tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đón “sóng” vốn ngoại theo TPP

  • Cập nhật : 09/10/2015

(Thuong mai)

Vốn đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới sau khi 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán

Báo cáo tác động của TPP do Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế công bố mới đây cho rằng khi tham gia TPP, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam dự đoán sẽ tăng khoảng 13 tỉ USD, gần bằng thu hút FDI vào Nhật Bản, gấp đôi vào Úc, Malaysia… Có được con số này nhờ Việt Nam là nước có lợi thế xuất khẩu với giá nhân công rẻ, chi phí đầu vào trung bình thấp hơn các nước khác, nguyên liệu nhiều ngành như nông sản, thủy sản có tại chỗ…

Kỳ vọng vốn Mỹ, Nhật

TPP mở ra cơ hội lớn trước hết về mặt thương mại, kéo theo đó là cơ hội thu hút vốn FDI. Theo TS Phạm Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 nước TPP còn lại, Mỹ và Nhật Bản là 2 đối tác quan trọng của Việt Nam trong thu hút vốn FDI. Tương lai, đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, phân phối bán lẻ sẽ tăng; song song đó là đầu tư vào nông nghiệp từ Nhật cũng sẽ tăng “nóng”. Nhiều đoàn doanh nghiệp (DN) Nhật đã sang thăm dò, khảo sát để hợp tác phát triển nông nghiệp với Việt Nam nên nhiều khả năng Nhật sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực này.

tpp se la co hoi de viet nam don lan song dau tu nuoc ngoai. trong anh: thi truong thuc an nhanh dang thu hut cac nha dau tu ngoai anh: tan thanh

TPP sẽ là cơ hội để Việt Nam đón làn sóng đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Thị trường thức ăn nhanh đang thu hút các nhà đầu tư ngoại Ảnh: Tấn Thạnh

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài, cũng kỳ vọng sẽ có một cú hích lớn trong thu hút vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam. TPP sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam và Mỹ không chỉ về thương mại mà cả thu hút vốn đầu tư. Khi TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu hàng Việt Nam vào Mỹ về 0%, các DN Mỹ sẽ rất có lợi nếu đầu tư vào Việt Nam sản xuất rồi tái xuất sang Mỹ. Trước TPP, trong các hoạt động xúc tiến đầu tư của Mỹ, cam kết của lãnh đạo cao cấp và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đều cho thấy Mỹ sẽ vượt qua Hàn Quốc để trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.

Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Hong Sun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng TPP sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc; các DN Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư nhiều hơn nữa sang Việt Nam để hòa nhập vào những nền kinh tế lớn trên thế giới, tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp ô tô, dệt may, điện tử… và một số lĩnh vực truyền thống khác.

Cơ hội chọn lọc nhà đầu tư

Năm năm qua (2011-2015), Việt Nam thu hút vốn FDI kém hơn 5 năm trước về mức đăng ký nhưng vẫn tăng trưởng ổn định bình quân khoảng 10%. Vốn đăng ký giai đoạn 2011-2015 và năm 2015 sẽ đạt mục tiêu 23 tỉ USD/năm. Theo TS Phạm Hữu Thắng, chưa vào TPP nhưng chúng ta đã thu hút được trên 20 tỉ USD/năm và bằng gấp đôi số vốn thực hiện. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng nên vốn đầu vào chắc chắn đạt mức trên 20 tỉ USD/năm. Vấn đề là sức hấp thụ của nền kinh tế chỉ có thể tiếp nhận hơn 10 tỉ USD/năm, chúng ta không thể tăng đột biến khả năng hấp thụ. Vì vậy, trong giai đoạn tới, Việt Nam không cần lo thu hút vốn ngoại nhiều hay ít mà vấn đề là quản lý thế nào để sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất.

“Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn, cần ưu tiên vốn vào lĩnh vực công nghệ, bảo vệ môi trường, gắn với an ninh quốc phòng và theo mục tiêu ngắn hạn, dài hạn... Ngoài ra, hiện vẫn còn hơn 100 tỉ USD vốn FDI chưa thực hiện nằm rải rác trong hàng trăm dự án, nếu không được xử lý trong giai đoạn 2016-2020 thì sẽ rất lãng phí” - TS Phạm Hữu Thắng nói.

GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng thay vì mở cửa đối với tất cả dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày như lâu nay, Chính phủ nên có biện pháp cụ thể giúp DN trong nước thuộc 2 lĩnh vực này lớn mạnh, tận dụng cơ hội xuất khẩu sang các nước TPP. Hai năm nay, dự án đầu tư vào may mặc diễn ra rầm rộ ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Nam Định… Chín tháng đầu năm, nhiều dự án lớn hàng trăm triệu USD đổ vào lĩnh vực may mặc đã được xúc tiến.

