại Hawaii chưa đi đến kết thúc, nhưng với nỗ lực từ nhiều năm nay của các nước, khả năng đi đến ký kết hiệp định này là khá lớn.
Một yếu tố khác đang thúc đẩy hoạt động M&A, đó là Chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) của Chính phủ. Và dù tiến trình này còn chậm và chưa đạt được kết quả như mong đợi nhưng các cuộc IPO của các doanh nghiệp lớn trong các ngành như: giao thông vận tải, viễn thông, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm… đang tạo nguồn hàng mới hấp dẫn đối với thị trường M&A. Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Chính phủ cũng đang góp phần làm cho thị trường M&A trở nên phong phú và đa dạng hơn.
Trước đây, nếu các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam dù chỉ 1% cũng phải xin phép, nhưng với các điều kiện thông thoáng theo quy định mới thì các nhà đầu tư nước ngoài mua dưới 49% không còn phải xin phép như trước đây. Đó được xem là một điều kiện tích cực đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tìm kiếm cơ hội ở các doanh nghiệp Việt Nam thông qua hình thức M&A.
Bên cạnh đó, thị trường M&A còn được hỗ trợ bởi xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, trong đó nhiều doanh nghiệp lựa chọn M&A như một chiến lược quan trọng để tái cấu trúc, hướng tới tăng trưởng bền vững.
Nguyên nhân thu hút nhà đầu tư trong hoạt động M&A còn bởi nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, mặt bằng lãi suất giảm, quá trình cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đang được đẩy nhanh và mang lại những kết quả tích cực bước đầu.
Nhiều chuyên gia còn dự báo vốn ngoại vào M&A sẽ còn tăng, thâm chí có thể đạt hàng tỷ USD khi từ tháng 01/10/2015, quy định nới room tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư ngoại theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực.
Các lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm bao gồm kết cấu hạ tầng, năng lượng và bất động sản. Với việc tăng tỷ lệ sở hữu, nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội nắm cổ phần chi phối, từ đó, tham gia sâu hơn vào việc quản trị công ty. Điều này hứa hẹn một làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài vào mua bán sáp nhập các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo các chuyên gia, số lượng các thương vụ sáp nhập trong lĩnh vực sản xuất sẽ tăng trước, vì đây là lĩnh vực không bị áp điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Còn với những lĩnh vực đầu tư có điều kiện, các nhà đầu tư đang hy vọng đến ngày 01/09/2015 tới sẽ có một danh mục rõ ràng .
Với hàng loạt bộ luật quan trọng về đầu tư, kinh doanh được sửa đổi bổ sung và có hiệu lực, dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ được khơi thông để thành động lực thúc đẩy thị trường M&A tại Việt Nam bùng nổ trong thời gian tới.