tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thỏi nam châm tín dụng đang ở đâu?

  • Cập nhật : 04/04/2016

(Tin kinh te)

Theo định hướng của NHNN các NHTM đã, đang tập trung vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó nông nghiệp, nông thôn vẫn là lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt chú trọng hỗ trợ.

Bữa điểm tâm: Bất động sản

Thông thường, thời điểm cuối năm mới là “vụ mùa” tín dụng, đặc biệt trong quý cuối cùng của năm. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đã có những khởi sắc trong khó khăn, sức khoẻ của nền kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực, sản xuất kinh doanh đang tốt dần lên.

Đơn cử, tại Hà Nội, dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn tháng 3/2016 tăng 1,2% so với cuối năm 2015 và tăng 1,2% so với cùng kỳ. Tiếp nối bước đệm sẵn có của năm 2015, cộng thêm việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hệ thống NH tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2016, phù hợp với định hướng và mục tiêu tín dụng cả năm 2016, việc lĩnh vực nào hiện nay đang hút vốn NH cũng nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường.

manh dat tin dung tieu dung cung la linh vuc ngay cang hut von cua nhtm, du ty trong chua lon

Mảnh đất tín dụng tiêu dùng cũng là lĩnh vực ngày càng hút vốn của NHTM, dù tỷ trọng chưa lớn

Trước hết, vấn đề này cần được xem xét và nhìn nhận ở hai khía cạnh từ cả phía nền kinh tế cũng như trên quan điểm của phía NH. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH cho rằng, với sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu... đều là những lĩnh vực luôn khát vốn. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, bất động sản (BĐS) vẫn được xem là lĩnh vực luôn hút vốn của NHTM.

“Mảnh đất tín dụng tiêu dùng cũng là lĩnh vực ngày càng hút vốn của NHTM, dù tỷ trọng chưa lớn”, ông Hiếu cho biết thêm. Dưới góc nhìn của NHTM, sự “mặn mà” với BĐS chưa bao giờ thuyên giảm. Đơn giản đây là lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao, và tài sản thế chấp thường có thể nhìn thấy được và thị trường cũng đang sôi động nên NHTM cũng phần nào an tâm về giá trị tài sản đảm bảo.

Ông Hiếu cũng phân tích thêm: Thị trường BĐS của Việt Nam thường hoạt động theo chu kỳ 4 năm. Giai đoạn từ năm 2006 - 2010, BĐS lên như diều gặp gió, sang tới quãng 2010 - 2014 lại là chu kỳ đi xuống. Và trong năm 2015 vừa qua, thị trường BĐS dần thoát khỏi tình trạng đóng băng và bắt đầu ấm trở lại.

Đồng tình với quan điểm của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Tổng giám đốc một NHTM cũng cho rằng BĐS vẫn là thỏi nam châm hút vốn. Đứng trên góc nhìn của NHTM, mỗi nhà băng sẽ có chiến lược, định hướng phát triển riêng, nhưng dù gì tất cả đều nhìn vào kết quả kinh doanh.

Thông thường, với mỗi một món vay, NHTM đều phải tính lợi nhuận dựa trên chỉ số ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) và ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản). Với ROE, mỗi món vay, NH phải xác định tỷ lệ lợi nhuận phù hợp. Ở những nền kinh tế phát triển, ROE phải rơi vào ít nhất 10%.

“Một yếu tố quan trọng nữa NHTM cũng luôn quan tâm là hệ số rủi ro tín dụng của mỗi món vay trước khi rót vốn vào. Với lĩnh vực BĐS, rủi ro tín dụng BĐS hiện ở mức 150%, sắp tới tăng lên 250% sẽ làm giảm chỉ số ROE của các NHTM cho vay BĐS. Các NHTM chắc chắn sẽ phải có sự tính toán rủi ro cho từng món vay, đặc biệt là BĐS”, vị này cho biết thêm.

Bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến cho rằng việc Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư 36 sẽ siết chặt hơn tín dụng với BĐS, như vậy thì khó có thể khẳng định đây vẫn là lĩnh vực hút vốn của NHTM.

Thực tế, tín dụng cho BĐS sẽ hẹp lại, bởi bản thân các NHTM không thể tăng vốn tự có một cách nhanh chóng được. Mà nếu như không tăng được vốn trong khoảng thời gian ngắn, thì chỉ còn giải pháp là thu hẹp quy mô cho vay kinh doanh BĐS.

NHNN đã khẳng định dự thảo Thông tư 36 không làm giảm vốn tín dụng cho thị trường BĐS, và việc điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh BĐS từ 150% lên 250% cũng ảnh hưởng không đáng kể đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR).

Việc điều hành và quản lý của NHNN đối với lĩnh vực vốn có quá nhiều rủi ro này là chuyện cần thiết phải làm, để tránh rơi vào “vết xe đổ” như thời kỳ trước. Và cũng nên phân biệt rõ là thu hẹp quy mô cho vay kinh doanh BĐS, chứ không phải thu hẹp việc đầu tư BĐS. Siết vào để hiệu quả hơn, không đồng nghĩa với việc tín dụng cho BĐS sẽ khó phát triển.

Vốn không thể dồn ứ vào một chỗ

Một góc nhìn khác từ phía NHTM, ngoài chuyện lĩnh vực nào hấp dẫn và mời gọi NHTM rót vốn vào, thì NHTM cũng luôn phải có trách nhiệm và sự hỗ trợ với những lĩnh vực khác của nền kinh tế. Khi nhu cầu tăng trưởng tín dụng chưa quá cao, NHTM thường ưu tiên mua trái phiếu Chính phủ (TPCP).

Với các NHTM, bao giờ cũng phải có một lượng TPCP để thoả mãn nhu cầu “lương khô”, đáp ứng quy định thanh khoản. Nếu cho vay BĐS lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng không thấp, còn đầu tư vào TPCP rủi ro bằng 0 nhưng lợi nhuận thấp. Nhưng theo lãnh đạo một NHTM, cái gì quá cũng không tốt, bởi làm như vậy sẽ đi ngược lại mục đích sử dụng vốn của nền kinh tế.

Theo định hướng của NHNN các NHTM đã, đang tập trung vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó nông nghiệp, nông thôn vẫn là lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt chú trọng hỗ trợ. Dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại thời điểm 31/12/2015 đã tăng 13,32% so với cuối năm 2014, nhưng xét trên tổng dư nợ thì vẫn ở mức khiêm tốn.

Trong các lĩnh vực khác, tính tới cuối tháng 11/2015, cho vay DN ứng dụng công nghệ cao tăng 43,7%; cho vay lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 9,89%; DNNVV tăng 7,56% và cho vay lĩnh vực xuất khẩu giảm 3,43% so với cuối năm 2014.

Những thống kê này cho thấy, cho vay ứng dụng công nghệ cao thậm chí còn cao hơn so với nông nghiệp - nông thôn. Biết rằng đây là lĩnh vực cần đặc biệt ưu tiên, nhưng cũng là câu chuyện thực tế. Khi các NHTM kinh doanh, điều quan tâm lớn nhất là lợi nhuận và rủi ro tín dụng. Nông nghiệp - nông thôn đi kèm với rủi ro cao, và rủi ro không đoán định được, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thiên tai, dịch bệnh...

Nên trong năm 2016, để tín dụng lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là nông nghiệp - nông thôn phát triển hơn vẫn cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ hơn, kịp thời và hiệu quả từ phía cơ quan quản lý. Cần hơn nữa sự vào cuộc và cả sự “dũng cảm” từ phía các NHTM.


Minh Khuê
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục