Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank
Bốn 'ông lớn' xin đầu tư mở rộng Tân Sơn Nhất
- Cập nhật : 26/04/2017
Dù điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất mới đang được cơ quan chức năng xem xét, nhưng khá nhiều tên tuổi lớn "xếp hàng" xin được đầu tư dự án nhà ga hành khách mới tại CHK này.
Điểm mặt anh hào
Cái tên đầu tiên phải kể đến trong danh sách những nhà đầu tư đang “xếp hàng” xin được đầu tư vào Nhà ga hành khách T4 tại Tân Sơn Nhất là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP). Nhắc đến IPP, nhiều người nghĩ ngay đến “ông trùm hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn.
Đây không phải lần đầu tiên ông Hạnh Nguyễn tham gia đầu tư trong lĩnh vực hàng không. Thực tế, IPP chính là cổ đông lớn nhất của Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC, thành lập tháng 2/2016) – dự án đang được đầu tư với công suất từ 4 – 8 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư hơn 3.735 tỷ đồng. IPP cũng chính là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) – đơn vị có kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2016 tăng gấp 3,3 lần năm 2015 (từ 84 tỷ đồng lên 282 tỷ đồng).
Trong tờ trình mới nhất của Cục Hàng không VN gửi Bộ GTVT về việc điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không VN quy hoạch bổ sung nhà ga hành khách T4 với công suất thiết kế 15 triệu khách/năm, nâng tổng công suất của nhà ga hành khách CHK này lên 43-45 triệu khách/năm. Cục Hàng không VN cũng đề xuất giao ACV chủ trì kêu gọi, huy động vốn góp của các tổ chức, nhà đầu tư quan tâm.
Bày tỏ mong muốn được “góp công sức cùng Chính phủ, Bộ GTVT và TP.HCM nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải cấp thiết của Tân Sơn Nhất”, IPP đề xuất được cùng ACV thực hiện đầu tư Nhà ga hành khách T4 theo đúng quy hoạch và chủ trương được duyệt đồng thời cam kết hoàn thành sau 18 tháng kể từ ngày khởi công dự án.
Đứng thứ hai trong danh sách nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) và Công ty CP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC (AHT-TJC). AHT hiện đang là chủ đầu tư dự án Nhà ga quốc tế Đà Nẵng – dự án xã hội hóa đầu tiên trong lĩnh vực hạ tầng hàng không.
Đề xuất được kết hợp với TCT Cảng hàng không VN (ACV) để thành lập công ty dự án, tiến hành đầu tư Nhà ga hành khách T4 tại Tân Sơn Nhất, đại diện liên danh này cũng cho biết, nếu được chấp thuận, liên danh sẽ thành lập công ty dự án ngay trong tháng 6, nộp đủ vốn đầu tư theo quy định, hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án trước khi khởi công; Hoàn thành dự án trong tháng 12/2018 và chạy thử 1 tháng trước khi chính thức vận hành dự án trước Tết Âm lịch 2019.
Hai cái tên rất quen thuộc khác cũng đang bày tỏ tham vọng được đầu tư vào Nhà ga hành khách T4 là Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) và Công ty CP Hàng không Vietjet. Trong khi Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành đề nghị được tham gia đầu tư vào Dự án Nhà ga hành khách T4 “để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thiện đồng bộ dây chuyền khai thác, vận chuyển hàng không” thì Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà cũng bày tỏ mong muốn được “Bộ GTVT xem xét chấp thuận tham gia cùng ACV thực hiện đầu tư Nhà ga hành khách T4. Đại diện Vietjet cũng cam kết sẽ tập trung nguồn lực, phối hợp với ACV hoàn thành dự án này trong 18 tháng.
Nhà ga hành khách Tân Sơn Nhất hấp dẫn mức nào?
Chỉ cần nhìn 4 tên tuổi “đáng nể” nói trên đang xếp hàng đầu tư cũng đủ biết sức hấp dẫn của nhà ga hành khách thứ 4 tại Tân Sơn Nhất. Thực tế, cùng với Nội Bài, Tân Sơn Nhất chính là một trong hai “con gà đẻ trứng vàng” của ACV. Nói như người đứng đầu Cục Hàng không VN, Cục trưởng Lại Xuân Thanh, Tân Sơn Nhất chính là một trong số rất ít CHK trong toàn bộ hệ thống 22 cảng mà ACV quản lý, khai thác đang có lãi. Hay nói cách khác, Tân Sơn Nhất đang đóng vai trò “gánh lỗ”, “anh nuôi” cho đa phần các CHK còn lại của ACV trừ Nội Bài.
Thực tế này cũng được chính Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng thừa nhận trước đó tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào ACV. Cụ thể, theo ông Hùng, kết quả kiểm toán trong tổng số 22 CHK do ACV quản lý, chỉ có Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có lãi, còn lại đều thua lỗ.
Theo thông tin của Báo Giao thông, năm 2016, lượng hành khách qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt 32,5 triệu khách, vượt khá xa năng lực hiện có của nhà ga này là 28 triệu khách. Trong các năm tới, nhu cầu tăng trưởng của Tân Sơn Nhất vẫn đạt trung bình từ 15%/năm trở lên. Điều này cũng có nghĩa, Nhà ga hành khách T4 ngay khi hoàn thành và đi vào khai thác sẽ không lo thiếu khách. Với công suất 15 triệu khách/năm, chưa tính khoản thu từ kinh doanh dịch vụ phi hàng không vốn được đánh giá là “siêu lợi nhuận”, chỉ cần làm một phép tính đơn giản là lấy số hành khách thông qua nhân với giá phục vụ hành khách (quốc tế là 20 USD/khách, quốc nội 70.000 đồng/khách đã bao gồm VAT) mà doanh nghiệp này thu được, có thể thấy khoản thu tương đối lớn mà nhà đầu tư nhận được mỗi năm so với tổng số tiền đầu tư (dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng).
Liên quan đến phương thức đầu tư dự án này, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư Nguyễn Danh Huy cho biết, hiện quy hoạch điều chỉnh CHK quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn chưa được duyệt. “Bộ GTVT đang giao Cục Hàng không VN nghiên cứu, đề xuất dự án cũng như phương án lựa chọn nhà đầu tư sao cho đúng và trúng, đảm bảo khách quan, minh bạch và hiệu quả”, ông Huy nói.
Phía Cục Hàng không VN, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và chưa thể quyết định ACV sẽ trực tiếp đầu tư (như Nhà ga T2 Nội Bài) hay theo mô hình hợp tác đầu tư với một liên danh khác (như AHT – Đà Nẵng, CRTC Cam Ranh). “Vấn đề BOT hay không BOT nhà ga này đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, dù có theo hình thức hợp đồng nào thì nhà đầu tư vẫn phải tuân thủ theo Luật Hàng không và Luật Giá”, ông Thanh khẳng định.
Mặc dù vậy, cuối giờ chiều qua (25/4), trao đổi với Báo Giao thông, Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng nhận định, trong điều kiện hiện nay, khi xã hội hóa đang được đẩy mạnh, khả năng cao là Bộ GTVT sẽ quyết định triển khai dự án này theo hình thức BOT.
Thanh Bình (vnexpress)