Tại thời điểm Chính phủ hoàn thành báo cáo (21/10/2015) dự án phải điều chỉnh vốn tăng 315 triệu USD...
Tăng lãi suất cho vay: Cần tiếng nói chung giữa NH và DN
- Cập nhật : 28/10/2015
(Tai chinh)
Hiện nay, ngân hàng (NH) chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, nhưng cho doanh nghiệp (DN) vay trung và dài hạn, mức của vay đầu tư có lãi suất đến 13%/năm...
Trong lĩnh vực tài chính có nhiều định chế nhưng định chế quan trọng nhất là NH. Định chế này cần sự đồng hành, hiểu biết của DN nhiều hơn so với các định chế khác.
Trên thực tế, có nhiều DN hiểu khá rõ về NH nhưng khi nghe đến "định chế tài chính" vẫn chưa tường tận đó là gì, chưa nói đến chuyện tiếp cận để khai thác nguồn vốn.
Nhìn vào tình hình hiện nay, có ý kiến nói rằng "dường như NH đang đối đầu với DN". Thực tế không như vậy. Quan hệ DN và NH là quan hệ "cây và đất", không có DN, NH sống với ai và ngược lại, không có NH thì DN sống với ai, trong khi chưa thể có ngay một đối tác khác.
Trong mối quan hệ này, DN như cây và NH như đất, DN muốn "hút vốn" từ đất thì phải trả lại "dinh dưỡng" cho đất. Sự đồng hành giữa DN và NH là bản chất, nhưng hai bên phải hiểu nhau đến mức "không có anh sẽ không có tôi".
Một điểm nữa là hội nhập. Những năm gần đây, hội nhập được nói đến nhiều nhưng trên thực tế hội nhập như "ma trận". Tới đây, sẽ có cả chục FTA được ký, cho nên DN chỉ cần hiểu được hội nhập là mở cửa, đơn giản như người ta vào nhà mình và mình sang nhà người ta.
Báo cáo một FTA cả nghìn trang, DN chỉ cần tìm hiểu kỹ lĩnh vực mình cần, ngành nào đang làm và định làm. Cũng trong hội nhập, DN không muốn vay tiền từ một NH nhất định trong nước, có thể vay NH nước ngoài.
Một DN nói, NH Việt cho vay với lãi suất 15 - 17%/năm là quá cao trong khi Mỹ cho vay chỉ 1 - 2%/năm. Trên thực tế DN Việt không dễ dàng vay vốn từ các NH của Mỹ.
Khi mở cửa, DN có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều NH quốc tế và các NH Việt cũng có thể quay sang làm ăn với các DN của Myanmar, Lào.
Ngân hàng và DN đồng hành là bản chất, nhưng lâu nay hai bên không hiểu nhau, vẫn diễn ra tình trạng không có tiếng nói chung giữa NH và DN.
Đơn cử vấn đề lãi suất và tỷ giá. Với lãi suất hiện nay, nhiều DN nói quá cao, thậm chí có DN còn cho đó là "thuốc độc". Thực tế, ngành y có biện pháp "dĩ độc trị độc".
Lãi suất bình quân 10%/năm, tổng tín dụng trong 8 tháng tăng trên 10%, tốc độ tăng trong 8 tháng cao nhất trong vòng 3 năm, phía NH yên tâm năm nay khả năng tín dụng tăng 15 - 17%.
Như vậy, NH không có lý do gì để hạ lãi suất bởi mức lãi suất đó, nhu cầu vay của DN vẫn rất lớn.
Tuy nhiên, phía DN cần hiểu, NH cũng muốn giảm lãi suất bởi xét về bản chất, NH là một cơ sở kinh doanh, họ muốn giảm lãi suất để có thêm người vay, để có thêm doanh thu, để có thêm lợi nhuận. Nhưng thực tế, lãi suất cho vay sẽ không giảm, ít nhất tới đầu năm 2016.
Chỉ số tiêu dùng (CPI) đang thấp, nhưng CPI chỉ là một yếu tố, giảm lãi suất còn chịu tác động của các yếu tố khác.
Xuất khẩu năm 2014 chỉ đạt khoảng 70 tỷ USD và nhập khẩu khoảng hơn 75 tỷ USD, âm khoảng 2 tỷ USD. Đó là chưa kể đến việc các chuyên gia công bố những số liệu năm ngoái mà Việt Nam tính âm với Trung Quốc 20 tỷ USD, trong khi Trung Quốc tính Việt Nam âm 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, năm nay tình hình xuất nhập khẩu khó khăn hơn, tính đến thời điểm này đã âm khoảng gần 3 tỷ USD. Điều chỉnh tỷ giá phải trông vào nền kinh tế, không trông đợi ở các DN xuất khẩu hay nhập khẩu.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm cân nhắc trong điều hành để cân đối hài hòa lợi ích các bên.
Đó cũng là lý do năm 2012 - 2013, Ngân hàng Nhà nước phải cố định tỷ giá vì nhập khẩu lớn, độ mở của nền kinh tế lớn, nếu nhích tỷ giá lên sẽ khuếch đại lạm phát, khi đó, lạm phát có thể tăng cao hơn mức 23% của năm 2011.
Cho nên, để thật sự đồng hành như cây với đất, NH và DN phải hiểu nhau. Sẽ tốt hơn rất nhiều khi NH và DN đối thoại trực tiếp, cùng chia sẻ, thông cảm với những khó khăn của nhau để đi đến hỗ trợ nhau.
Bên cạnh đó, hãy để người Việt khai thác lợi thế của người Việt trước khi tìm kiếm các đối tác bên ngoài.