tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế: Tin tài chính tiền tệ 13/04/2016

  • Cập nhật : 13/04/2016

USD tăng giá trở lại so với yên

Tuy nhiên, đồng bạc xanh lại giảm so với đồng tiền các nước sản xuất hàng hóa.

Phiên 12/4, USD hồi phục so với yên, chấm dứt mạch giảm 7 phiên liên tiếp, sau khi khẩu vị rủi ro của giới đầu tư tăng lên cùng đà tăng của chứng khoán và giá dầu.

Chốt phiên, USD tăng 0,5% so với yên lên 108,535 JPY/USD. Yên giảm sau khi Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cảnh báo sẽ can thiệp nếu đồng tiền này tăng giá quá mức và khẩu vị rủi ro của giới đầu tư lên cao. Yên đã tăng so với USD từ tháng 2/2016 trong bối cảnh giới đầu tư đổ tiền vào tài sản trú ẩn an toàn và thị trường giảm đồn đoán về việc Fed nâng lãi suất.

Euro cũng giảm nhẹ so với USD, giảm 0,14% xuống 1,1390 USD/EUR, sau khi lên cao nhất 6 tháng ở 1,1464 USD/EUR đầu phiên giao dịch.

Trong khi đó, Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, giảm 0,1% xuống 85,79 điểm khi đồng bạc xanh giảm so với đồng tiền các nước sản xuất hàng hóa. Theo đó, đôla Úc tăng 1,2% so với USD lên 0,7684 USD/AUD khi giá dầu và giá quặng sắt tăng. USD cũng giảm 1,1% so với đôla Canada xuống 1,2761 CAD/USD.

Sự thận trọng của Fed trong việc nâng lãi suất phản ánh những mối lo ngại về đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu và giá hàng hóa sụt giảm. Hôm thứ Ba 12/4, IMF lại một lần nữa hạ dự báo viễn cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 3,2% từ 3,4% dự báo trong tháng 1.

Nhiều nhà đầu tư dự đoán USD vẫn tiếp tục ở mức thấp cho đến khi Fed có bình luận tích cực hơn về kinh tế toàn cầu và kế hoạch tăng lãi suất.


Rúp Nga lên cao nhất 4 tháng cùng giá dầu Brent

Rúp Nga đạt đỉnh hơn 4 tháng khi Goldman Sachs và ING Groep dự đoán đồng tiền này tiếp tục tăng cùng đà đi lên của giá dầu.

Lúc 13h30 ngày 12/4  tại Moscow, rúp tăng 0,7% lên 66,323 RUB/USD, cao nhất kể từ 1/12/2015. Giá dầu Brent tại London tăng 0,9% lên 44,23 USD/thùng, tăng 55% từ mức thấp nhất 13 năm qua hôm 20/1 vừa qua.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm thứ Ba 12/4 cho biết, thỏa thuận giữa các nước sản xuất dầu thô trong phiên họp ngày 17/4 tới đây tại Doha sẽ mang lại cơ hội tái cân bằng giá dầu và đẩy giá dầu lên 50 USD/thùng vào cuối năm nay. Rúp Nga đã tăng 20% so với USD khi giá dầu hồi phục từ tháng 1/2016, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách của Nga lên mức cao nhất trong một tháng qua.

Dmitry Pelovoy, kinh tế trưởng về thị trường Nga tại ING ở Moscow, nhận định, mọi người đều đang chờ kết quả cuộc họp tại Doha và dường như cả thế giới ngừng tin vào đà tăng của USD. Về mặt kỹ thuật, giá dầu có thể thử thách ngưỡng 45-47 USD/thùng, giúp đẩy rúp tăng lên 63-64 RUB/USD.

Giá một thùng dầu thô tính bằng rúp hôm thứ Ba 12/4 tăng 0,7% lên 2.878 rúp, cao nhất kể từ 9/3 và tăng 28% so với mức đáy hôm 15/1 vừa qua.Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn so với 3,165 rúp mà các nhà lập pháp dự tính cho ngân sách năm 2016 với mức thâm hụt 3% GDP.

Dòng vốn rút khỏi Nga trong quý I/2016 giảm 79% xuống còn 7 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2007, theo số liệu của Ngân hàng trung ương Nga.


Tỷ giá USD nhích nhẹ 5-10 đồng

Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, sáng nay (13/4), nhiều ngân hàng cùng điều chỉnh tăng nhẹ giá mua – bán USD thêm 5-10 đồng. Qua đó, đưa mức giá bán tại các ngân hàng phổ biến quanh 22.330 đồng/USD.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Cụ thể, Vietcombank tăng 10 đồng ở cả giá mua và giá bán lên 22.260/22.330 đồng/USD.

