Theo nhiều chuyên gia, chế độ tỷ giá cố định có thể dẫn tới “đô la hóa” nền kinh tế, suy giảm niềm tin người dân vào giá trị của đồng nội tệ.
Lợi nhuận và áp lực nợ xấu
- Cập nhật : 11/01/2016
(Tai chinh)
Đến nay vẫn chưa có nhiều NH công bố lợi nhuận năm 2015, nhưng có thể dễ dàng dự đoán lợi nhuận của phần lớn NH đều khả quan.
Cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế, kết quả kinh doanh một số NH trong năm 2015 khá khả quan. Nguyên nhân do tăng trưởng tín dụng của các NH khá lớn và áp lực nợ xấu không cao như dự tính, đồng thời biên lợi nhuận các NH đều tăng do lãi suất huy động ở mức thấp. Dù vậy việc trích lập vẫn là áp lực lớn đối với lợi nhuận của hệ thống trong năm qua.
Lợi nhuận khả quan
Là NH công bố kết quả lợi nhuận năm 2015 sớm nhất, TPBank kết thúc năm 2015 đạt trên 76.200 tỷ đồng tổng tài sản, tăng gấp rưỡi so với 2014. Đáng chú ý, lợi nhuận sau khi trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro vẫn vượt kế hoạch, với mức 625 tỷ đồng, huy động vốn đạt gần 69.000 tỷ đồng, bằng 116,25% kế hoạch.
Theo TPBank, dư nợ cho vay tăng trưởng khá và sử dụng hết hạn mức được cho phép, trong khi vẫn giữ được chất lượng tín dụng tốt với mức nợ xấu chỉ 0,4%. Lãnh đạo TPBank cho biết trong hơn 3 năm qua NH đã triển khai tái cơ cấu thành công, tạo ra hơn 1.670 tỷ đồng lợi nhuận, bù đắp được toàn bộ tổn thất trước đây và đã có lợi nhuận lũy kế.
Một NH khác cũng vừa công bố kết quả sơ bộ về lợi nhuận là VPBank. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2015 của VPBank ước đạt 1.800 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu là 2,59%. Với kết quả kinh doanh khả quan này, VPBank đặt kế hoạch đầy tham vọng cho năm 2016 với lợi nhuận trước thuế và sau thuế năm 2016 dự kiến lần lượt 2.300 tỷ đồng và 1.794 tỷ đồng, cùng tăng 27,8% so với 2015. Mới đây, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch VietinBank, cũng tiết lộ kết quả kinh doanh của NH. Theo đó, tổng tài sản của Vietinbank tính đến cuối năm 2015 đạt 779.000 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2014; dư nợ tín dụng đạt 674.000 tỷ đồng, tăng 24,2%; tổng nguồn vốn huy động đạt 702.000 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhận trước thuế hợp nhất đạt 7.360 tỷ đồng, hoàn thành 100,8% kế hoạch cả năm và tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%.
Cũng nằm trong số ít NH sớm công bố kết quả kinh doanh năm qua,Vietcombank cho biết mức lợi nhuận ước tính năm 2015 đạt 6.750 tỷ đồng. Lợi nhuận khả quan nhờ vào tăng trưởng mạnh của thu nhập lãi thuần cùng với đóng góp của các dòng thu nhập khác, giúp bù đắp chi phí hoạt động và dự phòng tăng. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, tăng trưởng tín dụng trong quý IV-2015 đã đóng góp một nửa mức tăng trưởng tín dụng cả năm của NH này.
Nhờ đó tăng trưởng cả năm dự kiến ở mức 28,5%, giúp thu nhập lãi thuần đạt 15.130 tỷ đồng. HSC cho rằng dù chi phí hoạt động và dự phòng của Vietcombank tăng, nhưng NH vẫn duy trì tốt tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể, chi phí hoạt động Vietcombank có thể tăng 23,5%, trích lập dự phòng hơn 31% so với năm 2014 ở mức 6.017 tỷ đồng do đẩy mạnh xử lý nợ xấu (khoảng 4.000 tỷ đồng), theo đó giúp NH giữ tỷ lệ nợ xấu sau xử lý ở mức 1,8%.
Đến nay vẫn chưa có nhiều NH công bố lợi nhuận năm 2015, nhưng có thể dễ dàng dự đoán lợi nhuận của phần lớn NH đều khả quan. Trước đó, kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2015 cho thấy lợi nhuận của hầu hết NH đều tăng khá mạnh. Nguyên nhân do tăng trưởng tín dụng của các NH đều đạt mức khá cao, biên lợi nhuận cũng cao do chênh lệch lãi suất cho vay và huy động lớn hơn năm 2014.
Áp lực nợ xấu lớn
Vừa qua, Eximbank công bố lợi nhuận trước thuế 11 tháng năm 2015 đạt 552 tỷ đồng, hoàn thành 55,2% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 1.724 tỷ đồng, chi phí xử lý nợ xấu đã hạch toán 1.172 tỷ đồng. Năm 2015 Eximbank đã phải chịu nhiều sóng gió, nhiều biến cố như một số lãnh đạo kỳ cựu của NH này đã phải ra đi sau ĐHCĐ bất thường vào cuối năm vừa qua.
Cùng chịu nhiều áp lực với kết quả kinh doanh năm 2015 làSacombank. Sau khi sáp nhập Phương Nam, Sacombank sẽ phải gánh cục nợ xấu lên đến trên 50% của Phương Nam. Trong đề án sáp nhập được công bố, Sacombank cũng chỉ đặt kế hoạch hàng năm ở mức rất khiêm tốn, giảm rất nhiều so với mức lợi nhuận của Sacombank trước sáp nhập.
Nhìn chung bức tranh về kết quả kinh doanh của hầu hết NH vẫn còn chịu khá nhiều áp lực. Mặc dù con số nợ xấu theo báo cáo chính thức đến nay chỉ còn 2,7% và có nhiều NH đang ở mức dưới 1%, nhưng một vấn đề khác là đã có hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu đang được VAMCmua lại. Như vậy, tính trung bình các NH mỗi năm phải trích lập dự phòng số tiền có giá trị khoảng 20% với số nợ xấu này, tổng số tiền phải trích lập là 40.000 tỷ đồng. Đây sẽ là con số không nhỏ ăn mòn vào lợi nhuận các NH.
Như vậy, dù lợi nhuận 2015 của nhiều NH khá lạc quan, nhưng niềm lạc quan này không chia đều cho tất cả NH. Việc tái cấu trúc và mạnh tay của NHNN đã phơi bày điểm yếu kém của nhiều NH. Tương tự, tình trạng nợ xấu hiện nay vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro đối với NH. Nếu nợ xấu được bung ra, đồng nghĩa việc lợi nhuận nhiều NH sẽ chịu áp lực lớn.