Phản ứng của giá vàng với những nguy cơ địa chính trị đang gia tăng trong những tháng qua khá là mờ nhạt.
Bơm thêm 220.000 tỉ đồng vào nền kinh tế: Nên hay không?
- Cập nhật : 22/08/2017
Với giả định nâng tăng trưởng tín dụng lên mức 22%, hệ thống ngân hàng thương mại phải thu xếp số tín dụng tăng thêm tương ứng là khoảng 220.000 tỉ đồng.
Với giả định nâng tăng trưởng tín dụng lên mức 22%, hệ thống ngân hàng thương mại phải thu xếp số tín dụng tăng thêm tương ứng là khoảng 220.000 tỉ đồng.
Kịch bản tăng trưởng tín dụng 21-22% đã chính thức được đặt ra khiến hệ thống ngân hàng đứng trước nhiều bài toán khó.
Thách thức kép
Theo đó, 2017 có thể sẽ là năm đánh dấu sự trở lại của tăng trưởng tín dụng tiếp cận các mức cao, sau giai đoạn 2011-2016. Với phương án này, dựa trên quy mô tổng dư nợ tín dụng khoảng 5,5 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2016, lượng tín dụng phải tăng thêm trong năm nay vào khoảng 1,21 triệu tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa, trong 5 tháng cuối năm, hệ thống ngân hàng phải bơm ra thêm khoảng 698.500 tỉ đồng. Chưa cần bàn tới tính hợp lý của quyết sách này, chỉ riêng việc đạt được chỉ tiêu trên đã là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Khó khăn đầu tiên nằm ở chỗ: Làm thế nào để thu xếp được nguồn tín dụng tương ứng với mục tiêu cho vay? So với dự tính tăng trưởng 18%, với giả định nâng tăng trưởng tín dụng lên mức 22%, hệ thống ngân hàng thương mại phải thu xếp số tín dụng tăng thêm tương ứng là khoảng 220.000 tỉ đồng. Thông thường, sẽ có 3 biện pháp được đưa ra.
Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi, tạo nguồn cung cho tăng trưởng tín dụng. Thông thường, khi cần tăng nguồn tiền gửi, lãi suất huy động các kỳ hạn của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ được điều chỉnh tăng lên. Song hành với đó, lãi suất cho vay cũng tăng theo. Điều này lại mâu thuẫn với yêu cầu giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn.
Về lý thuyết, vẫn có thể chờ đợi vào khả năng tăng trưởng tín dụng huy động tự nhiên. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, đã có sự chênh lệch đáng kể giữa tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng với tăng trưởng tín dụng, tương ứng 5,89% huy động so với 7,54% cho vay. Khó có thể chờ đợi một sự bứt phá ngoạn mục trong những tháng cuối năm.
Xét khả năng tăng nguồn huy động ở thị trường mở, triển vọng cũng không mấy rõ ràng. Đấu thầu trái phiếu chính phủ tháng 6 đạt tỉ lệ trúng thầu 90,1%, cao hơn tỉ lệ 75,2% của tháng trước đó. Trong quý II, đầu thấu trái phiếu chính phủ vượt kế hoạch trên 3.000 tỉ đồng, một con số rất khiêm tốn khi so sánh với mục tiêu 220.000 tỉ đồng để đạt tăng trưởng tín dụng 22%.
Biện pháp thứ 3 có thể được áp dụng là giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của hệ thống ngân hàng thương mại để tăng dư địa cho vay của các ngân hàng này. Tuy nhiên, hiện tại, tỉ lệ dự trữ bắt buộc đang áp dụng đại trà là 3% (kỳ hạn dưới 1 năm), 1% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với tiền đồng và 8% (kỳ hạn dưới 1 năm), 6% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với ngoại tệ. Con số này đang rất thấp so với các nước trong khu vực như Trung Quốc (17%), Indonesia (6,5%), Lào (5%), Ấn Độ (4%), Malaysia (3,5%). Áp lực nợ xấu càng khiến việc hạ thấp tỉ lệ dự trữ bắt buộc tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặt khác, dù có dùng biện pháp này, tăng trưởng tín dụng cũng không cải thiện được nhiều do tỉ lệ dự trữ bắt buộc của chúng ta đã ở mức rất thấp.
