Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank.
Những lý do không nên áp trần lãi suất của ngân hàng
- Cập nhật : 23/10/2015
(Tai chinh)
Nếu áp trần lãi suất đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) thông qua Bộ luật Dân sự thì đây sẽ tiếp tục là một bất cập lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của hệ thông ngân hàng mà còn trái với quy luật thị trường và cản trở lộ trình tự do hóa lãi suất đã được Đảng, Nhà nước xác định.
Trong chương trình kỳ họp Quốc hội (QH) lần thứ 10 (Khóa XII) đang diễn ra, QH sẽ thảo luận và thông qua Dự thảo Bộ luật dân sự (BLDS) sửa đổi; trong đó có một quy định rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD), đó là quy định về trần lãi suất vay.
Do còn nhiều tranh cãi trong việc lựa chọn sử dụng phương án “trần lãi suất” nào để điều chỉnh hợp đồng vay tài sản dân sự và có “cởi trói” cho các TCTD hay không, Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn để hai phương án xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Theo đó, Khoản 3, Điều 475 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định: Phương án 1: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Phương án 2: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Tuy nhiên, trong cả hai phương án này, theo Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Phan Trung Lý, thì vẫn có ý kiến đề nghị thống nhất áp dụng chung cho các cá nhân, tổ chức mà không loại trừ trường hợp luật khác có quy định khác…
Nếu áp trần lãi suất đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) thông qua Bộ luật Dân sự thì đây sẽ tiếp tục là một bất cập lớn (ảnh minh hoạ).
Quan điểm “áp dụng chung” lập tức bị nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng và đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng mạnh mẽ. Các chuyên gia cho rằng, nếu Quốc hội thấy thực sự vẫn cần một “trần lãi suất” để điều chỉnh hoạt động cho vay dân sự ngoài ngân hàng thì vẫn có thể tính toán để tìm một quy định tối ưu nhưng dù chọn phương án nào thì cũng vẫn phải có quy định rõ ràng để xác định các TCTD được hoạt động theo luật chuyên ngành, không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này trong BLDS. Bởi lẽ, nếu bị “áp đặt”, điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các TCTD, theo đó hàng loạt hợp đồng cho vay của các TCTD có thể bị vô hiệu do vượt trần lãi suất vay theo quy định của BLDS.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng trần lãi suất tại BLDS đối với hoạt động kinh doanh của các TCTD là hoàn toàn không cần thiết và bất hợp lý xuất phát từ các lý do sau:
Thứ nhất, theo tinh thần của các quy định tại Luật NHNN và Luật các TCTD, thì hoạt động của các TCTD trong điều kiện bình thường sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện có diễn biến bất thường, NHNN mới xác định cơ chế điều chỉnh phù hợp.
Nếu trần lãi suất vay tại BLDS điều chỉnh đối với cả hoạt động ngân hàng thì luôn luôn có một mức lãi suất trần khống chế với hoạt động kinh doanh của các TCTD, điều này trái với quy định nêu trên của các luật chuyên ngành và đi ngược với nỗ lực và chủ trương tự do hóa lãi suất của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm qua.
Thứ hai, NHNN với chức năng là cơ quan quản lý đối với các TCTD, thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, NHNN có thể điều chỉnh mức lãi suất kinh doanh của các TCTD. Lãi suất của các TCTD phụ thuộc vào mục tiêu nới lỏng hay thặt chặt chính sách tiền tệ của NHNN, có những thời điểm lãi suất của các TCTD được nâng lên rất cao để góp phần chống lạm phát. Nói cách khác, lãi suất trong hoạt động ngân hàng được điều chỉnh bởi các công cụ chính sách tiền tệ và có một cơ quan chuyên ngành là NHNN quản lý theo các quy định của Luật chuyên ngành là Luật NHNNVN và Luật các TCTD.
Thứ ba, với tư cách là trung gian tài chính nhận tiền gửi từ công chúng và sử dụng tiền gửi này để cấp tín dụng, mức lãi suất cho vay của các TCTD được xác định trên cơ sở lãi suất tiền gửi, chi phí huy động vốn, chi phí cho vay, thời hạn vay, uy tín của khách hàng, mức độ rủi ro của từng khoản vay… Do đó, thực tiễn cho thấy TCTD thường xác định mức lãi suất cho vay khác nhau đối với từng loại khách hàng và từng loại khoản vay khác nhau nên việc áp cùng một mức trần lãi suất cho vay là hoàn toàn không hợp lý.
