Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank
Người vay tiêu dùng dễ bị thiệt
- Cập nhật : 28/10/2015
(Tai chinh)
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết nhiều hợp đồng cho vay tiêu dùng bản thân ông đọc cũng không thể hiểu hết...
Một tờ quảng cáo cho vay trả góp dán trên tủ điện trên đường Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Tại một tọa đàm về cho vay tiêu dùng được tổ chức mới đây, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết nhiều hợp đồng cho vay tiêu dùng bản thân ông đọc cũng không thể hiểu hết.
Xem qua một số hợp đồng cho vay, ông Nghĩa nhận định: thấy các công ty tài chính không chỉ áp dụng lãi suất cho vay quá cao mà còn cố tình sử dụng từ ngữ cao siêu để khách hàng rơi vào “trận đồ bát quái”.
Phát biểu của ông Nghĩa nêu ra phần nào thực tế của hoạt động cho vay tiêu dùng hiện nay. Không phải các công ty tiêu dùng không biết trình độ của khách hàng vay hạn chế.
Nhưng họ vẫn dùng các từ ngữ chuyên môn, cao siêu, khó hiểu sao cho người vay chỉ cần nhìn vào là hoa mắt, chóng mặt chứ nói gì đến đọc và hiểu hết “thâm ý” của những từ ngữ trong hợp đồng.
Như vậy thử hỏi người đi vay mấy ai hiểu được, nhất là những người vay vốn của các công ty tài chính phần đông là những người lao động, thậm chí ở vùng sâu vùng xa.
Chưa hết, họ còn có chiêu là cho người vay ký giấy tờ và nhận tiền trước, nhận hợp đồng sau. Nhiều người đã "dính chấu" với chiêu này vì nhân viên khi tư vấn chỉ nói những điều hay, điều tốt trong khi các điều khoản bất lợi cho khách hàng thì chỉ nói qua loa, thậm chí không đề cập.
Rất nhiều khách hàng phản ảnh đến khi nhận được hợp đồng họ mới té ngửa vì lãi suất cao hơn rất nhiều so với mức mà nhân viên tư vấn đưa ra. Chưa kể, số tiền vay còn cao hơn mức thực mà họ được giải ngân vì công ty cộng cả số tiền bảo hiểm.
Người vay bức xúc yêu cầu trả tiền lại thì nhân viên công ty làm dữ với những lời lẽ rất nặng nề, buộc phải nộp phạt với mức hơn 40% số tiền vay mới cho trả lại. Nếu người vay không trả, nhân viên công ty sẽ khủng bố điện thoại, gọi bất kể giờ giấc, thậm chí dùng cả xã hội đen đến nhà đe dọa. Nhiều trường hợp người vay không trả nổi phải bỏ trốn khỏi địa phương.
Trả lời phản ảnh của khách hàng, các công ty tài chính luôn nói rằng lỗi tại người vay không đọc kỹ hợp đồng. Họ chỉ làm đúng theo các điều khoản đã quy định, rằng mình rất minh bạch với người vay, đã từng có những đợt phát cẩm nang hướng dẫn... Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
Dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM hiện đã lên đến 80.000 tỉ đồng, chiếm 6,8% tổng dư nợ trên địa bàn và đã tăng gấp ba lần so với năm 2012.
Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước phải có hành lang pháp lý để quản lý hoạt động này dù lĩnh vực cho vay tiêu dùng chỉ là một nhánh nhỏ, nhưng những năm gần đây đã phát triển chóng mặt.
Việc giám sát của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các công ty tài chính phát triển đúng khuôn khổ nhằm từng bước xóa bỏ dần tín dụng đen nhưng cũng phải bảo vệ được quyền lợi của những người vay.