Vào ngày 24 tháng 8, Họp báo “Ứng dụng sinh thái tín dụng phân quyền Việt Nam” và “Lễ ký kết hợp tác sinh thái tín dụng phân quyền Việt Nam DCC” sẽ được tổ chức tại Hà Nội.
Cuộc đua tăng vốn tỷ USD của các đại gia ngân hàng
- Cập nhật : 29/06/2018
Hệ thống ngân hàng Việt đang và sẽ chứng kiến những đợt tăng vốn "khủng" của hàng loạt ngân hàng để ghi nhận thêm nhiều cái tên sở hữu mức vốn điều lệ trên 1 tỷ USD.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 2, vốn tự có của các tổ chức tín dụng trong hệ thống đang ở mức 514.814 tỷ đồng, tăng 0,47% so với cuối năm 2017. Trong đó, vốn điều lệ của nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước không đổi, ở mức 147.771 tỷ đồng. Có 4 trong tổng số 34 ngân hàng có vốn điều lệ đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm Vietinbank, Vietcombank, BIDV và Agribank.
Tuy nhiên, hàng loạt ngân hàng đang có kế hoạch tăng vốn “khủng” ngay trong năm nay, mà dự kiến khi hoàn tất, vốn điều lệ các nhà băng này cũng sẽ đạt ngưỡng tỷ USD.
Những cái tên tỷ USD mới nổi
Techcombank (TCB) có kế hoạch tăng vốn khủng nhất, từ 11.655 tỷ hiện nay lên 34.965 tỷ đồng (1,53 tỷ USD). Với mức vốn dự kiến tăng 23.311 tỷ, tương đương hơn 1 tỷ USD, đây sẽ là 1 trong 3 ngân hàng niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, vượt cả BIDV và gần bằng Vietcombank.
Theo kế hoạch, thủ tục tăng vốn của nhà băng này sẽ hoàn tất ngay trong tháng 7, thời gian phát hành cổ phiếu sẽ thực hiện trong quý III.
VPBank (VPB) sau khi được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 15.706 tỷ lên gần 25.300 tỷ đồng cũng đã thực hiện những bước đầu kế hoạch của mình. Nhà băng này đã phát hành hơn 925,66 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn Quỹ dự trữ bổ sung và Thặng dư vốn cổ phần.
Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá đạt 9.257 tỷ đồng, tương ứng với mức vốn tăng thêm của ngân hàng này. Vốn VPBank sau khi lượng cổ phiếu phát hành thêm được giao dịch dự kiến khoảng 24.963 tỷ đồng (1,1 tỷ USD).
MBBank cũng là cái tên dự kiến có vốn điều lệ chạm ngưỡng tỷ USD khi đã lên kế hoạch tăng vốn từ 18.150 tỷ đồng hiện nay lên 21.600 tỷ đồng, theo phương án đã được ĐHĐCĐ 2018 thông qua.
Nhà băng này sẽ phát hành hơn 344,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, để trả cổ tức và chia cổ phiếu thưởng.
BIDV cũng đã công bố kế hoạch tăng vốn từ 34.187 tỷ lên 43.638 tỷ đồng (1,9 tỷ USD), thông qua việc chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, đã có khoảng 19/34 ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn ngay trong năm nay, với tổng mức vốn tăng dự kiến khoảng hơn 63.000 tỷ đồng. Như ABBank muốn tăng vốn gấp đôi hiện tại, lên 10.638 tỷ; OCB muốn tăng 50% lên 7.500 tỷ; SeABank tăng 65% lên 9.000 tỷ; Nam A Bank muốn tăng thêm gần 70%, lên 5.000 tỷ; NCB dự kiến sẽ tăng 66%, lên 5.010 tỷ đồng...
Tăng vốn "khủng" để làm gì?
Trao đổi bên lề ĐHĐCĐ bất thường mới đây, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank, cho biết kế hoạch chia cổ phiếu lần này không chỉ tăng tính thanh khoản, tạo thuận lợi cho cổ đông và nhà đầu tư, mà còn giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn để tái đầu tư.
"Đợt tăng vốn này cũng sẽ chuyển đổi nguồn vốn chủ sở hữu có sẵn của ngân hàng thành vốn có thể sử dụng đầu tư, hoặc cho vay tín dụng, nâng hạn mức tín dụng tối đa của Techcombank đối với các khách hàng", vị này cho hay.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cũng giải thích về kế hoạch tăng vốn của ngân hàng mình không chỉ nhằm đáp ứng chuẩn của NHNN, mà còn muốn mức dự trữ vốn của ngân hàng cao hơn bình thường.
“Mặc dù NHNN chưa yêu cầu VPBank phải áp dụng Basel II, nhưng trong nội bộ ngân hàng đã chủ động thực hiện trước việc tăng vốn để đáp ứng”, ông Dũng khẳng định.
Theo quy định của NHNN, các ngân hàng hiện nay chỉ được cho vay tối đa đối với một khách hàng không quá 15% vốn tự có. Ảnh minh họa: A.T.
Tổng giám đốc SHB thì chia sẻ kế hoạch tăng vốn của ngân hàng nhằm mục đích nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh, đảm bảo tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn, đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô tăng trưởng tín dụng, đầu tư.
Trao đổi với Zing.vn, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nói rằng các ngân hàng "hứng thú" với việc tăng vốn không chỉ nhằm đáp ứng chuẩn Basel II tới đây, mà còn nhằm mục đích tăng hạn mức cho vay tối đa của mình.
Theo quy định hiện hành, ngân hàng chỉ được cho vay tối đa với một khách hàng không quá 15% vốn tự có. Như vậy, những ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ 3.000-5.000 tỷ sẽ khó tiếp cận với những khách hàng lớn với các khoản vay hàng nghìn tỷ đồng.
"Khi vốn của một ngân hàng là 5.000 tỷ ngân hàng đó chỉ được cho vay tối đa với một khách hàng không quá 750 tỷ (15%), nhưng khi vốn 20.000-30.000 tỷ thì mức tín dụng tối đa sẽ là 3.000-4.000 tỷ. Điều này cũng giúp quy mô tín dụng các ngân hàng tăng trưởng trong tương lai.
Kế hoạch thì nhà băng nào cũng có, nhưng để thực hiện được lại là một chuyện khác. Câu hỏi đặt ra là tiền đâu để hấp thụ lượng cổ phần phát hành thêm khổng lồ của các ngân hàng trong thời gian tới.
Hoàng Thanh
Theo Zing News