tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hệ thống ngân hàng: Hành trình hối nhịp cho nền kinh tế

  • Cập nhật : 02/09/2015

(Tai chinh)

Hệ thống ngân hàng chuyển mình theo nhịp sôi động của nền kinh tế, trợ lực cho các thành phần kinh tế đón nhận những vận hội mới

Ra đời vào ngày 6/5/1951 với tên gọi ban đầu là Ngân hàng quốc gia Việt Nam, từ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ đến công cuộc xây dựng đất nước sau này, ngành Ngân hàng luôn tiên phong đổi mới, trở thành một lực bẩy không thể thiếu trong diễn tiến phát triển của đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới từ 1986 đến nay.

Những dòng vốn tín dụng chảy tràn từ vùng núi sâu, đảo xa đến những nhà máy, công trình đã tạo nên sức mạnh, đòn bẩy sự nghiệp công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước, đẩy nhịp cho một nền kinh tế thị trường trong hội nhập kinh tế quốc tế.

buc tranh nong thon moi ngay mot rang cung nhung chinh sach mang tinh dot pha

Bức tranh nông thôn mỗi ngày một rạng cùng những chính sách mang tính đột phá

Từ cuộc chuyển mình của tư duy chính sách

Nhớ lại những năm đầu Đổi mới, vốn tín dụng ngân hàng đã được đẩy mạnh để hỗ trợ nhập khẩu và lưu thông các sản phẩm thiết yếu như lương thực để cứu đói, phân bón, hóa chất, bông, sợi, xăng dầu hỗ trợ sản xuất, theo 3 chương trình kinh tế lớn sản xuất lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Những giải pháp cấp bách trong những năm cam go đó đã đóng vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống xã hội và nền kinh tế đất nước.

Việc chuyển sang mô hình ngân hàng hai cấp đã cho phép các TCTD mở rộng đối tượng phục vụ. Đến năm 1992, bên cạnh 4 NHTM quốc doanh phục vụ chủ yếu cho các tổ chức kinh tế nhà nước, các TCTD đã mở rộng diện phục vụ đến mọi thành phần, mọi ngành nghề kinh tế trong xã hội.

Cùng với mạng lưới ngày càng phủ rộng về địa lý, lan vào từng ngách nhỏ của sản xuất, nguồn vốn tín dụng ngày càng tăng trưởng và phân bổ sâu rộng đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước. Tỷ trọng cho vay vốn đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh từ vài phần trăm những năm đầu 1990, đến nay đã tăng lên đến trên 80% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không ngừng phát triển.

Cùng với việc mở rộng tín dụng cho vay nền kinh tế, ngành Ngân hàng cũng không ngừng tăng cường chất lượng và quy mô huy động vốn, chủ động trong việc đảm bảo nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay.

Nếu như trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng chủ yếu dựa vào vốn vay từ NHNN thì đến nay, cơ cấu nguồn vốn huy động đã trở nên đa dạng với một tỷ trọng lớn là tiền gửi từ khu vực dân cư (hiện tại chiếm hơn 50% tổng huy động của hệ thống).

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng còn thu hút được một lượng lớn nguồn vốn từ nước ngoài thông qua các dự án tài trợ phát triển của các tổ chức quốc tế như WB, ADB, JICA… Quy mô vốn huy động từ chỗ chỉ bằng 18% GDP trong những năm 1990, thì hiện nay đã tăng lên nhiều, giúp cho các TCTD hoàn toàn có thể chủ động về nguồn vốn và mở rộng cho vay.

Cơ chế tín dụng từng bước được xây dựng và hoàn thiện theo hướng mở rộng cho vay đối với các thành phần kinh tế, tạo cơ hội thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Quy chế cho vay dần hoàn thiện đã thay thế cho những quy định cồng kềnh và chắp vá trước đó, đảm bảo thông thoáng hơn trong quy trình cho vay, nhấn mạnh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động tín dụng.

Đến nay, quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng đã được quy định thống nhất trong toàn hệ thống, áp dụng đối với tất cả các hoạt động cho vay thương mại, không phân biệt thành phần kinh tế, tạo khung pháp lý cơ bản đảm bảo lợi ích của các bên liên quan trong quan hệ tín dụng.

Các quy trình nghiệp vụ tín dụng ngày càng được chuẩn hóa, năng lực thẩm định dự án và giám sát sử dụng vốn của cán bộ ngân hàng ngày càng được cải thiện đã đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường, tăng tính hiệu quả kinh tế của cả người vay và ngân hàng.

Đến đón đầu để trợ lực

Hệ thống ngân hàng cứ thế chuyển mình theo nhịp sôi động của nền kinh tế, đi trước để trợ lực cho các thành phần kinh tế đón nhận những vận hội mới. Phân bổ vốn tín dụng ngày càng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, hướng tới hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ cho việc thực hiện chủ trương CNH, HĐH đất nước của Đảng.

