tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường đâu chỉ có mình Fed...

  • Cập nhật : 16/12/2015

(Kinh te)

Trong khi con mắt đang đổ dồn về cuộc họp chính sách cuối cùng của Fed thì bất ổn đang bao trùm châu Âu, căng thẳng leo thang ở châu Á.

Khoảng 1 năm trở lại đây, Fed luôn là chủ đề nóng bỏng trong các thảo luận của giới tài chính. Vì một khi Fed quyết định tăng lãi suất dù chỉ là 25 điểm cơ bản, dòng tiền nhàn rỗi trên thị trường sẽ đổ dồn về Mỹ để hưởng mức lãi suất cao. Và sau đó thì chưa ai có thể đoán trước Fed sẽ hành động như thế nào.

Giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất 7 năm cũng là sự kiện ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, bất chấp sự thực là mức giảm 44% trong 1 năm qua thực sự đã giúp đẩy tăng sức mua. Thậm chí một số chuyên gia phân tích cho rằng đó là "món quà lớn" dành cho Saudi Arabia và Nga - những nước có chi phí sản xuất dầu chỉ ở mức rất thấp và do đó giá dầu thấp sẽ giúp họ đánh bật các đối thủ ra khỏi thị trường.

Những diễn biến gần đây trên thị trường tài chính khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Ví dụ, nhu cầu về các tài sản có tỷ suất lợi nhuận cao đang giảm. Điều này có nghĩa là chúng chưa thực sự đem lại mức lợi suất cao như mong đợi.

Chúng ta có nên đổ lỗi cho Fed về điều này? Trên thực tế, mặc dù quy mô bảng cân đối kế toán của Fed đã giảm 128 tỷ USD kể từ cuối tháng 10 đến nay, tính đến ngày 9/12 cung tiền cơ sở vẫn ở mức 3.932,4 tỷ USD, gần bằng mức cuối tháng 5 năm ngoái. Đóng cửa phiên cuối tuần trước, lãi suất liên bang ở mức 0,14% - chỉ cao hơn 3 điểm cơ bản so với năm ngoái và gần bằng hồi đầu năm.

Như vậy, dường như Fed không phải là lý do duy nhất khiến S&P 500 giảm 1,95% trong phiên cuối tuần trước cũng như giảm 4% so với mức đỉnh của tháng 12.

Liệu có phải nhà đầu tư đang lo lắng về lượng khách hàng đến các cửa hiệu và nhà hàng ở châu Âu trong suốt mùa mua sắm chính của năm? Hay họ lo ngại về những trung tâm mua sắm vắng hoe ở Tampa, Florida, Hackensack, New Jersey và Farmington hay New Mexico dù đó là chiều thứ 7 vì tâm lý lo ngại bị đánh bom?

Những lo ngại hoàn toàn hợp pháp như khủng bố, khủng hoảng di cư, khủng hoảng di cư ở châu Âu, căng thẳng chính trị ở Đông Á và nguy cơ hệ thống chính trị Đức thay đổi đột ngột đang khiến cho người dân e ngại chi tiêu mà quay sang hướng tiết kiệm để đề phòng tương lai bất ổn.

Đức vốn nổi tiếng là một quốc gia có kỷ luật và trật tự cao. Tuy nhiên, hôm 12/12 vừa qua, trong cuộc đụng độ với người biểu tình bạo động phe cánh tả, 70 cảnh sát đã bị thương tại Leipzig – thành phố biểu tượng của nền văn hóa lâu đời của châu Âu.

Bên trong các đối tác liên minh cầm quyền cũng có những mâu thuẫn chính trị. Đảng Dân chủ Xã hội đổ lỗi cho Thủ tướng Merkel – người đứng đầu Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), cho rằng bà hỗ trợ phong trào chính trị cực đoan ở châu Âu bằng các chính sách thắt lưng buộc bụng sai lầm và cuộc khủng hoảng di dân vượt tầm kiểm soát. Người đồng minh Bavaria của bà Merkel, ông Horst Seehofer (hiện cũng đang là chủ tịch Đảng Xã hội Thiên chúa giáo - CSU) đã lên tiếng chỉ trích bà Merkel.

Chính phủ Đức đang ở trong tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Có ý kiến cho rằng, Liên minh cầm quyền Đức thậm chí có thể tan rã trước cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2017.

Tình hình ở Pháp còn tồi tệ hơn. Quốc gia này có lẽ vẫn sẽ phải duy trì trạng thái sẵn sàng đối mặt với các mối đe dọa từ phần tử khủng bố bất cứ lúc nào. Đảng cực hữu Front National đang nắm quyền bỏ phiếu gần 30%, vượt trên Đảng trung hữu (UMP- Đảng bảo thủ của Pháp). Tình hình trở nên tuyệt vọng khi mà Thủ tướng Pháp nhắc đến nỗi lo sợ Nội chiến trong cuộc bầu cử quốc gia ngày 13/12.

Đó là khó khăn của anh cả và chị cả châu Âu, những người dẫn dắt các chương trình nghị sự kinh tế, chính trị, xã hội của châu lục này.

Mọi thứ có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào. Căm ghét và nghi ngờ đã khiến cho châu Âu cắt đứt đường sắt liên kết với bên ngoài để tự phòng vệ. Không tồn tại hòa bình ở Ukraine. Trong khi đó, chiến tranh trên bầu trời Syria chực chờ nổ ra. Nga cảnh báo với bàn tay đặt sẵn trên cò súng, họ sẽ “tiêu diệt bất kỳ mối đe dọa nào cho lực lượng vũ trang Nga hoạt động tại Syria.”

Mối liên kết lỏng lẻo ở EU và sự khác biệt chiến lược dường như không thể hòa giải giữa các cường quốc vũ khí hạt nhân chính là những mối nguy hiểm hiện hữu mà nhà đầu tư đang để mắt tới.

Giới đầu tư có thể tập trung vào quyết định của Fed, hay chính sách tiền tệ mở rộng của ECB, PBOC (NHTW Trung Quốc) và BOJ (NHTW Nhật Bản). Tuy nhiên, họ không bao giờ quên rằng những bất ổn địa chính trị ở châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Trung Phi và Đông Á cũng sẽ tác động đến thị trường tài chính với mức độ không hề nhỏ so với động thái của Fed.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục