Bồi thường bảo hiểm là một trong những lĩnh vực thú vị và đầy thử thách. Nó đòi hỏi sự nhanh chóng, công bằng và thật sự chuẩn xác.
TS. Trịnh Quang Anh: Bốn nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng
- Cập nhật : 01/05/2016
(Tin kinh te)
Lãi suất VND được kỳ vọng sẽ ổn định trong cả năm 2016, và thực tế đang cho thấy, rất khó để có thể giảm xuống do nhu cầu vốn cũng như chi phí huy động vốn dần tăng lên.
Thông tin về hoạt động ngân hàng mới nhất trong tuần từ 11-15/4 được NHNN công bố cho biết, so với tuần từ 4 - 8/4, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt 4,75%/năm, 4,86%/năm và 4,93%/năm.
Do vậy, thị trường cũng hết sức quan ngại lãi suất cho vay ra sẽ tăng theo. Đặc biệt, trong bối cảnh Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2016 tăng 0,33% so với tháng trước; tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,33% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,41%.
“Câu chuyện hiển nhiên khi lạm phát đang tăng, làm sao lãi suất giảm xuống được. Đồng thời, với việc NHNN đã có động thái rất rõ ràng trong thời gian tới sẽ siết chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản khiến lãi suất cũng sẽ tăng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói.
Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, lạm phát có biểu hiện tăng cao hơn nhiều trong năm 2016 sẽ khiến khả năng giảm lãi suất trở nên rất hạn chế, gây ảnh hưởng đến khả năng mở rộng sản xuất-kinh doanh của DN, cũng như khả năng tăng vốn đầu tư của DN vào nền kinh tế. Xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, còn khó khăn do tình hình hạn hán và nhiễm mặn phát sinh đang ngày càng gay gắt, nhất là ở các khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Maritime Bank, TS. Trịnh Quang Anh chia sẻ, kể từ giữa năm 2015, số các ngân hàng giảm lãi suất huy động còn rất thưa thớt, trong khi số các ngân hàng nâng lãi suất ngày càng nhiều hơn. Thống kê của NHNN cho thấy, 2 tháng đầu năm 2016, có 15 TCTD tăng lãi suất với mức tăng bình quân từ 0,1-0,2%/năm, trong khi có 6 TCTD giảm bình quân từ 0,1-0,3%/năm. Hiện tại, mặt bằng bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5-5,4%/năm, kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 5,5-7,2%/năm, không thay đổi nhiều so với cuối năm 2015.
Phần lớn các ngân hàng (ở cả 2 khối NHTM cổ phần và NHTM Nhà nước) đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn lên sát mức trần 5,5%/năm, trong khi một số ngân hàng nâng khá mạnh lãi suất đối với các kỳ hạn dài trên 12 tháng.
TS. Trịnh Quang Anh phân tích, có 4 nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng. Thứ nhất, nhu cầu thu hút vốn của TCTD tăng trong bối cảnh rủi ro thanh khoản dự báo sẽ lại xuất hiện, khi tăng trưởng tín dụng liên tục vượt tăng trưởng huy động trong thời gian qua. Theo NHNN, tỷ lệ cho vay/huy động của hệ thống cuối năm 2015 là 87,96%, tăng so với mức 83,67% của năm trước. Tỷ lệ LDR của hệ thống ngân hàng tháng 1/2016 tiếp tục tăng lên mức 89,31%.
Thứ hai, các TCTD cần cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn để đón đầu việc sửa đổi Thông tư 36 của NHNN giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống còn 40%. Tỷ lệ này đã tăng nhanh trong năm 2015 lên mức 31,8% từ mức 20,15% năm 2014 theo công bố của cơ quan quản lý, và thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Thứ ba, lãi suất tăng do kỳ vọng lạm phát năm 2016 sẽ tăng cao hơn nhiều so với mức lạm phát 0,63% của năm 2015. Tổng cục Thống kê đưa ra cảnh báo, lạm phát có thể lên tới 5% do giá điện, y tế, giáo dục sẽ được điều chỉnh tăng mạnh.
Thứ tư, chênh lệch lãi suất VND/USD đã giảm về mức thấp, trong khi lãi suất USD đang trong xu hướng tăng cũng gây áp lực lên lãi suất VND.
“Lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2 có khả năng sẽ tăng rất chậm với mức tăng không vượt quá 0,5%/năm trong nửa đầu năm nay”, TS. Trịnh Quang Anh dự báo.
Thực tế, trong Chỉ thị 01 về định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2016, mục tiêu giảm lãi suất không còn được NHNN đề cập. Thị trường nhận định, đây là một tín hiệu cho thấy, mặt bằng lãi suất đang ở vùng đáy kể từ cuối năm 2011 và khó có khả năng giảm thêm.
Cơ quan quản lý cũng chuẩn bị đối phó với các rủi ro tiềm ẩn đối với thanh khoản hệ thống, bằng việc đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 36 điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và nâng hệ số rủi ro đối với cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%. Với kỳ vọng lạm phát cao hơn, áp lực tăng lãi suất rõ hơn và Thông tư 36 sửa đổi sẽ được ban hành như khẳng định của NHNN, dự báo thời gian tới sẽ có thêm nhiều ngân hàng nâng lãi suất để thích ứng với các điều kiện kinh doanh mới.
Ông John Nelmes, Trưởng đoàn chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tiến hành tham vấn theo Điều IV năm 2016 cho Việt Nam đã phát biểu: “Rủi ro đối với triển vọng kinh tế xuất phát từ hạn hán, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn và tác động lan tỏa từ biến động thị trường tài chính toàn cầu. Nợ công tăng nhanh là một mối quan ngại. Điều đó làm giảm dư địa tài khóa cho điều chỉnh và có thể gây áp lực lên lãi suất trong nước, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến kết quả hoạt động của DN và ngân hàng”.
Lãi suất tăng cũng khiến nhu cầu tín dụng chững lại. Theo tìm hiểu của PV,, tính đến ngày 20/4, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 3%, trong khi huy động đã hơn 4%.
Chủ trì cuộc họp triển khai Nghị quyết số 01/2016/NQ-CP của Chính phủ về hoạt động ngân hàng, thị trường tiền tệ và các nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong năm 2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị, NHNN cần tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và giảm nợ xấu, bảo đảm không tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…
Nhuệ Mẫn
(Theo Báo Đầu Tư)