Dù với kịch bản nào, các ngân hàng thương mại được chỉ đạo phải phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5-1%. Đồng thời, Chính phủ cũng không thay đổi chỉ tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Không có nhiều chọn lựa
Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về tài chính ngân hàng, đánh giá, tăng trưởng tín dụng cao nhưng lãi suất và lạm phát lại thấp là những mục tiêu đối ngược, nên trọng trách của Ngân hàng Nhà nước là hết sức nặng nề. Tại các nền kinh tế thị trường, không có vấn đề đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu phần trăm. Ngân hàng trung ương có nhiệm vụ điều tiết lưu lượng tiền tệ vừa đủ cho sự ổn định và phát triển nền kinh tế. “Chính sách tiền tệ mà lệ thuộc vào chính sách tài khóa thì sẽ có thể dẫn đến những rủi ro, bất ổn. Việt Nam cần phải có một ngân hàng trung ương độc lập hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.
Đứng từ góc độ kinh tế vĩ mô, dù trong trường hợp kịch bản trên được thực hiện hoàn hảo, nền kinh tế liệu có được kích hoạt hay không? Trong các cuộc trao đổi với NCĐT, không vị chuyên gia kinh tế nào bày tỏ sự lạc quan trước câu hỏi này. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển phân tích, căn bệnh của kinh tế Việt Nam là thâm dụng vốn. Khu vực sử dụng vốn hiệu quả là khu vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ vừa và nhỏ, trong khi đó, muốn đẩy tín dụng nhanh, đích đến phải là các dự án đầu tư hạ tầng công như các dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) giao thông hay những tuyến metro hàng ngàn tỉ đồng ở Hà Nội và TP.HCM. Theo cách này, tăng trưởng GDP không tạo ra việc làm và không có sức lan tỏa tới nền kinh tế. Mục tiêu ngắn hạn có thể đạt được nhưng viễn cảnh sẽ không tốt trong trung hạn và dài hạn.
“Động thái này chỉ chứng tỏ, ưu tiên của Chính phủ ở thời điểm hiện tại là đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Những hệ lụy từ chủ trương này, theo tôi, có lẽ Chính phủ cũng biết. Phải có vốn giải quyết các nhu cầu thiết yếu trước, sau đó mới có thể tính đến các mục tiêu khác”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định.
Rủi ro trong chọn lựa này nằm ở 2 khả năng. Thứ nhất, khi các ngân hàng tập trung giải ngân ở những dự án đầu tư hàng ngàn tỉ đồng với những “bảo lãnh vàng” từ phía Nhà nước, không thể không tính tới kịch bản doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận được nguồn vốn. Dù lãi suất sẽ không bị đẩy lên cao như từng xảy ra vào những năm 2009-2010, nhưng nếu không được tiếp vốn, khả năng tồn tại và phát triển của khu vực kinh tế được coi là động lực này sẽ bị suy giảm. Đáng lo hơn, thay vì để khắc phục những dự án dở dang vẫn có tương lai như dự án metro ở TP.HCM, nguồn vốn tiếp tục được đổ vào những dự án làm ăn thua lỗ và không có cách khắc phục như dự án Gang thép Thái Nguyên 2 hay dự án Đạm Ninh Bình... Khi đó, bài toán nợ xấu sẽ không thể có lời giải. Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu bổ sung, rất đáng lo ngại khi tín dụng đổ vào bất động sản hoặc chứng khoán, đặc biệt là ở các thị trường thứ cấp. Khi đó, tăng trưởng tín dụng hoàn toàn không góp phần tạo ra của cải mới.
Cái được duy nhất của giải pháp đẩy tăng trưởng tín dụng là nguồn thu của Chính phủ sẽ được đảm bảo, cân đối chi tiêu sẽ dễ dàng hơn. Quả thật, đây không phải là giai đoạn mà chúng ta có nhiều lựa chọn lựa.
Hoàng Hạnh
Theo Nhipcaudautu.vn