tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tăng thuế GTGT dễ gây phản tác dụng

  • Cập nhật : 18/08/2017

Tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%, Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 2 quốc gia có thuế suất sắc thuế này cao nhất châu Á - Thái Bình Dương (mức cao nhất ở khu vực này là Philippines với 18%, còn lại từ 10% trở xuống)

Theo giới phân tích, Bộ Tài chính đề xuất chuyển một loạt hàng hóa từ không chịu thuế GTGT lên chịu thuế GTGT, từ mức 5% lên 10% và tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% sẽ tác động không tốt đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh sức mua chưa cải thiện.

Chưa hợp lý

Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, Bộ Tài chính lý giải việc tăng thuế GTGT để bảo đảm công bằng xã hội là chưa hợp lý. Bởi lẽ, với việc bảo đảm công bằng xã hội về thuế, các quốc gia không sử dụng thuế GTGT mà họ thường ấn định một sắc thuế cụ thể cho từng ngành nghề, lĩnh vực.

thue gtgt tang se lam cho gia hang hoa tang anh: tan thanh

Thuế GTGT tăng sẽ làm cho giá hàng hóa tăng Ảnh: TẤN THẠNH

 

Nhiều ý kiến nhận định trong bối cảnh bội chi ngân sách, nợ công tăng cao, đặc biệt là nguồn thu ngân sách sẽ bị co hẹp vì thuế nhập khẩu giảm dần về 0% khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực, có lẽ đây là lý do chính để Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại chưa đưa ra cơ sở nào cho thấy đã tính toán việc tăng thuế là hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người dân.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, nhận định: "Thuế là một công cụ để tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội… song chúng ta chưa thực thi trọn vẹn mục đích này. Một nguyên tắc quan trọng cho việc thu thuế là nuôi dưỡng nguồn thu. Thế nhưng, lâu nay chúng ta chỉ tập trung tái cơ cấu nguồn thu và tăng thuế mà ít chú trọng đến nguồn chi, khi có nhiều khoản chi hết sức bất hợp lý. Do đó, nhà nước cần chú trọng tái cơ cấu nguồn thu lẫn chi để cân đối ngân sách thay vì phải tăng thuế để tăng nguồn thu".

Thuế và phí còn cao

PGS-TS Ngô Trí Long cho biết các yếu tố cấu thành giá cả hàng hóa đều có thuế. Theo quy luật, với một mặt hàng nhất định, khi các yếu tố khác cố định nhưng nếu thuế GTGT tăng 2% thì giá sẽ tăng tương ứng, có thể làm suy yếu khả năng tiêu thụ hàng hóa.

Hiện thuế và phí tại Việt Nam còn cao so với thu nhập của người dân. Trong các năm gần đây và sắp tới, Việt Nam liên tục thay đổi các quy định về thuế, cho thấy chính sách thuế thiếu bền vững; tính công khai, công bằng về thuế cũng chưa đầy đủ. Do đó, Bộ Tài chính chưa nên đề xuất tăng thuế mà nên chọn thời điểm thích hợp để thay đổi.

"Trong bối cảnh nhiều quốc gia tăng thuế GTGT, Việt Nam không nên máy móc tăng theo mà cần điều chỉnh cho phù hợp với thu nhập của người dân, thực trạng của nền kinh tế, mức độ lạm phát… Đặc biệt, cần căn cứ vào thuế suất của các quốc gia có điều kiện kinh tế tương đồng với nước ta mới là hợp lý" - ông Long nhìn nhận.

Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh đánh giá việc tăng thuế GTGT sẽ dẫn đến chỉ số giá sản xuất (PPI) của nền kinh tế tăng lên khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng theo. Như vậy, thực chất tăng trưởng kinh tế không tăng lên mà còn giảm đi ở ngay chu kỳ sản xuất sau đó. Những chu kỳ sản xuất tiếp theo chắc chắn sẽ gặp khó khăn bởi tăng trưởng kinh tế bằng tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản cộng với thuế GTGT. Do đó, tăng thuế GTGT nhìn thoáng qua tưởng như có thể làm tăng trưởng kinh tế trong tức thời nhưng thực tế lại làm suy giảm nguồn lực của nền kinh tế ở những chu kỳ sản xuất sau.

Lo nguồn thu thất thoát

Thuế GTGT tăng lên đồng nghĩa nguồn thu ngân sách từ sắc thuế này tăng theo. Thế nhưng, không ít người lo ngại những lỗ hổng trong việc hoàn thế GTGT sẽ dẫn đến thất thu. Thậm chí, sau khi tăng thuế GTGT, số tiền thêm được có khi ngang bằng với số tiền bị thất thoát. Như thế, mục đích tăng thuế để tăng nguồn thu có thể không đạt mục tiêu.

