Với việc có thêm kỳ hạn 7 năm và 20 năm, tổng số kỳ hạn phát hành trái phiếu từ 6 (1 năm, 2 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm) lên 8 kỳ hạn.
Áp lực mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng
- Cập nhật : 07/09/2015
(Tin kinh te)
Cho đến nay vẫn còn nhiều NH giữ mức vốn điều lệ ở mức vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng.Với áp lực tái cơ cấu mạnh mẽ, việc xoay sở để vượt lên trên mức tối thiểu này đang là áp lực rất lớn đối với các nhà băng nằm trong diện này. Thậm chí đã có những tổ chức chấp nhận sáp nhập với đơn vị khác để đảm bảo năng lực tài chính hoạt động nhưng vẫn không thành công.
Xoay sở tăng vốn điều lệ
Saigonbank vừa thông báo đến cổ đông về việc lấy ý kiến bằng văn bản phương án tăng vốn điều lệ lên 4.080 tỷ đồng, vốn điều lệ của Saigonbank hiện tại vẫn ở mức 3.080 tỷ đồng. Thực ra trong năm 2014, Saigonbank đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng nhưng không thành công. Theo lý giải của Saigonbank, do thị trường chứng khoán chưa phát triển ổn định nên NH chưa hoàn thành việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Tính đến nay, vẫn còn nhiều NH có mức vốn điều lệ ở khoảng 3.000 tỷ đồng, bao gồm NamAbank 3.021 tỷ đồng; Saigonbank 3.080 tỷ đồng; VietAbank 3.088 tỷ đồng; BaoVietbank, KienLongbank, Vietbank, PGbank, VietCapitalbank 3.000 tỷ đồng. Các NH có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng như BacAbank 3.700 tỷ đồng; OCB 3.547 tỷ đồng, VIB 4.250 tỷ đồng; ABbank 4.798 tỷ đồng. Mặc dù không phải thuộc diện bắt buộc, nhưng mục tiêu tiếp tục vượt qua mức 3.000 tỷ đồng vẫn là áp lực lớn.
Mới đây, NamAbank công bố kết quả chào bán phương án tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền thu từ việc bán cổ phần chỉ đạt 21,16 tỷ đồng. Do vậy, vốn điều lệ của NamAbank cũng tăng không đáng kể lên 3.021 tỷ đồng.
Đáng nói là kế hoạch tăng vốn của NH này đã được tính toán từ năm 2012 nhưng mãi đến tháng 8-2015 mới thực hiện được. Trước khi đợt chào bán thực hiện, NamAbank cũng xin gia hạn thêm một lần nữa từ tháng 4-2015.
Đối với trường hợp VietAbank, trong kế hoạch tài chính của NH, vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng từ 3.088 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng trong năm 2015. Đến tháng 5-2015, NHNN chỉ chấp thuận cho VietAbank tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng.
Cũng giống như trường hợp của Saigonbank, kế hoạch tăng vốn đã được VietAbank vạch ra từ nhiều năm qua nhưng năm 2014 đã thất bại. Thêm nữa là mục tiêu tăng lên mức 3.500 trong năm 2013 trước đó cũng không đạt được, trong khi lộ trình VietAbank tham vọng tăng vốn lên con số 5.000 tỷ đồng vào năm 2015.
Mấy năm qua, việc tăng vốn điều lệ được nhiều NH lên phương án trong các kỳ đại hội thường niên nhưng số lượng thành công không nhiều, nhất là những NH có quy mô nhỏ áp lực ngày càng lớn. Đó cũng là các NH giữ mức vốn điều lệ ở mức đảm bảo vốn pháp định, tức tối thiểu 3.000 tỷ đồng đã quá lâu kể từ năm 2010 đến nay.
Trước đó, Nghị định 141/2006/NĐ- CP ngày 22-11-2006 đã yêu cầu các NH phải đáp ứng mốc 3.000 tỷ đồng vào cuối 2010. Còn nhớ khoảng thời gian cuối năm 2010, nhiều NH phải chạy đôn chạy đáo để chào bán cổ phiếu thực hiện yêu cầu tăng vốn.
Thậm chí, NHNN còn xây dựng dự thảo Nghị định về việc ban hành danh mục mức vốn pháp định của TCTD, với mức vốn điều lệ sẽ tăng lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2012 và 10.000 tỷ đồng trong năm 2015. Tuy nhiên, dự thảo này đã không được nhắc đến nữa trong những năm qua.
