Giới doanh nghiệp tìm kiếm các mức thuế thấp hơn, dẫn tới cuộc đua giữa các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu này.
Sẽ quản lý tiền ảo? - Lỗ hổng chuyển tiền lậu
- Cập nhật : 27/08/2017
Ngoài việc đầu tư kiếm lời, nhiều sàn giao dịch tiền kỹ thuật số (coin) còn quảng bá công khai rằng nhà đầu tư có thể chuyển tiền nhanh chóng ra nước ngoài với chi phí thấp.
Chuyển tiền ra nước ngoài dễ dàng
Trên thế giới, các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Canada... đều đã xây dựng khung pháp lý, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền ảo. Trong đó, tập trung vào 4 vấn đề là xây dựng khung pháp lý quản lý, ban hành chính sách thuế đối với đầu tư, kinh doanh tiền ảo, có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu tiền ảo, cấm các giao dịch tiền ảo do tư nhân phát hành.
Các sàn giao dịch coin đang được quảng bá là nơi có thể dễ dàng chuyển tiền ra nước ngoài khi cần thiết. Ví dụ tại sàn Remitano (được thành lập tại Cộng hòa Seychelles - một quốc đảo nằm trong Ấn Độ Dương - có hỗ trợ người dùng bằng nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Việt), khách hàng được hướng dẫn dùng tiền đồng mua Bitcoin thông qua tài khoản Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank).
Lượng tiền này sẽ được lưu trữ tại ví Bitcoin của người mua được mở trên sàn trước đó. Để thực hiện việc chuyển tiền, người thân hay bạn bè ở nước ngoài cũng phải có ví Bitcoin tương ứng để nhận tiền. Hay nói cách khác, người ở VN sau khi mua Bitcoin có thể nhanh chóng chuyển lượng tiền này sang ví một người ở nước ngoài. Người nhận được Bitcoin sẽ bán ra để lấy tiền thật và sử dụng dễ dàng ở nước sở tại. Thời gian thực hiện chuyển và nhận chỉ mất từ 1 - 2 giờ. Cách chuyển tiền này cũng có thể áp dụng cho việc chuyển tiền ngược lại từ nước ngoài vào VN.
Chúng tôi đặt vấn đề muốn chuyển 200.000 USD qua Mỹ để mua nhà, nhân viên sàn Remitano khẳng định hoàn toàn có thể làm được theo hình thức trên. Nhân viên này cũng lưu ý do tỷ giá quy đổi Bitcoin ở mỗi nước khác nhau nên người chuyển tiền qua Bitcoin phải cân nhắc và xem xét ở nước rút tiền có công nhận nguồn tiền quy đổi từ Bitcoin là hợp pháp hay không. Trong trường hợp không được công nhận là hợp pháp, khả năng vi phạm pháp luật rất cao vì hệ thống chống rửa tiền của các nước phát triển rất nghiêm ngặt.
Vào giữa tháng 7 vừa qua, báo cáo “Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017” của Hiệp hội Địa ốc quốc gia Mỹ (NAR) cho biết trong năm tài chính vừa qua (tính từ tháng 4.2016 - 3.2017), số tiền người Việt bỏ ra mua bất động sản tại Mỹ tương đương 3,06 tỉ USD, khoảng hơn 68.000 tỉ đồng. Từ năm 2007, VN luôn là một trong những nước đứng đầu mua nhà ở Mỹ và số tiền ngày càng gia tăng. Lượng kiều hối chuyển về VN qua các năm gần đây quanh mức 10 tỉ USD mỗi năm.
Sự xuất hiện phương thức chuyển tiền qua tiền ảo hiện nay đang đe dọa doanh thu dịch vụ của các ngân hàng, công ty chuyển tiền. Việc chuyển Bitcoin có thể không mất phí hoặc chỉ tốn phí khoảng 0,15%, còn ngân hàng thì từ 0,15 - 0,2% nhưng bị yêu cầu giấy tờ chứng minh mục đích chuyển tiền. Lâu nay, các dịch vụ chuyển tiền “chui” từ VN ra nước ngoài đều có mức phí khá cao, từ 1 - 3% nhưng nhiều người dân vẫn chấp nhận. Vì thế, các chuyên gia lo ngại hình thức giao dịch tiền ảo có thể được dùng để chuyển tiền, “rửa” tiền.
Sớm ban hành khung pháp lý
PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng điều này đang dần trở thành một xu hướng công nghệ mới và nhiều nước đã chấp nhận. Quan trọng nhất là xây dựng khung pháp lý và đặt ra các điều kiện về mục đích sử dụng, kèm theo chế độ đăng ký, báo cáo có liên quan để phòng ngừa các hoạt động chuyển tiền lậu hay rửa tiền. Bởi dù không có tiền ảo, người Việt mỗi năm cũng đã chuyển ngầm hàng tỉ USD ra nước ngoài để mua nhà, mua hàng hóa… “Chúng ta không thể nói rằng sợ dùng tiền ảo là gia tăng chuyển tiền lậu hay rửa tiền mà cấm. Điều này cũng giống như cho rằng karaoke là phát sinh mại dâm nên cấm kinh doanh karaoke là không hợp lý và đi ngược xu hướng phát triển của thế giới”, PGS-TS Võ Trí Hảo nhấn mạnh.
Trong trường hợp người chuyển tiền chọn cách chuyển qua hình thức tiền ảo, theo TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), hình thức này có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ của mỗi nước khi không thể quản lý được dòng tiền ra vào. VN hiện quản lý rất nghiêm ngặt chuyển tiền ra ngoài lãnh thổ. Các tổ chức, cá nhân muốn chuyển tiền ra nước ngoài chính thức phải có giấy tờ chứng minh mục đích... Vì thế, về bản chất, việc chuyển tiền bằng coin là bất hợp pháp nhưng chưa có quy định nào hướng dẫn xử lý chi tiết. Cơ quan chức năng cũng chỉ giới hạn bằng cách cảnh báo chung chung mà chưa có giải pháp cụ thể.
Ông Bùi Quang Tín kiến nghị hiện nay thị trường coin đang lộng hành, nhưng thời gian hoàn thành đề án mà Chính phủ giao cho các bộ ngành đưa ra đến năm 2019 là quá lâu. Chuyên gia này kiến nghị cần rút ngắn thời gian ban hành khung pháp lý, vì nếu không mỗi cơ quan ban ngành sẽ có cách hiểu và xử lý khác nhau càng tạo ra kẽ hở cho nhiều cá nhân lợi dụng.
Thanh Xuân - Mai Phương
Theo Thanhnien.vn