Theo TS Phan Mỹ Hạnh (Trường ĐH Kinh tế TP HCM), các hành vi gian lận hoàn thuế GTGT diễn ra trên phạm vi rất rộng, từng làm thất thoát nguồn thu hàng trăm tỉ đồng. Nhiều trường hợp gian lận nằm "ngoài tầm" của cơ quan thuế với số tiền rất lớn và thường không bị kiểm tra hoặc có kiểm tra nhưng không được xử lý nghiêm. Bởi lẽ, với phương pháp thủ công để truy xuất, đối chiếu chứng từ, hóa đơn và số lượng cán bộ có hạn như hiện nay, khối lượng hóa đơn đã vượt quá xa khả năng kiểm soát của ngành thuế. Chẳng hạn, TP HCM có khoảng 5 triệu hóa đơn giao dịch/năm nhưng chỉ có 3.300 cán bộ ngành thuế, trong đó cán bộ nghiệp vụ chỉ khoảng 50%.

Bà Hạnh cho rằng do sự quá tải này nên tỉ lệ kiểm tra sau hoàn thuế hằng năm vẫn chưa đạt đến 30% số DN. Số liệu thực tế của TP HCM cho thấy trong 15.000 DN, bình quân mỗi năm có khoảng 1.000 trường hợp được hoàn thuế (chiếm 6,66%). Trong 1.000 trường hợp này, hiện chỉ có thể kiểm tra sau khi hoàn thuế khoảng 300 DN. Hơn nữa, việc này chỉ do một số nhân viên thuế thực hiện khi kiểm tra quyết toán thuế nên khả năng tiêu cực ở đây là không nhỏ.

PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng hoàn thuế GTGT là một khâu mà cơ quan quản lý rất khó truy xuất nguồn gốc, hệ quả là ngân sách thất thu rất lớn trong những năm gần đây. Khi thuế suất tăng lên thì nguồn thu sẽ tăng nhưng nếu khâu hoàn thuế không rõ ràng, sẽ có người lợi dụng kẽ hở này để trục lợi. Vì vậy, nếu nhà nước tăng thuế GTGT không hợp lý, người nộp thuế sẽ tìm cách gian lận dẫn đến nguồn thu không thể tăng lên. 

Phải bảo đảm và nuôi dưỡng nguồn thu

Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong văn bản thông báo kết luận tại cuộc họp về nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số luật thuế.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, bổ sung về mục đích, quan điểm xây dựng dự án luật, trong đó lưu ý phải đáp ứng, tương thích với các luật mới được Quốc hội ban hành như Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Đầu tư... Các luật thuế sửa đổi phải phù hợp mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng phát triển; bảo đảm nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm động viên ngân sách, chống xói mòn cơ sở thuế. Đồng thời, định hướng sản xuất và tiêu dùng, qua đó thực hiện mục tiêu cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế; đúng bản chất của sắc thuế, nhất quán, rõ ràng, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Về thuế GTGT, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xem lại các nội dung quy định không phải kê khai nộp thuế đối với nông sản ở khâu thương mại. Bên cạnh đó, rà soát kỹ thêm nhóm hàng hóa dịch vụ cần nâng lên 11%-12% hoặc chuyển từ không chịu thuế sang chịu thuế GTGT.

 

Giá bất động sản sẽ tăng theo

Là tổ chức đầu tiên chính thức có văn bản góp ý về dự án Luật Sửa đổi 5 Luật Thuế, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) ngày 17-8 đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các bên liên quan, đề cập 2 nội dung của dự thảo sửa Luật Thuế GTGT.

Cụ thể, về đề xuất 2 phương án tăng thuế suất thuế GTGT, HoREA cho rằng nên giữ nguyên 10% như hiện hành đến năm 2021. Theo HoREA, thuế GTGT có tác động rất lớn đối với nền kinh tế, tất cả DN và cuộc sống của người dân. Trong ASEAN, nhiều nước còn giữ mức thuế GTGT 5%-10% như Indonesia, Lào, Campuchia, Singapore, Thái Lan. Đối với thị trường bất động sản, nhà ở là công trình sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành. Nếu tăng thuế GTGT lên 12% từ ngày 1-1-2019 theo phương án chọn của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên - nhiên - vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công... tăng lên, giá bán nhà tăng theo.

Đối với dự kiến áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất (SDĐ) thay vì thuộc nhóm không chịu thuế như hiện nay, HoREA lo ngại nếu áp thuế sẽ dẫn đến tình trạng "thuế chồng thuế", làm tăng giá bán nhà mà người mua phải gánh thêm. Đại diện HoREA cho rằng chuyển quyền SDĐ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là hoàn toàn đúng cả về mặt pháp luật (để không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế), phù hợp với tình hình thực tiễn và có lý có tình, nhất là trong trường hợp chuyển nhượng nhà ở gắn liền với chuyển SDĐ. Bởi lẽ, tiền sử dụng đất dự án nhà ở là một khoản thu ngân sách nhà nước (gần như một khoản thuế) mà chủ dự án đã nộp; khi bán nhà ở kèm theo chuyển quyền SDĐ thì chủ dự án không phải nộp thuế GTGT (nghĩa là người mua nhà không phải trả thêm khoản thuế này).

T.HÀ

Thy Thơ
Theo Nld.com.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục