Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank
Lỗi tại trích lập dự phòng?
- Cập nhật : 23/10/2015
(Tai chinh)
Những tưởng chỉ có giới đầu tư và cổ đông của các tổ chức tín dụng không muốn ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro vì trích càng nhiều, lợi nhuận càng teo tóp, thì càng không còn lại gì để chia cổ tức. Nhưng hóa ra cả ngân sách, đúng hơn là cơ quan hành thu, cũng không muốn ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.
Trước hết phải nói rằng chỉ có lợi nhuận của phần lớn các ngân hàng TMCP từ năm 2012 đến nay giảm sút (riêng lợi nhuận của Ngân hàng Quân đội vẫn tăng trưởng cao), còn lợi nhuận của các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh như Vietcombank, VietinBank, BIDV vẫn tăng đều, nghĩa là số thuế họ nộp không hề ít đi.
Lợi nhuận sau thuế của Vietcombank năm 2013 là 4.358 tỉ đồng; năm 2014 là 5.876 tỉ đồng. Còn tính riêng sáu tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank 3.150 tỉ đồng; của VietinBank 3.878 tỉ đồng; của BIDV 3.149 tỉ đồng đều tăng so với cùng kỳ. Khi dẫn chứng những số liệu trên, một đại biểu Quốc hội có ý nếu không trích lập dự phòng, lợi nhuận còn tăng nữa, chứ không phải chỉ có vậy.
Nói thế là dường như đã cố tình quên đi việc trích lập dự phòng rủi ro là bắt buộc theo quy định không những của Việt Nam mà cả của quốc tế về xử lý nợ xấu. Xử lý nợ xấu từ dự phòng là khả thi nhất bởi nó là tiền thật, không phải bán cho VAMC như dồn vào kho cất đi. Ở đây phải nêu rõ một thực tế sự khác biệt trong trích lập dự phòng của các ngân hàng Việt Nam và nước ngoài. Ở ngân hàng nước ngoài, cứ đáo hạn mà không trả được cả gốc và lãi, là khoản nợ đó phải được trích lập dự phòng ngay tức thì. Ở ngân hàng Việt Nam, thường nợ quá hạn sáu tháng người ta mới trích. Mà trước khi trích còn xem xét đảo nợ này nọ. Tức là ngân hàng cũng không muốn trích đủ đâu!
Gần đây khi nợ xấu “bung” ra, người ta mới nhận thấy một số ngân hàng trước đây trích lập dự phòng không đúng, không đủ và không ít lợi nhuận ảo. Cơ quan hành thu thu được thuế trên lợi nhuận ảo đó, cổ đông được chia cổ tức ảo đó. Tiền thuế đã thu rồi, cổ tức tiền mặt đã lãnh rồi, nhưng hậu quả của lợi nhuận ảo vẫn còn sờ sờ và giờ ngân hàng gánh, làm được bao nhiêu trích dự phòng cũng chưa chắc đủ, nên hàng loạt ngân hàng cổ phần từ đầu năm đến nay chỉ báo lãi tí ti, khiến cổ đông và cả cơ quan thuế “khó chịu”.
Thu ngân sách đang khó khăn, bội chi có khả năng vượt chỉ tiêu Quốc hội cho phép, mối lo đó không chỉ thể hiện trên diễn đàn Quốc hội, trên báo chí, mà cả trong từng phát biểu của đại diện Bộ Tài chính. Ngoài yếu tố khách quan, không thể phủ định việc hụt thu một số nguồn là do cơ quan hành thu nhận định không đúng về thị trường. Doanh nghiệp vừa mới “hồi sinh”, vừa mới qua khủng hoảng tài chính lãi suất cao, lạm phát cao, vừa mới tính đến chuyện quay lại đầu tư, mở rộng kinh doanh, mà ngành thuế vẫn để chỉ tiêu thu cao ngất, thử hỏi sao doanh nghiệp phát triển? Giá dầu thô quốc tế tháng 12 năm ngoái đã sụt phân nửa, ngân sách vẫn để mức thu từ dầu thô dựa trên giá 100 đô la Mỹ/thùng, thì việc hụt thu tới 63.000 tỉ đồng từ nguồn này năm nay là không tránh khỏi.
Nhìn lại lịch sử nhiều năm trước, đã có thời các doanh nghiệp nhà nước phải nộp một thứ thuế 4%/năm gọi là thuế vốn (do sử dụng vốn nhà nước góp vào doanh nghiệp). Sau này các doanh nghiệp “đấu tranh” mãi, thuế trên mới được bãi bỏ. Thời gian ấy cũng không có chuyện ngân hàng được trích lập dự phòng rủi ro. Sau này Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp làm việc hàng năm, mới ra được quy định trích lập dự phòng rủi ro cho các tổ chức tín dụng.
Không phải cứ trích lập dự phòng là mất tiền. Trong trường hợp ngân hàng xử lý được khoản nợ, thu hồi được toàn bộ hoặc một phần, số tiền trích lập dự phòng sẽ được hoàn nhập và hạch toán vào thu nhập bất thường. Ngân hàng sẽ phải nộp thuế cho khoản thu nhập bất thường này. Nợ xấu mà xử lý tốt, thì một trong những người vui mừng đầu tiên phải là cơ quan hành thu vì thu nhập bất thường của ngân hàng tăng vọt, thu thuế cũng nhờ đó mà có thêm nguồn.
Số lũy kế dự phòng rủi ro qua nhiều năm của Vietcombank hiện nay cao nhất hệ thống, đã lên đến 9.500 tỉ đồng. Tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro trên nợ xấu của Vietcombank đã gần đạt 1/1, tức một đồng nợ xấu đã có một đồng dự phòng bù đắp. Chẳng lẽ giá trị khối tài sản thế chấp cho những khoản vay đã được trích lập dự phòng nói trên bằng 0 đồng? Tất nhiên nó còn một phần giá trị nào đó cho dù đã “bốc hơi” ít nhiều và khả năng hoàn nhập dự phòng của Vietcombank trong thời gian tới rất lớn. Lúc đó cơ quan thuế sẽ có thêm nguồn thu trong khi nợ xấu được tháo gỡ.
Khi ngân sách không còn rổn rang, điều nên làm là “liệu cơm gắp mắm”, bớt chi tiêu, thay vì đốc thúc các nguồn thu và tận thu để doanh nghiệp “khóc”, ngân hàng cũng “khóc”. Nuôi dưỡng nguồn thu là chuyện phải tính lâu dài, không thể chỉ nhìn ngắn hạn, thu được bao nhiêu là thu cho hết.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)