Với giả định nâng tăng trưởng tín dụng lên mức 22%, hệ thống ngân hàng thương mại phải thu xếp số tín dụng tăng thêm tương ứng là khoảng 220.000 tỉ đồng.
Kinh nghiệm quản lý rủi ro về thuế của một số nước
- Cập nhật : 07/08/2017
Bài viết phân tích kinh nghiệm quản lý rủi ro về thuế của một số nước dựa trên bốn khía cạnh: Cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý rủi ro tuân thủ; Các mục tiêu của các cơ quan quản lý rủi ro tuân thủ; Các bộ phận chịu trách nhiệm về quản lý rủi ro tuân thủ; Vai trò của các cơ quan quản lý cấp trung ương và cấp địa phương trong quản lý rủi ro tuân thủ. Qua đó, bài viết gợi mở cho Việt Nam một số phương thức quản lý rủi ro về thuế trong bối cảnh mới.
Kinh nghiệm quản lý rủi ro về thuế của một số nước
Bungari
Năm 2006, Cơ quan Thuế quốc gia Bungari (NRA) bắt đầu triển khai các dự án quản lý rủi ro về thuế nhằm xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro tuân thủ thuế nói riêng và tuân thủ an ninh xã hội nói chung. Kể từ năm 2006, khái niệm quản lý rủi ro đã được hình thành và nghiên cứu kỹ lưỡng; đồng thời các hoạt động chính cần thiết cho việc thiết lập hệ thống quản lý rủi ro cũng bắt đầu được xác định rõ ràng và nhanh chóng triển khai.
Từ ngày 1/1/2008, Bungari đã thành lập một tổ chức trực thuộc NRA chịu trách nhiệm chính trong các vấn đề liên quan tới quản lý rủi ro. Cơ cấu tổ chức chính của đơn vị này được đặt tại trung ương bao gồm hai bộ phận riêng biệt là Cục Quản lý rủi ro thông thường và Cục Điều tra các trường hợp đặc biệt.
Mục tiêu chiến lược của Cục Quản lý rủi ro và Cục Điều tra các trường hợp đặc biệt là: Hỗ trợ thu thuế và đảm bảo an sinh xã hội một cách hiệu quả; Thúc đẩy tính tuân thủ tự nguyện dựa trên sự tín nhiệm cao của người dân.
Mới đây, Bungari đã cải cách, xây dựng mới cấu trúc hoạt động của Cục Quản lý rủi ro và Cục điều tra các trường hợp đặc biệt tại cấp trung ương. Theo đó, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm đối với toàn bộ quy trình quản lý rủi ro, trong đó đề cao vai trò và trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận có liên quan trong quản lý thuế.
Italia
Công tác thanh tra thuế và kiểm tra tài chính tại Italia được thực hiện bởi Tổng cục Đánh giá Trung ương trực thuộc Cơ quan quản lý thu. Nhiệm vụ của Tổng cục Đánh giá Trung ương tập trung vào việc phân loại các đối tượng nộp thuế (doanh nghiệp (DN) lớn, DN nhỏ, DN vừa, cá nhân tự doanh…) thay vì phân loại theo các giai đoạn hoạt động nghiệp vụ (kiểm toán, thanh tra thuế…) nhằm phục vụ tốt hơn cho quá trình quản lý.
Về cấu trúc, các bộ phận tham gia vào việc phân tích rủi ro nhằm phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế bao gồm: Phòng phân tích và Chiến lược, phòng các DN nộp thuế lớn và phòng chống gian lận. Cụ thể, phòng phân tích và Chiến lược có trách nhiệm: Phân tích rủi ro tránh thuế và trốn thuế và hỗ trợ công tác này tại các địa phương thông qua việc hỗ trợ các công cụ phân tích; Xây dựng chiến lược và phương pháp để thực hiện kiểm soát thuế; Điều phối và giám sát phân tích rủi ro ở cấp địa phương; Theo dõi, giám sát các hoạt động quản lý thuế và tác động của nó đối với hành vi tuân thủ.
