“Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ cây mắc ca, tránh lặp lại sai lầm như Trung Quốc", ông Burnett, Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Úc- nước xuất khẩu mắc ca lớn nhất trên thế giới đưa ra lời khuyên.
6 giải pháp cải cách hành chính thuế đối với hộ kinh doanh
- Cập nhật : 04/08/2015
( tin kinh te )
Đơn giản về chính sách thuế, thủ tục khai nộp thuế, minh bạch việc xác định doanh thu khoán và số thuế khoán phải nộp… là những giải pháp nhằm cải cách hành chính thuế đối với hộ kinh doanh.
Ngành thuế cần có sự phối hợp của các Bộ ngành, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người nộp thuế
Trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là hộ kinh doanh (gồm cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh và hộ gia đình) đã thể hiện vai trò đối với nền kinh tế về số lượng tham gia, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực ngành nghề và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Đặc điểm chung về kinh doanh của lĩnh vực này là trình độ kinh doanh, tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về thuế chưa cao do hầu hết các hộ kinh doanh (HKD) kinh doanh ở quy mô nhỏ, phát triển kinh tế gia đình nhằm tăng thu nhập, kinh doanh theo kinh nghiệm, không thực hiện chế độ số sách kế toán, không thực hiện khai và nộp thuế theo thu nhập (doanh thu trừ chi phí) mà chủ yếu nộp thuế theo phương pháp khoán (nộp theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu)…
Khu vực hộ kinh doanh đóng góp cho ngân sách chiếm tỷ trọng không cao trong tổng thu NSNN (khoảng 2%). Việc quản lý thuế tốn nhiều chi phí do số lượng HKD nhiều, gồm HKD chưa đến mức phải nộp thuế giá trị gia tăng chỉ phải thu thuế môn bài, HKD đến mức phải nộp thuế, HKD ngừng nghỉ không nộp thuế, hộ không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh theo mùa vụ, không thường xuyên, không có địa điểm kinh doanh cố định… Số cán bộ thuế trực tiếp quản lý thuế chiếm khoảng 21%, ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện các ban, ngành chính quyền địa phương (Hội đồng tư vấn thuế xã, phường) và người dân trong việc xác định doanh thu khoán và mức thuế khoán đảm bảo sát với thực tế phát sinh.
Theo các chuyên gia, để việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh đảm bảo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao cạnh tranh quốc gia trong 2 năm 2015-2016, ngành thuế đã, đang và cần phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện:
Một là, đơn giản về chính sách thuế, thủ tục khai nộp thuế để người nộp thuế tự tính tự khai và tự nộp được thuế (đã được quy định tại Luật số 71/2014/QH13), hạn chế tình trạng cán bộ thuế phải khai thuế, tính thuế,“giúp” HKD, đó là: tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu (nếu trên 100 triệu/năm), thực hiện khai thuế 1 năm/lần là chủ yếu, tách bạch giữa doanh thu khoán và doanh thu theo hóa đơn bán hàng hóa dịch vụ, cá nhân cho thuê tài sản không phải cung cấp hóa đơn cho người thuê.
Hai là, minh bạch việc xác định doanh thu khoán và số thuế khoán phải nộp với sự tham gia của các cấp, ngành trong Hội đồng tư vấn thuế xã phường và sự tham gia giám sát của người dân, từ đó giảm thiểu tối đa tình trạng “thông đồng, thỏa thuận” về mức thuế phải nộp bằng cách hoàn thiện quy trình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán theo hướng xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về doanh thu khoán và mức thuế khoán trên địa bàn theo các chỉ tiêu kinh doanh như: ngành nghề, diện tích, thời gian, số lượng lao động, số lượng hóa đơn sử dụng, theo địa bàn đường phố, phường/quận, thôn, xã/ huyện… Từ đó xây dựng bộ tiêu chí quản lý thuế theo rủi ro đối với hộ kinh doanh, tăng cường sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế cấp trên khi lập, duyệt Sổ bộ thuế, tăng cường trách nhiệm quản lý thuế của cán bộ thuế (Tổng cục thuế đã ban hành bản mô tả vị trí công việc của cán bộ thuế ở cấp chi cục thuế). Thực hiện công khai thông tin hộ khoán hàng năm, cập nhật sự thay đổi hàng tháng; công khai đường dây nóng nhận phản ánh của người dân; triển khai đề án đánh giá hiệu lực hiệu quả của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường để tăng cường, nâng cao vài trò và sự giám sát của các các cấp các ngành.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ của cơ quan thuế đối với hộ kinh doanh phù hợp với mô hình, hình thức kinh doanh của lĩnh vực này; tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp của các ban ngành tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn trong việc tuyên truyền khi niêm yết công khai lấy ý kiến về doanh thu, mức thuế khoán, điều tra doanh thu khoán, rà soát đối tượng quản lý thuế; tuyên truyền, tuyên dương khen thưởng người nộp thuế tự giác chấp hành pháp luật về thuế đúng quy định, tố cáo các trường hợp cán bộ thuế có các hành vi vi phạm quy định của Luật quản lý thuế, Luật công chức.
Bốn là, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, áp dụng công nghệ thông tin ở hầu hết các khâu quản lý để giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế và giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế, đó là: triển khai thí điểm khai, nộp thuế điện tử đối với 1 số lĩnh vực như cá nhân cho thuê tài sản, chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; thủ tục cấp mã số thuế đơn giản để đảm bảo 100% cá nhân kinh doanh phải được cấp mã số thuế; 100% các chi cục thuế thực hiện lập, duyệt sổ bộ thuế, công khai thông tin hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán bằng ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế
Năm là, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường kỷ luật kỷ cương cán bộ thuế; tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cơ quan thuế cấp trên của các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương đối với việc quản lý thuế hộ kinh doanh.
Sáu là, phối hợp với cơ quan kế hoạch và đầu tư yêu cầu các hộ kinh doanh đủ điều kiện theo quy định của Luật doanh nghiệp, chuyển thành doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ thuế theo cơ chế tự khai tự nộp thuế, không nộp thuế theo phương pháp khoán như hiện nay, tiến tới sự minh bạch, bình đằng trong thực hiện pháp luật về kinh doanh và pháp luật về thuế của các hộ kinh doanh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để các giải pháp cải cách hành chính đối với HKD thực sự đi vào cuộc sống, ngoài sự nỗ lực của ngành thuế cần có sự phối hợp của các Bộ ngành, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người nộp thuế.