“Tôi nhiều lần đặt vấn đề liệu có nên xem đây là làn sóng đầu tư tốt cho Việt Nam? Dệt may không phải là lĩnh vực công nghệ cao, thay vì thu hút đầu tư nước ngoài, nhà nước nên tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển. Chúng ta đã phải đánh đổi không ít khi tham gia TPP nên Chính phủ cần có hướng giải quyết để cộng đồng DN Việt có thể khai thác, tận dụng và thụ hưởng lợi thế xuất khẩu sang các nước TPP. Theo đó, không đóng cửa nhưng cũng không khuyến khích đầu tư nhiều vào lĩnh vực may mặc, giày da” - GS-TSKH Nguyễn Mại nêu quan điểm.

Cạnh tranh sẽ khốc liệt

Đánh giá về khó khăn từ TPP, các chuyên gia kinh tế cho rằng thách thức vô cùng lớn. Trong khi lợi ích từ TPP còn mơ hồ thì phần tổn thất đã rõ ràng hơn vì Việt Nam có nhiều lúng túng, bỡ ngỡ khi bước vào sân chơi mới quy mô lớn. Sẽ xảy ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP trong thu hút đầu tư bởi các quốc gia này là những nền kinh tế phát triển, có dịch vụ, chính sách liên quan đến đầu tư quốc tế rõ ràng.

Song song đó, vốn FDI giúp công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển nhưng cũng là mối nguy cho các DN nội địa không có quy mô lớn và công nghệ hiện đại.

 

Chậm chân, cơ hội sẽ mất!

Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp (DN) hội nhập vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Có điều, muốn tận hưởng được ưu đãi, lợi thế về thuế suất, DN phải đáp ứng yêu cầu về tỉ lệ nội địa hóa nhất định (nguồn nguyên phụ liệu đầu vào phải được sản xuất trong nước hoặc nhập từ các thành viên TPP).

Với ngành dệt may, da giày, nếu tiếp tục nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc (hiện khoảng 60%-70% nguồn nguyên liệu đang nhập từ thị trường này), sẽ không được hưởng ưu đãi thuế từ TPP; còn nhập từ thị trường Mỹ, Nhật… (trong khối TPP) thì chi phí sẽ rất cao, DN không cạnh tranh được. Vì thế, yêu cầu đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ chưa bao giờ trở nên cấp bách như lúc này.

Thế nhưng, khi được hỏi về tiến độ đầu tư vùng nguyên phụ liệu cho ngành, nhiều chủ DN dệt may, da giày đều lắc đầu: “Chưa thấy gì!”. Hỏi tại sao DN không tự đầu tư mà ngồi chờ nhà nước thì được giải thích: Lâu nay, các DN chủ yếu đảm nhận khâu gia công, trong chuỗi sản xuất từ sợi - dệt - nhuộm - may thì DN nội địa chủ yếu làm may. Các khâu khác như sợi, dệt, nhuộm cần vốn đầu tư lớn trong khi đa phần DN có quy mô nhỏ và vừa nên phải ngồi chờ nhà nước hỗ trợ bằng các chính sách ưu đãi về vốn, đất đai, công nghệ, kỹ thuật nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở... kế hoạch!

Làn gió mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ khi gần đây dòng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực này rất lớn nhằm đón đầu lợi thế từ TPP và các hiệp định thương mại tự do. DN nước ngoài có vốn lớn, tiềm lực tài chính mạnh, có công nghệ và đã tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu nên không lo về đầu ra. Khi đó, họ có thể đầu tư các khâu khó như dệt - nhuộm để đáp ứng nhu cầu của mình và bán cho DN nội địa. Có điều, cũng không thể trông chờ tất cả vào DN nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nhất là khi một số dự án đầu tư vào Việt Nam còn xin làm luôn cả khâu may - sản xuất hàng rồi xuất khẩu - cạnh tranh trực tiếp với DN trong nước!

Lúc này, cần sự quyết liệt hơn nữa của nhà nước nhằm triển khai các chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ, quy hoạch vùng nguyên phụ liệu tạo cơ sở cho ngành da giày, dệt may phát triển. Nếu vẫn tiếp tục nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào thì kim ngạch xuất khẩu có tăng thêm hàng tỉ USD, giá trị thật sự mang lại cho DN và nền kinh tế không đáng là bao.

Sẽ chưa quá trễ nếu chúng ta bắt đầu ngay từ bây giờ!

Thái Phương

 

(Theo Người lao động) 

Trở về

Bài cùng chuyên mục