Bức tranh nông thôn mỗi ngày một rạng cùng những chính sách mang tính đột phá. Việc chuyển đổi cho vay qua mô hình hợp tác xã kém hiệu quả sang cho vay trực tiếp đến hộ sản xuất, không phân biệt thành phần kinh tế và không giới hạn ở sản xuất nông nghiệp theo Chỉ thị 202–CT năm 1991 đã khơi thông dòng vốn tới nhiều ngành sản xuất khác nhau ở nông thôn.

Nhờ đó, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đã tiếp cận một cách thực sự, trực tiếp đến người nông dân, thỏa mãn phần cơ bản nhu cầu về vốn.

Tốc lực dòng chảy vốn cũng như nhịp sống của một nền kinh tế hàng hoá càng thêm mạnh từ sau Đại hội VIII của Đảng với những quyết sách quan trọng về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính sách tín dụng ngân hàng cùng hành lang pháp lý đã dần hoàn thiện phù hợp với đặc điểm kinh tế nông thôn, giúp cho người nông dân tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn vay ngân hàng.

Không chỉ chỉ đạo sát sao các TCTD dành nguồn vốn tín dụng thỏa đáng cho các chương trình đặc biệt về phát triển nông nghiệp, nông thôn và an sinh xã hội, NHNN cũng chủ động đề xuất và xây dựng nhiều chính sách ưu đãi trong cho vay nông nghiệp, nông thôn như các chương trình tín dụng, hỗ trợ lãi suất đặc biệt đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực, có lợi thế về xuất khẩu của Việt Nam… Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn vì thế không ngừng tăng trưởng.

Nếu đến cuối năm 1998 dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn mới chỉ đạt 34.000 tỷ đồng, thì đến tháng 5/2015, tín dụng nông nghiệp nông thôn ước đạt 798.000 tỷ đồng, tăng hơn 23 lần qua hơn 16 năm, chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng, tương đương với đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP cả nước.

Tín dụng ngân hàng cũng trở thành nguồn tài chính quan trọng để cho vay đối với hộ nghèo, vùng sâu vùng xa, đối tượng chính sách, thực hiện các chương trình an sinh xã hội theo hướng ưu tiên phát triển giáo dục, y tế, tạo công ăn việc làm, cải thiện điều kiện sống...

Chỉ tính riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, đến hết tháng 6/2015, vốn chính sách đã góp phần giúp hơn 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 11,8 triệu lao động, trong đó trên 104 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng được 6,6 triệu công trình NS&VSMTNT, hỗ trợ 3,3 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập… Bên cạnh đó, toàn Ngành đã chủ động, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ an sinh xã hội, đặc biệt là cho các vùng nghèo và các đối tượng chính sách đặc biệt khó khăn.

Tính riêng từ năm 2008 đến nay, ngành Ngân hàng đã đóng góp tài trợ an sinh xã hội cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước là 4.864 tỷ đồng.

Một nền kinh tế công nghiệp hiện đại đang được tạo dựng cùng sự dồn lực của ngành Ngân hàng, tập trung vốn tín dụng cho việc phát triển công nghiệp, xây dựng, kết cấu hạ tầng, dịch vụ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh quốc gia.

Đặc biệt, từ năm 1996 đến nay, hàng loạt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi DN đã được ra đời như cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, công nghiệp phụ trợ cho đến các quy định mang tính chuyên biệt trong cho vay xây dựng các công trình điện cấp bách… Các chính sách tín dụng ngày càng được chia nhỏ đến từng ngành nghề sản xuất và liên tục cập nhật thay đổi, lường đón thị trường đã đưa tỷ trọng tín dụng công nghiệp, dịch vụ trong tổng vốn tín dụng lên con số 80%.

Với tốc độ gia tăng như hiện nay, vốn ngân hàng đầu tư cho khu vực công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ tại Việt Nam đã có sự tương đồng như một số nước trong khu vực: Thái Lan, Philippines, Indonesia...

Bước tiếp chặng đường mới trên nền tảng giá trị đã xây dựng và bồi đắp trong hơn nửa thế kỷ, ngành Ngân hàng sẽ tăng cường vai trò trung gian tài chính hiệu quả cho nền kinh tế, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn nhàn rỗi để cho vay và không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng.

Không chỉ khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, NHNN đặt trọng tâm là đảm bảo cung ứng vốn cho những ngành quan trọng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, khuyến khích, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”.

Đặc biệt, các chính sách sẽ hướng tới việc tách bạch rõ tín dụng chính sách và tín dụng thương mại, thúc đẩy các TCTD áp dụng các phương thức và tiêu chuẩn tốt nhất trong hoạt động cho vay để nâng cao chất lượng tín dụng.

Cùng với việc phối hợp chặt chẽ chính sách tín dụng với các chính sách ưu đãi đầu tư khác, NHNN kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực phát huy sức mạnh tổng thể, phát triển các ngành nghề mũi nhọn theo chủ trương CNH, HĐH.

Tổng dư nợ tín dụng bình quân từ mức 23% GDP trong những năm 1990, nay đã tăng lên khoảng 90% GDP. Quy mô tín dụng tăng lên nhanh chóng về giá trị tuyệt đối, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 10 năm gần đây là 25%/năm, tạo nguồn vốn quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

(Theo thoibaonganhang)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục