Sẽ có thêm nhiều dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư trong thời gian tới, hứa hẹn sự đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.
PGS-TS Ngô Trí Long: ‘Tăng thuế có lợi trước mắt nhưng nhiều hệ lụy về lâu dài’
- Cập nhật : 17/08/2017
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính có thể có lợi về trước mắt nhưng lâu dài thì có nhiều hệ lụy.
Khi tăng thuế VAT và giảm thuế thu nhập thì có thể nói là đứng về phía người giàu, chia nghĩa vụ thuế lên toàn dân.
Trong báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế Tài nguyên, Bộ Tài chính cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhiều quốc gia kể cả các nước phát triển có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế GTGT theo hai phương án là tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1.1.2019 hoặc tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1.1.2018 và 14% từ ngày 1.1.2021. Trong đó, Bộ này đề nghị cân nhắc phương án 1.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT; bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT.
Bỏ quy định “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” không chịu thuế GTGT. Đồng thời bỏ quy định “Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 1.7.2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế GTGT.
Quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu quan điểm, thu thuế phải đảm bảo tính lâu dài và công bằng, minh bạch. Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế trong thời điểm này cần phải tính toán kỹ.
“Tôi nghĩ là nên thận trọng và tính toán kỹ tác động. Những loại thuế tăng lên đều có ảnh hưởng đển sản xuất. Thuế VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng. Trong bối cảnh tăng trưởng hạn chế, cầu còn trì trệ mà tăng như vậy có nên hay không?”, ông Long nói.
Theo vị này, tăng thuế có thể có lợi trước mắt nhưng lâu dài thì có nhiều hệ lụy. Khi tăng thuế VAT và giảm thuế thu nhập thì người dân sẽ phải gánh thuế, có thể nói là đứng về phía người giàu, chia nghĩa vụ thuế lên toàn dân.
Nói với tờ Người lao động, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng hành vi tăng thuế là tín hiệu không tốt cho nền kinh tế bởi khi thuế tăng cho thấy thâm hụt ngân sách đang tăng. Chính phủ cần huy động vốn để giải quyết nguồn thu ngân sách, vô hình trung làm cho lãi suất tăng, chi phí sản xuất của doanh nghiệp cũng tăng, kéo giá hàng hóa tăng thêm, chi tiêu của người dân cũng tăng theo, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, vị này cho rằng việc tăng thuế có thể ảnh hưởng rất lớn đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, buộc cơ quan này phải kìm hãm đà tăng lãi suất bằng cách bơm thêm tiền ra thị trường, vô tình làm cho lạm phát đi lên… Như thế, việc tăng thuế sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy hết sức khó lường.
Theo ông Bảo, cái mà người dân cần là thông tin tăng, giảm thuế phải minh bạch để họ đồng tình thực hiện nghĩa vụ thuế. Nếu nguồn thu ngân sách tăng lên để đầu tư cho các dự án an sinh xã hội thì chắc chắn người dân ủng hộ việc tăng thuế. Do đó, Bộ Tài chính cần công bố việc tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%, ngân sách sẽ thu thêm bao nhiêu tiền, số tiền này được sử dụng cho mục đích gì. Còn việc giảm thuế thu nhập DNNVV thì bao nhiêu người được hưởng lợi từ chính sách này.
Liên quan đến vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Tài chính khi sửa đổi các luật nói trên phải tương thích với các Luật mới được Quốc hội ban hành như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư; phù hợp với định hướng sản xuất và tiêu dùng; đúng bản chất của sắc thuế, công khai, minh bạch; phù hợp mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng phát triển.
“Cần phải đảm bảo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế; đảm bảo động viên ngân sách, chống xói mòn cơ sở thuế”, Phó thủ tướng nói.
Cụ thể, về thuế giá trị gia tăng, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xem lại quy định không phải kê khai nộp thuế đối với mặt hàng nông sản ở khâu thương mại; rà soát kỹ thêm nhóm hàng hóa dịch vụ cần nâng lên 11-12% hoặc chuyển từ không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT.
Về thuế TNDN, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu các quy định hiện hành gắn với quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội ban hành; quy định bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với trường hợp lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, cần nghiên cứu để đảm bảo minh bạch, không ảnh hưởng tới thu ngân sách của địa phương.
Đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đa số bất động sản thuộc sở hữu nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ xem việc bù trừ có làm mất tài sản của nhà nước không? Phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với bản chất theo hướng tập trung; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp gắn với thực tiễn và lĩnh vực ưu tiên.
Theo Hoài Phong - motthegioi.vn