Tương tự, VietinBanktăng nhẹ 5 đồng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra. Hiện giá mua – bán USD tại ngân hàng này là 22.250/22.330 đồng/USD.

BIDV sáng nay tăng giá bán thêm 10 đồng lên 22.330 đồng/USD, tuy nhiên vẫn giữ nguyên giá mua ở 22.260 đồng/USD.

Trong khi, Agribank tiếp tục giữ nguyên biểu giá USD ở mức 22.240/22.320 đồng/USD.

Với khối NHTMCP, Eximbank và ACB đều tăng 10 đồng ở cả 2 chiều mua và bán lên 22.250/22.330 đồng/USD.

Tương tự, Sacombank và LienVietPostBank hiện đều giao dịch USD ở mức 22.240/22.330 đồng/USD, giữ nguyên giá mua, tuy nhiên tăng giá bán thêm 10 đồng so với phiên trước.

Cũng tăng 10 đồng ở giá bán trong khi giữ nguyên giá mua là DongA Bank. Hiện giá USD tại ngân hàng này là 22.250/22.330 đồng/USD.

Trong khi, Techcombank là NHTMCP duy nhất không điều chỉnh giá mua – bán đồng bạc xanh của mình, hiện vẫn là 22.240/22.340 đồng/USD.

Như vậy, giá mua vào thấp nhất trên thị trường sáng nay là 22.240 đồng/USD, giá mua cao nhất là 22.260 đồng/USD. Trong khi giá bán ra thấp nhất trên thị trường là 22.320 đồng/USD, giá bán cao nhất là 22.340 đồng/USD.

Sáng nay, tỷ giá trung tâm được NHNN Việt Nam tăng 4 đồng lên mức 21.838 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.493 đồng và tỷ giá sàn là 21.183 đồng/USD.

Sở Giao dịch NHNN sáng nay vẫn giữ nguyên giá mua vào USD ở mức 22.300 đồng/USD, song giá bán được điều chỉnh tương ứng với mức giá trần mới là 22.493 đồng/USD.


Vàng quay đầu giảm nhẹ từ mức đỉnh 3 tuần

Chính phục không thành ngưỡng 1.260 USD/oz. giá vàng thế giới quay đầu giảm nhẹ dưới áp lực chốt lời. Giá vàng SJC cũng giảm trở lại 70.000 đồng/lượng trong sáng nay (13/4) sau khi đã tăng gần 200.000 đồng/lượng trong phiên hôm qua. Hiện giá vàng SJC vẫn thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 200.000 – 270.000 đồng/lượng.

Kỳ vọng Fed chưa thể tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng Tư sắp tới đã khiến đồng USD chịu áp lực bán mạnh, qua đó hỗ trợ giá vàng tăng tốc lên cao nhất 3 tuần và  test lại ngưỡng 1.260 USD/oz vào đầu phiên giao dịch hôm qua.

Tuy nhiên áp lực chốt lời mạnh tại ngưỡng giá này lại kéo vàng quay đầu giảm. Hiện giá vàng kỳ hạn tháng Sáu đã giảm về 1.256 USD/oz; trong khi giá vàng giao ngay cũng rơi về quanh 1.255 USD/oz.

dien bien gia mua - ban vang sjc cua doji trong 7 ngay qua

Diễn biến giá mua - bán vàng SJC của DOJI trong 7 ngày qua

Trên thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC cũng quay đầu giảm nhẹ trở lại khoảng 70.000 đồng/lượng trong sáng nay sau khi đã tăng gần 200.000 đồng/lượng trong phiên hôm qua. Việc tăng khá mạnh trong phiên hôm qua đã giúp giá vàng SJC thu hẹp khoảng cách, chỉ còn thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 200.000 – 270.000 đồng/lượng.

Theo đó, sáng nay Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã giảm cả giá mua và bán vàng SJC 70.000 đồng/lượng, đưa giá giao dịch tại TP.HCM xuống còn 33,30 – 33,55 triệu đồng/lượng, còn tại Hà Nội và một số địa phương khác là 33,30 – 33,57 triệu đồng/lượng. Hiện giá bán ra vàng SJC của DN này vẫn đang thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 200.000 đồng/lượng.

