Sáng nay (21/11 - giờ Việt Nam), theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, hiện 1 USD đổi được 0,9393 EUR; 122,7747 JPY; 0,6583 GBP; 1.0185 CHF…
Đồng USD thành 'lực sĩ': Mỹ cân đo lợi ích thế nào?
- Cập nhật : 01/09/2015
(Tin kinh te)
Trong vấn đề đồng USD, Mỹ phải cân đối lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế để giữ vai trò đầu tàu kinh tế thế giới.
Nghiễm nhiên mạnh vì các đồng tiền khác đều yếu đi
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính, cho rằng, từ trước đến nay, đồng USD vẫn luôn là đồng tiền mạnh. Từ năm 1944, đồng USD đã được các nước coi là đồng tiền chuẩn của thế giới, ngang với vàng và các đồng tiền thế giới đều gắn với đồng USD. Từ năm 1971-1972, đồng USD mới yếu đi một chút nhưng vẫn chiếm đến 70-80% giá trị các hợp đồng thương mại được ký kết trên thế giới.
Nhiều năm qua, thế giới chứng kiến nhiều đồng tiền khác mạnh lên, như đồng yen Nhật được dùng trong giao thương quốc tế từ năm 1965 trở lại đây; đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng mạnh lên nhờ sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế nước này... nhưng USD vẫn là đồng tiền chủ đạo trong giao thương quốc tế.
"Đồng nhân dân tệ vẫn chưa phải là đồng tiền chủ chốt được các nước sử dụng một cách thông dụng. Vì thế Trung Quốc muốn quốc tế hoá đồng tiền của mình nhưng điều này cần có thời gian. Có thể thấy rằng, khi đồng tiền Trung Quốc mạnh lên, trước sau gì các nước cũng phải xem xét nhân dân tệ như một đồng tiền mạnh của thế giới và có thể tự do chuyển đổi. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế, các nước có đồng ý hay không? Vừa rồi người ta tin rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ đưa đồng nhân dân tệ vao giỏ tiền tệ của IMF nhưng rồi cuối cùng vẫn chưa có gì thay đổi.
Thực tế, đồng nhân dân tệ có ảnh hưởng rất lớn đến thế giới vì Trung Quốc là một cường quốc thứ hai về kinh tế, đặc biệt về quy mô. Gần đây, do tốc độ phát triển của kinh tế Trung Quốc chậm lại, các hoạt động liên quan đến thị trường tài chính bị rơi vào khủng hoảng, nên các nhà điều hành chính sách tiền tệ Trung Quốc đã quyết định phá giá mạnh đồng nhân dân tệ với mục tiêu lâu dài là thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ hơn.
Năm 2015, lần đầu tiên xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm. Bởi Trung Quốc coi việc xuất khẩu là một trong những yên cầu phát triển kinh tế và lấy xuất khẩu trở thành mục tiêu chính trong chính sách tăng trưởng, nếu bị chậm lại sẽ có nhiều vấn đề, do đó Trung Quốc rất tích cực trong việc này. Đây cũng là động thái làm đồng nhân dân tệ mất giá so với các đồng tiền khác và tạo ra làn sóng khiến các nước trong khu vực cũng theo định hướng lấy xuất khẩu để tăng trưởng nghĩ đến chuyện phá giá đồng tiền của mình, hoặc làm cho đồng tiền rẻ đi.
Hiện tượng này có tác động hai chiều đối với kinh tế các nước. Về mặt lý thuyết, việc hạ giá đồng tiền sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế và giảm nhập khẩu. Tuy nhiên, nó còn tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của mỗi nước. Ví dụ, thời gian qua Việt Nam đặt mục tiêu tương đối cao, việc nhập khẩu hàng hoá quốc tế đối với sản xuất kinh doanh cũng là 1 vấn đề tương đối lớn nên phá giá đồng tiền phải cân nhắc xem mức độ như thế nào thì hợp lý, không thể cứ theo trào lưu phá giá một cách ồ ạt như một số nhà kinh tế khuyến cáo", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
Bởi các đồng tiền khác trên thị trường tài chính quốc tế đều yếu đi nên theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đồng USD nghiễm nhiên mạnh lên. Nhưng thực tế là từ trước đến nay đồng USD có tính độc lập tương đối cao và có xu thế vẫn là đồng tiền mạnh của thế giới, cho nên sự phá giá đồng tiền của các nước chỉ ảnh hưởng một phần đến việc tăng giá của đồng USD, chủ yếu vẫn là do tự thân đồng tiền USD đang mạnh lên, ông lưu ý.