Nền kinh tế và hệ thống tài chính Việt Nam đang được đánh giá là có mức độ rủi ro thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á.
Các ngân hàng chia cổ tức năm 2017 thế nào?
- Cập nhật : 28/03/2017
Tuy tỷ lệ nợ xấu đã giảm và lợi nhuận được cải thiện, thậm chí vượt kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm 2016, nhưng tỷ lệ chia cổ tức mà các nhà băng dự kiến trình cổ đông trong mùa đại hội năm nay chỉ “nhích” nhẹ so với năm 2015 và chủ yếu chi trả bằng cổ phiếu...
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, hàng loạt ngân hàng sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên để thông qua kế hoạch kinh doanh 2017, bầu lại “ghế nóng” điều hành, cùng với kế hoạch phân chia lãi cổ tức năm 2016. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại thì thông tin chia cổ tức năm 2016 của các ngân hàng vẫn còn khá... kín tiếng.
Chia cổ tức bằng cổ phiếu
Tại Vietcombank (VCB), dự kiến mức cổ tức năm 2016 là 10% như mục tiêu đề ra tại đại hội cổ đông năm 2016 nhưng chia bằng tiền hay bằng cổ phiếu vẫn là dấu hỏi. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, VCB là một trong số ít các ngân hàng vẫn chia cổ tức khá đều đặn và khá cao so với mặt bằng chung. Cụ thể, nếu từ năm 2010-2013, VCB trả cổ tức bằng tiền mặt 12%, thì năm 2014 cổ tức của VCB chỉ còn 10% bằng tiền mặt. Sang năm 2015, cổ tức của VCB vẫn là 10% bằng tiền mặt nhưng nhà đầu tư lại khá bất ngờ khi nhận thêm được cổ phiếu thưởng 35%.
Tương tự, dù có một khoảng thời gian khá “chật vật” vì những tồn tại từ thời bầu Kiên để lại nhưng Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng là nhà băng trả cổ tức khá ổn định cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu so với thời đỉnh cao như những năm 2010-2011 thì mức cổ tức hiện tại cũng còn “thua em kém chị” nhiều. Chẳng hạn, nếu năm 2011 ACB trả cổ tức lên đến 20% bằng tiền mặt thì sang năm 2012 cổ tức chỉ còn 6,85% bằng tiền mặt. Sang năm 2013, 2014 mức cổ tức nhích lên 7% bằng tiền mặt, nhưng sang năm 2015 cổ tức tăng lên 10% nhưng lại bằng cổ phiếu và năm nay thì ACB cũng dự kiến sẽ trả 10% cổ tức bằng cổ phiếu.
Bất ngờ hơn cả là Ngân hàng Quân đội (MBB) tỷ lệ chia cổ tức cho cổ đông cũng không kém cạnh và đa số bằng tiền mặt. Cụ thể, năm 2012 MBB chia 12% cổ tức bằng tiền, năm 2013 chia 8% bằng tiền và 3% bằng cổ phiếu, năm 2014 chia 7% bằng tiền và 3% bằng cổ phiếu, năm 2015 MBB chia cổ tức 5% bằng tiền và 5% bằng cổ phiếu. Dự kiến năm nay MBB chia cổ tức bằng tiền là 6% và 4% bằng cổ phiếu.
Một loạt các nhà băng khác cũng dự kiến mức cổ tức tương đương với năm 2015. Chẳng hạn, Vietinbank dự kiến chia cổ tức 2016 cũng 7%, bằng với 2015, BIDV dự kiến mức cổ tức 7%, NamABank dự kiến chia cổ tức cũng bằng 2015 ở mức 5%, KienLongBank dự kiến mức cổ tức 8%, LienVietPostBank dự kiến mức cổ tức là 6%...
Cổ đông “ức vì cổ tức”
Với nhiều cổ đông ngân hàng, việc chia cổ tức “đã thấp mà còn bằng cổ phiếu” khiến nhiều người bất bình nhưng trên thực tế, họ vẫn còn khá may mắn hơn nhiều cổ đông ngân hàng khác đã nhiều năm nói không với cổ tức. Trong nhóm các ngân hàng này, phải kể đến những cái tên như Techcombank và MaritimeBank khi cổ đông của 2 nhà băng này đã bốn, năm năm qua chưa được “nếm mùi” cổ tức dù ngân hàng vẫn báo lãi đậm.
Còn nhớ mùa đại hội cổ đông năm 2016 của Techcombank, ngay sau phần báo cáo của Hội đồng Quản trị, một số cổ đông đã không đồng ý và lập tức bày tỏ bức xúc về việc không chia cổ tức trong 4 năm liên tục ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông. Thậm chí, nhiều cổ đông Techcombank còn trực tiếp đề nghị đại diện Ngân hàng Nhà nước tham dự tại đại hội này cho biết việc Techcombank không chia cổ tức có được không? Ngoài ra, cổ đông Techcombank cũng bức xúc, trong số 2.215 tỷ đồng lợi nhuận, tổng thù lao năm 2015 của HĐQT là hơn 28 tỷ đồng, tức thù lao mỗi người tới 4-5 tỷ đồng, trong khi cổ đông là chủ Ngân hàng lại không được một đồng cổ tức nào.
Dù vậy, thời điểm hiện tại sau 5 năm lỗi hẹn với cổ đông, việc Techcombank có chia cổ tức năm 2016 không vẫn là dấu chấm hỏi.
Tương tự, với MaritimeBank thì dù kế hoạch năm 2016 với lợi nhuận trước thuế là 190 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với thực hiện năm 2015. Tuy vậy, mức cổ tức dự kiến chi trả năm 2016 tiếp tục là... 0%.
Ngoài 2 ngân hàng trên, “bộ đôi” Eximbank và Sacombank cũng là 2 ngân hàng chưa thể có cổ tức vì đã lỗi hẹn nhiều lần với các kỳ đại hội cổ đông.
Tại Eximbank, ngoài những tranh cãi gay gắt trong trong năm 2015, 2016 khiến đại hội cổ đông không thể triển khai, tình hình “sức khỏe” của ngân hàng này cũng là vấn đề mà chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ có những can thiệp đến vấn đề chi trả cổ tức. Chưa kể, phần lớn lợi nhuận của Eximbank (hơn 1.000 tỷ đồng, khoảng 70%) hiện đang bị bào mòn bởi trích lập dự phòng.
Tương tự, Sacombank cũng lỗi hẹn nhiều năm với cổ đông về một kỳ đại hội, đồng thời gánh nặng nợ xấu từ Ngân hàng Phương Nam chuyển qua đến thời điểm hiện tại vẫn rất lớn nên chuyện chi cổ tức hẳn là điều vượt quá khả năng của nhà băng này.
“Quán quân” của cổ tức ngân hàng những năm qua là Ngân hàng Quốc Tế (VIB), thời điểm hiện tại cũng chưa công bố mức chia cổ tức. Dù vậy, đây cũng là nhà băng trả cổ tức “khủng” ở mức 24-25% (bằng tiền và cổ phiếu) 2 năm qua.
QUốc Hải
Theo Dân Việt