Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (HSX: STB) vừa có công văn số 1292/2017/CV-TT&Mar gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai sở HNX, HSX để công bố “Đề cử danh sách ứng viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS) Sacombank nhiệm kỳ 2017 – 2021 trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt”.
Theo dõi sát tín dụng bất động sản, BOT giao thông
- Cập nhật : 05/04/2017
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông…
Theo báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tháng 3 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường tiền tệ diễn biến ổn định, thanh khoản VND của các tổ chức tín dụng được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân.
Đến ngày 23/3/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,36% so với cuối năm 2016; huy động vốn tăng 3,07% so với cuối năm 2016, thanh khoản VND của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt.
Mặt bằng lãi suất thị trường trong quý I/2017 diễn biến tương đối ổn định. Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,8-5,4%/năm; 5,6-6,7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; Kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,7-7,4%/năm.
Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Về tỷ giá, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, kết hợp điều tiết linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, duy trì thanh khoản và lãi suất VND liên ngân hàng ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá và không gây sức ép đến lãi suất thị trường (huy động vốn từ dân cư, tổ chức). Tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần và từ giữa tháng 3 bắt đầu giảm và ổn định.
Về hoạt động tín dụng: Khác với xu hướng của các năm gần đây, tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm; đến ngày 23/3/2017 tăng 3,14% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 1,79%) tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80%.
Về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu: hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục duy trì ổn định, chất lượng hoạt động và niềm tin của người dân từng bước được tăng cường; hệ thống tiếp tục thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Hiện NHNN đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu để trình Chính phủ, dự kiến trình dự thảo Luật này để Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp tới.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước để chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp điều hành phù hợp.
Đối với việc điều hành tín dụng: sẽ điều hành các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông; Triển khai cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan triển khai các chính sách tín dụng, xử lý nợ tháo gỡ khó khăn cho người dân tại 4 tỉnh miền Trung; Tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành để xử lý những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh việc triển khai chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ…
Diệu Thùy
Theo Infonet.vn