Đối với bộ phận phân tích thuộc phòng các DN lớn, trách nhiệm chính bao gồm: Phân tích các rủi ro tránh và trốn thuế; Thiết lập các công cụ để trợ giúp cho phân tích nguy cơ rủi ro trốn và tránh thuế; Xây dựng chiến lược và phương pháp để thực hiện kiểm soát thuế; Xây dựng danh sách các đối tượng nộp thuế lớn có doanh thu vượt 100 triệu Euro; Xây dựng danh sách các đối tượng nộp thuế khác có liên quan; Thường xuyên đào tạo phân tích rủi ro trốn và tránh thuế tại các đối tượng nộp thuế lớn.
Hà Lan
Cục Thuế và Hải quan ở Hà Lan có nhiều nỗ lực trong việc thắt chặt giám sát thông qua những hành động dựa trên nên tảng là sự tin tưởng giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Theo đó, tại những nơi mà rủi ro về thuế thấp, giao dịch của người nộp thuế được thực hiện càng đơn giản càng tốt nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Ngược lại, trong trường hợp rủi ro cao, việc quản lý, giám sát sẽ được tăng cường và cơ quan thuế và hải quan sẽ phải thực hiện các biện pháp để quản lý rủi ro.
Quản lý rủi ro tuân thủ ở Hà Lan được tổ chức một phần ở cấp trung ương và cấp địa phương. Hiệu quả và lợi ích chiến lược được xác định là những nhân tố quan trọng quyết định hoạt động quản lý rủi ro tuân thủ sẽ được tổ chức thực hiện ở cấp trung ương hay cấp địa phương. Theo quan điểm của các nhà quản lý thuế nước này, một số chính sách thực hiện ở cấp địa phương sẽ mang lại hiệu quả hơn, chẳng hạn như quản lý về cơ sở thành lập của các DN.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng trong việc phân chia công việc từ cấp trung ương đến cấp địa phương là sự cam kết của các nhân viên trong công tác quản lý rủi ro. Công việc này phải được tổ chức tại các khu vực lân cận. Công tác giám sát, kiểm toán được thực hiện đối với các mẫu lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Theo đó, sự kiểm tra, giám sát không báo trước sẽ không chỉ làm tăng chất lượng kiểm soát mà còn tạo ra một cơ sở dữ liệu nghiên cứu lâu dài cung cấp cái nhìn sâu sắc vào những rủi ro hiện tại của các DN.
Một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm hữu ích về quản lý rủi ro của một số nước nói trên, để giúp công tác quản lý thuế ở Việt Nam đạt hiệu quả và kết quả tốt thời gian tới, cơ quan thuế nên tập trung vào các nội dung sau:
- Xây dựng mô hình quản lý rủi ro dựa trên mô hình của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) bao gồm các bước: Nhận diện rủi ro; đánh giá và xác định rủi ro; phân tích hành vi tuân thủ; xây dựng chiến lược xử lý rủi ro; lên kế hoạch và thực hiện chiến lược. Ngoài ra, trong quá trình quản lý rủi ro cơ quan thuế cũng thường xuyên phải đánh giá hiệu quả của công tác quản lý rủi ro ở tất cả các bước của quy trình.
- Kiện toàn tổ chức của Ban Quản lý rủi ro trực thuộc Tổng cục Thuế. Ở Cục thuế mỗi tỉnh, thành phố nên hình thành một bộ phận chuyên trách quản lý rủi ro về thuế. Các bộ phận này có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thực hiện thu thập phân tích thông tin, đánh giá rủi ro trong các khâu quản lý thuế; Phân loại rủi ro trong việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân nộp thuế; Nghiên cứu, xây dựng và tổ chức triển khai ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro; Đề xuất trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu quản lý. Bộ phận này định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong đơn vị và báo cáo lên Tổng cục Thuế.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 204/2015/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế;
2. European Commision (2010), Compliance Risk Management Guide for tax administration;
3. OECD (2010), Recent developments in Compliance Risk Treatments
TS. NGUYỄN THỊ THÙY DƯƠNG - VIỆN NGÂN HÀNG - TÀI CHÍNH (ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN)
Theo Tapchitaichinh.vn