Sáng nay Tập đoàn DOJI cũng giảm cả giá mua và bán vàng SJC 50.000 đồng/lượng xuống còn 33,42 triệu đồng/lượng (mua vào) và 33,48 triệu đồng/lượng (bán ra). Hiện giá bán ra vàng SJC của DOJI vẫn đang thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 270.000 đồng/lượng.

Theo các nhà phân tích, mặc dù vẫn đang nhận được nhiều sự hỗ trợ trong ngắn hạn song giá vàng thế giới khó có thể bứt phá khi mà Fed mới chỉ hoãn lại thời điểm tăng lãi suất chứ chưa từ bỏ ý định này. Vì vậy, mặc dù đồng USD đang sụt giảm khá mạnh, song sự trái chiều chính sách giữa Fed và nhiều NHTW lớn khác vẫn giúp cho đồng bạc xanh đứng ở mức khá cao.

Bởi vậy, nhiều khả năng giá vàng sẽ chỉ biến động trong biên độ hẹp trong các phiên tới và ngược chiều với diễn biến của đồng USD.(TBNH)


Đồng Yên chấm dứt chuỗi ngày tăng giá

Đồng Yên tăng giá quá cao tiềm ẩn khả năng khiến kinh tế Nhật trở lại thời kỳ tăng trưởng kém và giảm phát.

Phiên giao dịch ngày thứ Ba, đồng Yên hạ giá so với đồng USD và nhiều đồng tiền lớn khác của thế giới. Chuỗi ngày tăng giá liên tục của đồng Yên tạm thời chấm dứt, theo tin từ MarketWatch.
 
Sau khi đồng Yên lập mức cao nhất trong 17 tháng vào tuần trước, thị trường đã chờ đợi những động thái can thiệp từ chính phủ Nhật. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, phía Nhật đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào.
 
Đến ngày thứ Hai, chính phủ Nhật đã phá vỡ sự im lặng khi Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso khẳng định chính phủ các nền kinh tế hàng đầu thế giới hoàn toàn chấp nhận cho Nhật đơn phương can thiệp tỷ giá để ngăn các hành vi đầu cơ gây nhiễu loạn thị trường tiền tệ. Ông cho biết nhóm G20 sẽ thảo luận về tỷ giá đồng Yên trong cuộc họp vào tuần này tại Washington.
 
Tuyên bố của ông đã ngay lập tức khiến đồng Yên hạ giá giúp trấn an các nhà xuất khẩu Nhật. Đồng Yên tăng giá quá cao tiềm ẩn khả năng khiến kinh tế Nhật trở lại thời kỳ tăng trưởng kém và giảm phát.
 
Chốt phiên ngày thứ Ba, đồng Yên giao dịch với đồng USD ở mức 108,56 yên/USD, thấp hơn so với mức 107,95 Yên/USD cuối phiên ngày thứ Hai, giảm chỉ 0,05%. Dù mức thay đổi trên không lớn nhưng nó đánh dấu phiên giảm đầu tiên sau nhiều phiên tăng liên tiếp gần đây.
 
“Đồng USD đã giảm giá liên tiếp từ đầu tháng 2 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi thông điệp rằng họ sẽ chỉ điều chỉnh nâng lãi suất cơ bản đồng USD một lần trong năm 2016 chứ không phải hai lần như đồn đoán trước đây”, ông Omer Esiner, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại quỹ Commonwealth Foreign Exchange, nhận định.
 
Còn theo các chuyên gia tiền tệ tại Nhật, sự tăng giá của đồng yên trong thời gian vừa qua có nguyên nhân chủ yếu do việc nhà đầu tư bán mạnh USD chứ không phải do họ mua mạnh đồng Yên, họ đẩy mạnh bán ra khi kỳ vọng đồng USD tăng giá giảm bớt.
 
Các tuyên bố mới nhất từ chính phủ Mỹ cũng cho thấy điều này. Ngày thứ Ba, Chủ tịch FED tại Philadelphia, ông Patrick Harker, khẳng định FED cần trì hoãn nâng lãi suất cơ bản đồng USD cho đến khi lạm phát tại Mỹ tăng mạnh. Như vậy, trong thời gian tới đồng USD nhiều khả năng sẽ không tăng giá quá cao.
 
Cũng trong phiên ngày thứ Ba, đồng yên suy yếu so với đồng euro và đồng bảng Anh. Tỷ giá chốt phiên lần lượt là 123,69 Yên/Euro và 154,93 Yên/bảng Anh.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục