Ngày 31/8, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đề nghị tăng ngân sách ngoại giao trong năm tài khóa 2016.
Trung Quốc chao đảo, đồng euro lên ngôi
- Cập nhật : 02/09/2015
(Tin kinh te)
Những ý nghĩ cho rằng đồng Euro có thể là một tài sản an toàn trong những thời điểm có bất ổn tài chính nổ ra nghe có vẻ rất là phi lý chỉ một vài tuần trước đây, nhưng khi thị trường tài chính toàn cầu hoảng loạn như đầu tuần trước thì ý nghĩ này lại trở thành hiện thực.
Trong tháng trước, đồng Euro đã tăng gần 4% so với giá trị trung bình của rổ gồm nội tệ của các nước phát triển trong tháng trước. Euro cũng tăng giá trị so với các đồng tiền chính của thế giới như USD, Yên Nhật, Franc Thụy Sĩ và Bảng Anh. Đồng tiền này tăng giá trị ngay cả khi NHTW châu Âu ECB đang thực hiện chương trình nới lỏng định lượng QE (Quantitative Easing).
Trong khi những tín hiệu cho thấy niềm tin vào nền kinh tế Eurozone đang tăng lên nhờ thỏa thuận đạt được giữa Hy Lạp và các nước chủ nợ, việc đồng Euro tăng giá cũng đang làm khó khăn thêm cho những nỗ lực khôi phục kinh tế của ECB. Euro mạnh lên đi ngược lại với mục đích phá giá ban đầu của ECB, điều này chắc chắn sẽ kìm chế xuất khẩu và mức lạm phát thấp của khu vực này.
Bà Nguyễn Thu Lan, chiến lược gia trên thị trường ngoại hối của Commerzbank AG tại Frankfurt cho biết: “Dòng tiền hướng tới tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn tài chính gia tăng, đã và đang chủ yếu nhắm tới đồng Euro, là điều khiến tôi phải kinh ngạc. ECB sẽ không chịu đứng yên và họ có thể bắt đầu thử làm giảm giá trị đồng Euro thông qua kênh truyền thông điệp bằng các cam kết của những quan chức ECB. Đó là công cụ chính của họ trong việc định hướng lại thị trường đi theo mục đích phá giá Euro”.
Việc phá giá Nhân Dân Tệ bất ngờ của Trung Quốc hôm 11/8 đã gây ra một sự xáo trộn tại các nền kinh tế mới nổi. Sự xáo trộn này bị đẩy lên thành những cơn hoảng loạn, khiến các nhà đầu tư tại đây phải rút lại các thương vụ giao dịch chênh lệch và chính điều này mới là nguyên nhân tại sao Euro lại tăng cao trở lại. Giao dịch chênh lệch – Carry Trade - nghĩa là dùng những đồng tiền có chi phí thấp (trong trường hợp này là đồng Euro với mức lãi suất thấp của ECB) đầu tư vào các đồng tiền của những nước có mức lãi suất cao hơn, qua đó kiếm lợi nhuận từ khoản chênh lệch lãi suất hoặc lợi suất. Khi bất ổn tài chính nổi lên, các nhà đầu tư lo sợ sẽ ảnh hưởng tới các khoản đầu tư của mình, vì vậy đã hủy các giao dịch và mua lại Euro để bảo toàn vốn đầu tư, khiến đồng tiền này tăng giá.
Sự quay vòng của QE
Những hoài nghi đang tăng lên rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ chưa tăng lãi suất cơ bản vào tháng 9 cũng chính là một nguyên nhân đang hỗ trợ đồng tiền chung châu Âu – Euro chống lại đồng USD.
Chương trình nới lỏng định lượng (Quantitative Easing) của ECB thậm chí đang bắt đầu hỗ trợ cho Euro bằng cách làm yên lòng các nhà đầu tư – những người đang có nhu cầu với tài sản của châu Âu.
Neil Mellor, nhà phân tích chiến lược trên thị trường ngoại hối tại Bank of New York Mellon, chi nhánh London cho rằng: “Vì đồng Euro đã và đang được sử dụng để thực hiện các giao dịch chênh lệch đầu tư vào Trung Quốc, do đó nếu một vị thế giao dịch chênh lệch được rút lại sẽ làm tăng giá trị của đồng Euro. Tuy nhiên, trong dài hạn, quan điểm về đồng USD mạnh lên sẽ vẫn chiếm ưu thế bởi vì chính sách tiền tệ khác nhau giữa FED (đang sắp thắt chặt hơn chính sách tiền tệ) và ECB (vẫn đang ở phần đầu của con đường kích thích)”.