Mặc dù không phải thuộc diện bắt buộc, nhưng mục tiêu tiếp tục vượt qua mức 3.000 tỷ đồng vẫn là áp lực lớn đối với nhiều NH. Điều này thể hiện nhiều NH liên tục muốn phát hành tăng vốn nhưng không thành công. Hơn nữa, trong những năm qua áp lực tái cơ cấu đang diễn ra mạnh mẽ. Những NH có mức vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng đã phải sáp nhập với NH khác như NH Đại Á (DaiAbank), MDB, MHB,Southernbank. Điều đó càng cho thấy các NH phải tìm hướng đi để nâng cao năng lực tài chính trong quá trình tái cơ cấu hệ thống hiện nay.
Áp lực ngày càng lớn
Xu thế hiện nay cho thấy không ít NH chọn con đường sáp nhập với NH khác để nâng cao năng lực tài chính. Nhiều NH còn chấp nhận đánh mất thương hiệu trong các thương vụ mua bán, nhưng cũng không hề dễ dàng. Đơn cử như thời gian qua, thị trường kỳ vọng sẽ diễn ra một thương vụ sáp nhập giữa 2 NH là NamAbank và Eximbank khi lên đỉnh điểm, nhân sự cấp cao của NamAbank được cử sang đại diện phần vốn biểu quyết trước thềm đại hội Eximbank.
Bất ngờ sau đó đại hội thường niên của 2 NH đã không hề đề cập đến nội dung này. Các nguồn tin gần đây cho biết, NamAbank sẽ đi tiếp con đường tự tái cơ cấu mà NHNN phê duyệt từ năm ngoái. Đồng thời, NamAbank cũng không có kế hoạch sáp nhập với NH khác. Có lẽ đây là thương vụ gần như đã đi được một chặng đường xa nhưng vẫn phải dừng lại do 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Trước đó, kịch bản được dự báo nhiều nhất nếu thương vụ này thành công là thương hiệu NamAbank sẽ không còn trên thị trường. Bởi nếu sáp nhập với mức cổ phần đại diện hơn 20% tại Eximbank vào thời điểm đó, tiếng nói của NamAbank tại NH sau sáp nhập cũng không hề nhẹ. Với thực tế hiện nay, NamAbank chắc chắn sẽ phải tiếp tục nỗ lực để thực hiện quá trình tái cơ cấu của mình nếu muốn vượt qua danh sách NH 3.000 tỷ đồng.
Áp lực tăng vốn rõ nhất trong thời gian qua thể hiện ở DongAbank. Trước đó DongAbank được cho là NH khá an toàn vì số vốn điều lệ cũng đã ở mức 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, NH này đã phải tìm mọi cách xoay sở để tăng vốn điều lệ. Thậm chí họ chấp nhận tìm hiểu đối tác sáp nhập ngang cơ với mình nhưng vẫn không thành công.
Nhiều lần NHNN cho biết sẽ giảm số lượng NH xuống trong những năm tới, từ 35 NH xuống còn khoảng một nửa. Tính đến nay đã có 8 thương hiệu NH không còn trên thị trường. Do vậy áp lực nâng cao năng lực tài chính để không phải rơi vào những trường hợp trên là vấn đề sống còn đối với nhiều NH đang có mức vốn tối thiểu hiện nay.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của NH, nhưng để thực thi được kế hoạch này không dễ vì giá cổ phiếu giảm, dẫn đến phát hành khó, trong khi áp lực sáp nhập, hợp nhất giữa các NH nhỏ ngày càng nóng.
Song vẫn có quan điểm cho rằng, vốn điều lệ không phải là vấn đề quan trọng nhất đối với hệ thống NH. Thực tế ở Hoa Kỳ hay nhiều quốc gia khác đều có những NH nhỏ tồn tại song song với những NH khổng lồ. Những NH nhỏ thực hiện chức năng đặc thù của mình và vẫn hoạt động tốt.
Do vậy, không nhất thiết mọi NH Việt Nam phải là NH lớn. Điều quan trọng hơn đối với NH là vấn đề quản trị. Hoạt động của NH cần phải minh bạch, hệ thống quản trị rủi ro tốt dù vốn điều lệ nhỏ cũng không phải là điều đáng ngại. Như vậy, không nhất thiết mọi NH có vốn điều lệ nhỏ đều phải bằng mọi cách chạy đua tăng vốn, quan trọng hơn đối với họ là cần cải thiện chất lượng trong quản trị.
Theo Xuân Anh
Sài Gòn đầu tư tài chính/CafeF