Ví dụ như, với đặc thù cho vay không tài sản đảm bảo, đối tượng khách hàng dưới chuẩn cấp tín dụng thông thường, khoản vay nhỏ, chi phí hành chính và trung gian và phòng ngừa rủi ro rất lớn... dẫn đến các hoạt động dịch vụ như tín dụng tiêu dùng, cho vay của các tổ chức tài chính vi mô... thường có lãi suất rất cao (lên đến 40 thậm chí 50%/năm). Song nó lại rất cần được khuyến khích phát triển vì giúp người dân tiếp cận nhanh chóng với dịch vụ tín dụng chính thức, kích thích tiêu dùng, góp phần phòng chống tín dụng đen... Tuy nhiên, nếu quy định mức lãi suất trần vay tại dự thảo BLDS được áp dụng với các TCTD thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí phải xóa bỏ những hoạt động dịch vụ rất tích cực này.
Thứ tư, lãi suất kinh doanh của các TCTD chịu sự tác động của hoạt động cạnh tranh trên thị trường tín dụng ngân hàng và sự cạnh tranh này đủ lớn để không có TCTD nào tự ấn định mức lãi suất cho vay quá cao so với mặt bằng chung lãi suất ngân hàng. Do vậy, việc khống chế mức trần lãi suất cho vay đối với hoạt động ngân hàng trong điều kiện bình thường là không cần thiết.
Thứ năm, việc áp dụng trần lãi suất vay tại BLDS với hoạt động ngân hàng có thể hiểu là một sự can thiệp lãi suất trong hoạt động kinh doanh ngân hàng bằng biện pháp hành chính. Sự can thiệp hành chính này trái với những nguyên tắc thị trường và không phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam về cải cách hệ thống ngân hàng khi gia nhập WTO và tới đây là Hiệp định TPP. Đây có thể là một bất lợi để các nước khác viện cớ áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hoặc ảnh hưởng đến việc các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Thứ sáu, lãi suất cho vay trong hoạt động của các TCTD là giá dịch vụ ngân hàng. Theo quy định của Luật Giá, giá của dịch vụ ngân hàng không thuộc nhóm dịch vụ phải áp trần. Do đó, dự thảo BLDS quy định trần lãi suất cho vay đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng là không thống nhất và phù hợp với quy định tại Luật Giá.
Thứ bảy, việc quy định trần lãi suất cho vay dẫn đến việc các tổ chức cho vay nâng mức lãi suất cao hơn đối với những khoản vay vốn có rủi ro thấp đang thực hiện lãi suất thấp, để bù đắp chi phí đối với những khoản vay có rủi ro cao nhưng không thể đặt mức lãi suất cao vượt mức lãi suất trần. Điều này dẫn đến không phân loại được rủi ro, đánh đồng các mức lãi suất giữa các khoản vay và làm chi phí vay trung bình cao hơn.
Mặt khác, dưới tác động của trần lãi suất cho vay, các tổ chức cho vay dần rút khỏi thị trường, không cho vay đối với các rủi ro cao do lãi suất không đủ bù đắp chi phí, rủi ro, làm cho nhu cầu vay vốn của bên đi vay không được đáp ứng. Như vậy, việc áp trần lãi suất cho vay trong hoạt động kinh doanh ngân hàng với mục đích chống cho vay nặng lãi, bảo vệ bên đi vay không đạt được mục đích mà ngược lại còn cản trở người có nhu cầu vay vốn tiếp cận vốn vay.
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, dù trần lãi suất vay tại BLDS được quy định theo hướng nào thì cũng cần có quy định thể hiện rõ trần lãi suất vay tại BLDS không áp dụng đối với hoạt động ngân hàng. Việc có cần trần lãi suất cho vay trong hoạt động TCTD hay không và thời điểm nào cần sẽ được thực hiện theo quy định của Luật NHNN và Luật các TCTD.