Sự tăng tốc đột biến
Đồng Euro đã tăng lên trên 1 Euro đổi 1,17 USD (trên 3% một ngày so với USD là mức tăng rất lớn chỉ sau Yên Nhật – đã tăng trên 4% và chỉ thoái lui vào gần cuối phiên New York) vào hôm thứ 2 vừa qua – ngày thứ 2 đen tối trên thị trường tài chính toàn cầu. Euro chạm lại mức này lần đầu tiên kể từ hôm 15/1 - thời điểm khi NHTW Thụy Sĩ SNB dỡ bỏ chính sách neo tỷ giá cố định của Franc vào đồng Euro. Điều đó đã tao ra đà tăng 4 ngày mạnh nhất của đồng tiền này kể từ 2009. Tuy nhiên đồng tiền chung châu Âu vào hôm thứ 3 sau đó, đã rơi 1,6% xuống mức 1,1435 USD đổi 1 euro.
Kể từ tháng 3 năm nay - khi euro chạm mức thấp nhất trong 12 năm, Euro đã tăng gần 10%. Tháng 3 là thời điểm Euro dường như đang rơi vào thế bế tắc và ECB buộc phải bắt đầu chương trình mua trái phiếu của mình.
Trước đó, chỉ có 3 trong số 69 nhà phân tích đã dự đoán Euro sẽ nhảy lên mức hiện tại cho tới cuối năm nay khi họ được khảo sát vào cuối tháng 3 vừa qua. Trong khi chủ tịch ECB Mario Draghi đã liên tục phủ nhận việc sử dụng QE để nhằm can thiệp vào tỷ giá hối đoái, nhưng ông ta chắc chắn đã nhận ra những lợi ích kinh tế từ việc làm suy yếu đồng Euro.
Draghi có rất nhiều cơ sở để làm điều này. Lạm phát của Eurozone chỉ ở mức 0,2% trong tháng 7, so với mục tiêu gần 2% của ECB, trong các chuyên gia kinh tế dự báo rằng mức tăng trưởng của Eurozone năm nay chỉ bằng 1,4%, bằng một nửa tốc độ trung bình khắp của các quốc gia nhóm G20 – nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dài hạn
Các nhà phân tích tiếp tục dự báo rằng đồng Euro sẽ giảm giá trị so với 14 trên 16 đồng tiền chính của thế giới (những đồng tiền được sử dụng nhiều trong giao dịch thương mại) cho tới cuối năm 2016.
Chuyên gia của Commerzbank dự báo Euro sẽ giảm xuống 1 Euro đổi 1,06 USD trong năm nay trước khi giảm xuống mức 1 Euro đổi 1,00 USD vào cuối năm sau. Quay lại hồi tháng 3, Commerzbank đã dự báo Euro giảm xuống mức 1 Euro đổi 1,04 USD vào cuối tháng 12 năm nay.
Và trong khi các nhà giao dịch đang giảm đặt cược vào việc FED sẽ tăng lãi suất trong tháng tới, họ vẫn đánh giá rằng cơ hội để FED tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 là 50%, đặc biệt khi số liệu đánh giá GDP sơ bộ mới công bố tối hôm thứ 5 theo giờ Việt Nam cho thấy GDP sơ bộ của Mỹ tăng 3,7%, cao hơn mức dự báo 3,2% trong quý II và cao hơn mức 2,3% của quý I. Niềm tin của thị trường rằng cơ hội cho FED nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 là không hề nhỏ.
Trước đó, thì việc bất ổn tài chính ở Trung Quốc nổ ra - đã làm giới tài chính giảm niềm tin rằng FED sẽ thực hiện nâng lãi suất chuẩn lần đầu vào tháng 9 tới đây – và theo chuyên gia Petr Krpata của ING Groep NV cho rằng: “Chính sự suy giảm niềm tin này mới là động thực sự đẩy giá trị đồng Euro cao hơn”.
Vị chuyên gia này cho biết thêm rằng: “Việc Euro mạnh lên so với USD phần lớn là do việc USD suy yếu. Chương trình QE của ECB vẫn đang được thực hiện và thị trường vẫn có quan điểm ECB đang thực hiện nới lỏng, làm suy yếu đồng Euro, do đó đồng tiền này trong dài hạn vẫn duy trì đà giảm giá của mình. Bên cạnh đó sẽ cần tiếp tục nhiều bài kiểm tra các yếu tố kinh tế cơ bản của Eurozone trước khi có bất cứ kỳ vọng tăng giá trị nào”.