Theo TS. Vũ Đình Ánh, tới nay, chưa thể dự tính được thời điểm lãi suất cho vay sẽ chuyển động theo hướng tăng và khả năng tăng là bao nhiêu.
Hệ lụy lãi suất nóng
- Cập nhật : 05/04/2016
(Tin kinh te)
Sau đợt tăng lãi suất của các ông lớn trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), mặt bằng lãi suất lại tiếp tục nóng lên khi một NHTM cổ phần áp dụng mức lãi suất 8,4%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng.
Động thái này cho thấy áp lực lên lãi suất huy động trong năm 2016 vẫn còn rất lớn, dự báo sẽ tăng 1% so với năm 2015.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động của các NHTM không ngừng chuyển dịch. Nhiều NH đã áp dụng mức lãi suất kỳ hạn 5 tháng kịch trần quy định 5,5%/năm như Oceanbank, NCB, OCB, VietBank, Kienlongbank. Trong nhóm áp dụng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng 5,5%/năm cũng ghi nhận thêm 2 ông lớn là VietinBank và BIDV. Trong khi đó, nhiều NHTMCP khác cũng đang áp dụng mức sát trần 5,4-5,5%/năm. Và khi lãi suất ngắn hạn của nhiều NH đang kịch trần, lãi suất ở kỳ hạn trên 6 tháng cũng dần nóng lên.
Điển hình là mức lãi suất TPBank đang áp dụng đối với sản phẩm tiết kiệm Tài lộc, có kỳ hạn 36 tháng với mức 8,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 24 tháng 8%/năm.
Trước đó, VietABank cũng công bố lãi suất huy động 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ có 2 mức lãi suất căn cứ theo mức tiền gửi. Cụ thể dưới 100 tỷ đồng áp dụng lãi suất 7,3%/năm; từ 100 tỷ đồng, lãi suất 8,38%/năm. Hiện OCB cũng công bố lãi suất kỳ hạn 36 tháng ở mức 8%/năm. Ngoài các NH này, lãi suất từ 12 tháng trở lên đang được áp dụng phổ biến 6,2-7,9%/năm.
Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2016, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định lãi suất liên NH quý I-2016 cao hơn so với cùng kỳ 2015, đồng thời lãi suất huy động ngắn hạn biến động nhẹ ở kỳ hạn 6-12 tháng. Mặt bằng lãi suất huy động chủ yếu tăng mạnh ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng, phổ biến 7-8%/năm. Hiện lãi suất huy động dưới 6 tháng khoảng 4,5-5,5%/năm, từ 6 tháng đến 12 tháng 5,4-6,8%/năm và trên 12 tháng phổ biến 7-8%/năm.
Theo báo cáo này, nguyên nhân chủ yếu do tín dụng trung, dài hạn năm 2015 tăng trên 30%, đã đặt ra nhu cầu cần cơ cấu lại nguồn vốn trong hệ thống NHTM.
Đồng thời, các NHTM tăng tỷ trọng huy động vốn trung, dài hạn nhiều hơn nhằm đón đầu quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 40% theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN.
Song thực tế lại cho thấy các NH nhỏ tăng lãi suất nhằm mục đích thu hút tiền gửi bù đắp nguồn vốn cho vay đang thiếu hụt. Trong xu thế chung đó, các NH lớn dù nguồn vốn dồi dào hơn nhưng cũng tăng theo để giữ chân khách hàng, vì nếu mức chênh lệch quá cao so với NH khác sẽ mất khách hàng.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia NH, năm 2015, lãi suất huy động giảm nên tăng trưởng huy động vốn thấp hơn cho vay, tình hình cầu lớn hơn cung dẫn đến việc lãi suất huy động tăng lên trong năm 2016 cũng là theo quy luật thị trường. Hơn nữa, nền kinh tế năm nay đã bắt đầu bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, các doanh nghiệp đang cần nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, do đó NH phải tăng cường hút vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn dẫn đến cạnh tranh lãi suất.
Việc lãi suất huy động kỳ hạn trung và dài hạn tăng cũng phản ánh thực tế nhu cầu vốn của thị trường. Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, lạm phát kỳ vọng tăng 3-5% trong năm 2016 dẫn đến tâm lý người dân dành tiền nhàn rỗi để dự trữ hàng hóa hoặc đầu tư vàng, ngoại tệ, bất động sản. Điều này cũng làm giảm phần vốn huy động của NH, tạo áp lực lên lãi suất.
Năm 2016, khi thông tin tín dụng bất động sản bị siết lại, giới doanh nghiệp mong chờ vốn sẽ chảy vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn, nhưng diễn biến tăng lãi suất huy động đang gây tâm lý lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, lãi suất cho vay sẽ vẫn trong mức kiểm soát để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, các NH lớn cho biết mục đích tăng lãi suất huy động là để cạnh tranh với NH khác còn nguồn vốn của NH vẫn dồi dào nên chưa tăng lãi suất cho vay.
Xét bề nổi, có thể thấy khách hàng gửi tiền sẽ hưởng lợi từ việc lãi suất huy động tăng cao. Dù vậy, phía sau diễn biến này, NH đang chấp nhận chịu chi phí huy động cao hơn, dẫn tới lãi suất cho vay có thể gia tăng.
Điều này ít nhiều gây thêm áp lực tài chính đối với doanh nghiệp và gây bất lợi khi người tiêu dùng đi vay. Bởi thực tế, tăng lãi suất chỉ là giải pháp ngắn hạn. NH chạy đua lãi suất lâu dài có thể đem lại các hệ lụy không mong muốn. Một chiến lược thu hút khách hàng hiệu quả cần phát triển như yếu tố cốt lõi làm tăng nguồn vốn. Điều này tùy thuộc vào chiến lược của từng NH.
Theo Sài gòn đầu tư tài chính